Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TP HCM, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, phát biểu như vậy tại Hội nghị Truyền nhiễm lần thứ hai, chủ đề "Sẵn sàng ứng phó các bệnh nhiễm trùng trỗi dậy", sáng 19/12.
Miễn dịch cộng đồng, hay miễn dịch đám đông, là then chốt để kiểm soát dịch bệnh. Khi một quần thể có tỷ lệ miễn dịch với một tác nhân truyền nhiễm đạt đến mức độ đủ nhiều nào đó, dịch bệnh sẽ được ngăn chặn và kết thúc. Với đại dịch Covid-19, hiện nay, mỗi người nhiễm nCoV có thể lây cho trung bình 2-3 người. Nếu một tác nhân chỉ lây cho ít hơn một người khác, sẽ chấm dứt được dịch bệnh.
Có hai cách để tạo thành miễn dịch cộng đồng, thông qua quá trình nhiễm trùng tự nhiên hoặc qua tiêm chủng vaccine, tiến sĩ Châu cho hay. Quá trình nhiễm trùng tự nhiên, là không ngăn cản sự lây lan của dịch bệnh, để nó tự do phát triển, người dân phơi nhiễm với virus. Người nhiễm bệnh có thể tử vong vì virus và những biến chứng, hoặc khỏi bệnh. Những người khỏi bệnh, cơ thể sẽ sản sinh ra kháng thể kháng lại nCoV. Như vậy miễn dịch cộng đồng được tạo thành mà không cần làm gì cả.
"Đạt miễn dịch cộng đồng bằng cách để quá trình lây nhiễm diễn ra một cách tự nhiên, là hoàn toàn phi đạo đức và không khả thi" tiến sĩ Châu nói.
Thứ nhất, không phải tất cả người bệnh đều có kháng thể để miễn dịch, miễn nhiễm với nCoV. Ông dẫn nhiều báo cáo, nghiên cứu trên thế giới, chỉ ra rằng: Kháng thể xuất hiện ở một đến ba tuần sau khi khởi phát bệnh. Đây cũng chính là khoảng thời gian mà các bệnh nhân bắt đầu hồi phục. Tuy nhiên, người mắc bệnh nặng hơn dường như có mức kháng thể cao hơn. Bệnh nhân Covid-19 không triệu chứng, hoặc bị nhẹ có mức kháng thể thấp hơn, thậm chí ở dưới mức có thể phát hiện được. Trong khi đó, diễn tiến tự nhiên của nhiễm nCoV đa phần là bệnh nhẹ, không triệu chứng.
Các khảo sát huyết thanh học thực hiện ở các quốc gia bị ảnh hưởng sớm bởi nCoV là Tây Ban Nha và Italy cho thấy, tỷ lệ kháng thể dao động 1-10% trên toàn quốc, cao nhất là 15% ở một vài đô thị bị ảnh hưởng nặng. Tại tâm dịch Vũ Hán, Trung Quốc, dưới 4% dân số (những người chưa từng mắc nCoV) có kháng thể kháng nCoV.
Ngoài ra, những tính toán về dịch tễ học gần đây cho thấy, sự lây lan của nCoV chỉ có thể dừng lại một cách tự nhiên khi tối thiểu 50% dân số có miễn dịch bảo vệ. Như vậy, với tình trạng ít hơn 10% dân số thế giới có kháng thể nCoV (sau một năm Covid-19 lưu hành) thì còn rất lâu nữa mới đạt đến mức miễn dịch cộng đồng, cho phép chấm dứt đại dịch.
Thứ hai, cái giá để đạt được miễn dịch cộng đồng tự nhiên cực đắt, với giả định, ngưỡng mong muốn đạt miễn dịch cộng đồng là tối thiểu 50% dân số.
Thực tế, hệ thống y tế hiện nay chưa có biện pháp điều trị đặc hiệu, chưa có biện pháp phòng ngừa tối ưu cho những người có nguy có biến chứng nặng sau mắc nCoV. Do đó, với tỷ lệ tử vong vì nCoV ước tính khoảng 0,3 đến 1,3%, thì riêng Pháp sẽ có thêm 100.000- 450.000 ca tử vong; Mỹ sẽ có thêm 500.000 đến 2,1 triệu ca tử vong mới đạt được mục tiêu.
Điều này còn chưa tính đến tỷ lệ tử vong có thể lên tới 3,3% ở những người trên 60 tuổi và tỷ lệ này còn tăng cao hơn nữa ở những người mắc bệnh tiểu đường, tim mạch, bệnh hô hấp mạn tính hoặc béo phì. Chưa tính ở các nước còn lại trên thế giới.
"Đánh đổi hàng triệu sinh mạng để đạt được miễn dịch cộng đồng là điều không thể chấp nhận", tiến sĩ Châu nhấn mạnh. Ông dẫn chứng, trước đây, nước Anh từng nhận nhiều chỉ trích khi manh nha ý định không can thiệp vào dịch bệnh, để miễn dịch tự nhiên. Song sau đó, kế hoạch này không được thực hiện.
Theo tiến sĩ Châu, chúng ta không nên trông chờ vào miễn dịch tự nhiên để ngăn chặn đại dịch. "Chỉ có vaccine Covid-19 hiệu quả mới cho phép đạt được miễn dịch cộng đồng an toàn, nhân văn và triệt để nhất", ông nói.
Trong thời gian chờ được tiêm vaccine, toàn xã hội cần tiếp tục nỗ lực hạn chế, kiểm soát sự lây lan của virus, bằng các biện pháp phòng đang thực hiện và tập trung bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất.
Trước đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã nhiều lần lên án và phản đối việc áp dụng khái niệm miễn dịch cộng đồng đối với Covid-19 là "nguy hiểm", cảnh báo rằng "không ai an toàn". WHO đã ghi nhận các trường hợp người bị tái nhiễm nCoV sau khi hồi phục từ đợt nhiễm ban đầu. WHO cũng giải thích, dù hầu hết mọi người có khả năng phát triển một số loại phản ứng miễn dịch, song vẫn chưa rõ thời gian tồn tại hoặc mức độ bảo vệ của kháng thể và những người khác nhau sẽ có phản ứng khác nhau.
Thư Anh