Trong 6 tháng đầu năm, Mazda Việt Nam bán 12.679 xe, giảm 10% so với cùng kỳ năm trước là 14.089 xe, đứng thứ 7 thị trường. Nửa đầu 2023 cũng như kết thúc năm ngoái, Mazda đều yên vị thứ 5.
Mazda không phải là thương hiệu có doanh số giảm mạnh nhất trong nửa đầu 2024. Biên độ giảm của Mazda chỉ là 10% trong khi đó mức biên độ giảm nhiều nhất nằm ở những vị trí top đầu. Ví dụ, Toyota giảm 16%, Hyundai giảm 16,6%, Kia giảm 18,8%.
Trong 2024, Mazda vẫn có 8 mẫu xe, nhưng bán hàng dựa chủ yếu vào CX-5. Mẫu crossover cỡ C đóng góp tới 42% doanh số cho thương hiệu Nhật, 7 mẫu còn lại chia nhau 58%.
Cụ thể, hết 6 tháng, có 5.270 chiếc CX-5 đến tay khách hàng, giảm nhẹ so với con số 5.423 xe vào năm trước. CX-5 cũng là mẫu xe duy nhất của Mazda lọt top 10 trong 2 năm qua. Trước đây, Mazda có thêm Mazda3, nhưng làn sóng xe gầm cao đã khiến Mazda3 cũng như các mẫu sedan cỡ C không còn chỗ đứng trong top 10.
"Át chủ bài" CX-5 duy trì ngôi vị bán chạy nhất trong phân khúc xe gầm cao cỡ C trong nhiều năm qua. CX-5 hội tụ đầy đủ những yêu cầu của khách hàng đối với một mẫu xe gầm cao, thiên hướng phục vụ cho gia đình, như giá cả vừa phải, thiết kế nịnh mắt, phù hợp nhiều khách hàng, trang bị đầy đủ các tính năng an toàn.
Vào nửa cuối 2023, Thaco đã ra mắt bản nâng cấp nhẹ của CX-5, tinh chỉnh về ngoại hình, thêm tính năng an toàn. CX-5 là mẫu xe Mazda duy nhất được Thaco ra mắt bản nâng cấp trong 2023.
Ở phần còn lại của thương hiệu, Mazda2 và Mazda3 có doanh số gần tương đương nhau là trên 2.000 xe, trong đó Mazda2 giảm, Mazda3 tăng so với nửa đầu 2023. Cả hai đóng góp 35% doanh số cho Mazda, tăng nhẹ so với mức 33% vào cùng kỳ năm ngoái.
Nhìn chung, Mazda3 vẫn là lựa chọn an toàn cho những khách hàng đang lựa chọn sedan cỡ vừa. Mazda3 cùng với Kia K3 cũng do Thaco lắp ráp là sedan cỡ C bán chạy từ 2023 đến nay. Điều này trái ngược với Mazda2 ở phân khúc sedan cỡ B, mẫu xe này hầu như luôn nằm ở các vị trí giữa bảng, đây là mẫu xe nhập khẩu, do đó không được hưởng ưu đãi về lệ phí trước bạ trong những năm qua.
Crossover CX-8 và CX-3 xếp hạng 4 và 5, doanh số gần như tương đương nhau là hơn 1.000 chiếc trong 6 tháng đầu năm. Trong khi CX-8 giảm nhẹ thì CX-3 tăng nhẹ.
CX-8 thuộc phân khúc gầm cao cỡ D. Ở phân khúc này, mẫu crossover của Mazda ổn định ở vị trí giữa, đây là "sân chơi chính" của Ford Everest và Hyundai Santa Fe.
Cuối cùng, crossover CX-30 và sedan Mazda6 là hai mẫu xe ít khách nhất trong nửa đầu 2024. CX-30 chỉ bán ra 670 chiếc, còn Mazda6 là 237 chiếc. Bán tải BT-50 ghi nhận mức doanh số 5 chiếc vào tháng 1, những tháng sau không bán được xe nào, và Thaco đã dừng bán mẫu xe này.
CX-3 và CX-30 được nhập khẩu nguyên chiếc. Thị trường ở phân khúc này chật chội với nhiều đối thủ đến từ Hàn, Nhật, và được các hãng ưu tiên ra mắt sản phẩm mới hoặc cập nhật phiên bản mới. CX-3 và CX-30 ra mắt lần đầu vào 2021, do đó không có nhiều lợi thế về trang bị cũng như ngoại hình so với các mẫu xe mới xuất hiện, như Mitsubishi Xforce, Toyota Corolla Cross hay Hyundai Creta, vốn là những cái tên nhiều lần đứng đầu bảng xếp hạng crossover cỡ nhỏ.
Sedan cỡ D Mazda6 không thể cạnh tranh với đối thủ Toyota Camry. Bên cạnh đó, doanh số giảm mạnh qua từng năm của Mazda6 nói riêng và sedan cỡ D nói chung đã cho thấy sự chuyển dịch thị hiếu khách hàng, với sự thoái trào của các xe sedan, thay vào đó là các mẫu xe gầm cao giá rẻ đến trung bình.
Hồ Tân