Gần nhà tôi ở Bình Dương có một quán nhậu, khi có thông tin sinh viên Đại học Thủ Dầu Một là F1 và nhiễm bệnh, quán đã đóng cửa sớm, mọi năm bán đến khi nào công nhân về hết mới nghỉ. Nhân viên chạy bàn quán năm nay ngoài lương, vẫn được chủ quán lì xì cho 200 nghìn đồng ăn Tết. Trong tiếng cười của bữa cơm tất niên sớm, họ hài lòng và hẹn qua Tết sẽ khấm khá hơn.
Bạn tôi vừa khoe năm nay thưởng Tết được 50 triệu nhưng không vui mấy vì giảm một nửa so với năm ngoái. Anh cho rằng doanh thu cả năm 2020 của công ty không giảm mà tăng nhẹ so với 2019. Đó là công sức của cả tập thể bao gồm lãnh đạo và nhân viên. Giữa mùa giãn cách, làm việc ở nhà nhưng hàng ngày phải họp online, phải điện thoại cho từng đối tác để đem về họp đồng. Vậy mà ban giám đốc viện lý do "cần ổn định dòng tiền để cân đối thu chi cho năm 2021" để giảm thưởng anh em, liệu có hợp lý?
Luật không quy định nhưng khoản tiền thưởng Tết là thỏa thuận riêng giữa người lao động và người sử dụng lao động. Với nhiều công ty, thưởng Tết ít nhiều gì cũng là tiền người lao động làm ra, họ chỉ giữ hộ đến cuối năm mới trả mà thôi. Thưởng Tết cũng là cách giữ chân người lao động để họ không nhảy việc. Với người lao động làm công ăn lương, thưởng Tết là liều "dopping" sau cả năm dài làm việc.
Nhưng với đặc thù năm Covid-19 2020, giãn cách xã hội rồi dồn dập cách ly, nhiều công ty hoạt động cầm chừng, chưa phá sản là may, có lương trả cho nhân viên đã là may thì thưởng Tết ở đâu ra?
Nếu xem thưởng Tết 2021 này là một bức tranh thủy mặc thì nó vẽ cảnh đỉnh cao lẫn vực sâu. Mà bình thường nó vốn đã phân cực, khi nhiều người làm ở môi trường tốt, cơ hội thăng tiến cao, dễ kiếm được nhiều nguồn thu nhập lại lãnh thưởng Tết rất cao. Trong khi nhiều công nhân, nhiều người lao động làm việc ở môi trường không tốt hơn, không có cơ hội thăng tiến, cả ngày chỉ quần quật làm việc và hy vọng tăng thu nhập chỉ ở việc tăng ca, lại có thưởng thấp hơn thì biết làm thế nào mới ổn định?
Anh Hoàng
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.