Kể từ sau đại dịch Covid–19, thành công lớn nhất của ngành ngân hàng chính là công nghệ số đã thay đổi thói quen giao dịch của mọi người trong cuộc sống thường ngày. Thay vì thói quen giao dịch tiền mặt, cần gì mới ra ngân hàng gửi hoặc rút tiền, nhiều người đã chuyển sang sử dụng phương thức chuyển khoản vừa nhanh, vừa tiện, tiết kiệm được rất nhiều chi phí, giảm thiểu được nhiều rủi ro như bị cướp giật, đánh rơi. Nhưng cái gì "hiện đại quá" cũng sẽ đi liền với những rắc rối. Tôi tin chắc rằng, ai trong số chúng ta cũng ít nhất một lần trong đời gặp phải những sự cố liên quan đến giao dịch chuyển khoản ngân hàng:
Câu chuyện của người anh đồng nghiệp làm chung với tôi là một ví dụ. Anh có thói quen mỗi khi mua quần áo sẽ thường chọn các cửa hàng, shop quần áo hoặc vào siêu thị mua rồi thanh toán bằng tiền mặt trực tiếp. Cũng giống như nhiều người khác, anh muốn sờ tận tay, xem tận mắt, ướm thử vào người rồi ưng ý mới mua. Sau đó, anh chọn trả tiền mặt cho nhanh, gọn, lẹ.
Nói là vậy nhưng thực ra, việc này mất rất nhiều thời gian vì phải đi xem lòng vòng, thử đi thử lại. Thấy vậy, tôi kêu anh cứ lên mạng, ngồi một chỗ mà tha hồ lựa chọn các shop khác nhau từ khắp nơi trên cả nước. Thông thường, với mua sắm online, phương thức thanh toán trước qua chuyển khoản cho người bán sẽ được rất nhiều ưu đãi.
Mới hôm qua, anh kể với tôi rằng đã chuyển khoản 350.000 đồng từ hơn một tháng nay cho một shop mà đến giờ vẫn chưa thấy giao hàng. Do lu bu công việc nên anh cũng quên bẵng đi, giờ mới nhớ lại thì đã không còn thấy shop đó hoạt động trên mạng nữa, gọi hotline cũng chẳng có tín hiệu trả lời. Kết cục thế nào chắc mọi người cũng hiểu.
>> 'Khó phong tỏa tài khoản người nhận tiền chuyển nhầm'
Một ngày đẹp trời nọ, khi tôi đang chạy xe trên đường, bất chợt thấy cuộc gọi của đứa bạn học cùng quê. Chưa kịp cất lời hỏi thăm thì người bạn vội tuôn một tràng với giọng hớt hải: "Chết tao rồi, chết tao rồi, tao lỡ chuyển tiền nhầm cho người khác mà cứ ngỡ là đã chuyển đúng cho đối tác, bây giờ làm sao mà lấy lại tiền được hả mày?". Tôi biết rằng, 99% số tiền chuyển nhầm đó sẽ không bao giờ có thể lấy lại được, do khi bạn phát hiện ra thì cũng đã mấy ngày rồi. Nhưng tôi vẫn hy vọng màu nhiệm sẽ xảy ra, người nhận tiền chuyển nhầm đó sẽ chuyển trả lại cho bạn.
Hy vọng là vậy nhưng tôi nhắc bạn thứ cần thiết phải làm ngay lúc này là hai việc: một là gửi yêu cầu tra soát trực tiếp trên app của ngân hàng, hai là gọi ngay cho hotline của ngân hàng đó để yêu cầu tra soát giao dịch và việc còn lại là chờ kết quả từ ngân hàng. Nhanh nhất, câu trả lời sẽ có sau ba ngày (có thể sớm hơn hoặc trễ hơn) kể từ ngày yêu cầu được ghi nhận. Tuy nhiên, phép màu đã không xảy ra vì người nhận tiền chuyển nhầm đó từ chối cung câp thông tin và làm việc.
Rất nhiều người cho rằng lúc này cần ngân hàng đứng ra giải quyết công bằng cho người chuyển nhầm tiền? Những năm tôi còn làm việc ở ngân hàng, cũng có không ít trường hợp tương tự. Thực ra, ngân hàng chỉ là đơn vị trung gian và làm theo yêu cầu, đề nghị của các bên khi giao dịch nên không thể can thiệp, cũng như giải quyết việc chuyển nhầm tiền. Bởi thông tin khách hàng luôn được bảo mật tuyệt đối nên ngân hàng không thể cung cấp cho bên thứ ba.
Điều duy nhất ngân hàng có thể hỗ trợ được cho bên chuyển tiền là kiểm tra số tiền đó đã được chuyển đến tài khoản của người nhận hay chưa, nếu như chưa thì ngân hàng sẽ hỗ trợ tạm dừng giao dịch đó và tiến hành kiểm tra, xác minh, thực hiện đầy đủ các quy định có liên quan. Nếu mọi điều kiện được thỏa mãn thì số tiền đó sẽ được hoàn lại. Còn nếu tiền đã được bên nhận rút ra thì người chuyển nhầm phải tự thỏa thuận cá nhân nếu được hoặc chấp nhận mất.
Hầu hết việc chuyển tiền nhầm thường xảy ra một phần do sự vội vàng, thiếu cẩn trọng. Lời khuyên của tôi là mọi người nên chậm lại một vài giây để không xảy ra điều không mong muốn. Và đây là một số kinh nghiệm của tôi trước khi bấm nút đồng ý chuyển tiền:
- Kiểm tra số tài khoản, tên chủ tài khoản, tên ngân hàng của người nhận – việc này chỉ mất chưa đến ba giây.
- Kiểm tra lại số tiền cần chuyển – việc này cũng chỉ mất khoảng một giây.
- Nội dung chuyển tiền cũng không quá quan trọng lắm nên có thể lướt nhanh.
- Cuối cùng, sau khi thực hiện xong giao dịch khoảng vài phút, nên xác nhận lại với bên nhận xem tài khoản đã báo nhận thành công hay chưa?
Như vậy, chỉ mất khoảng chưa đến năm giây để kiểm tra những thông tin quan trọng, bạn đã có thể tránh được rủi ro chuyển nhầm dẫn tới tiền mất tật mang.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.