Gần đây, tôi thấy một số bài viết chia sẻ việc về quê dưỡng già. Tôi cũng muốn kể câu chuyện của mình. Cũng như bao người khác, công thức bỏ phố về quê của vợ chồng tôi là: sống, làm việc vài chục năm trên thành phố, tích luỹ được một số vốn nhất định, vì lý do nào đó phải về quê sống, và tìm cách tạo thu nhập ở quê.
Tôi và vợ U50, có một đứa con đã lớn, cháu có thể tự lập với cuộc sống trên phố mà chúng tôi không phải bận tâm gì nhiều. Số tiền tích luỹ của chúng tôi nằm trong con số chi tiêu cơ bản trong ba năm mà không cần phải lo lắng tiền bạc.
Lý do về quê của tôi là ba mẹ đã già yếu, là con út trong nhà, tôi cần phải quay về sống với ông bà và lo việc hương hoả.
Nhiều người khi về quê tìm cách tạo thu nhập bằng việc làm nông, chăn nuôi.Sau mấy chục năm trong giới "cổ cồn trắng", vợ chồng tôi xác định không thể và không đủ sức khoẻ tay cuốc, tay cày để mà trồng trọt hay chăn nuôi được.
Khi không thể lao động nặng nhọc thì sẽ nghĩ đến chuyện kinh doanh. Từ lâu, mở một quán ăn là mong muốn của chúng tôi. Nhà tôi nằm trên mặt tiền đường lớn, gần trung tâm thị trấn ở miền Tây, cách TP HCM không xa. Vợ chồng tôi bàn tính với nhau, nói rằng chỉ nên mở quán bán ăn sáng, tới khoảng 10h là dọn dẹp, buổi chiều nghỉ ngơi để sáng hôm sau thức dậy sớm chuẩn bị bán tiếp.
Và nên bán món gì là câu hỏi quan trọng: Cơm tấm, hủ tíu, phở bò, cháo lòng thì quá bình thường, chỗ nào cũng có. Thật may quá, cô em dâu của vợ tôi dân gốc Quảng nên khuyên tôi bán món mì Quảng ở quê. Vợ chồng tôi liền đồng ý, tự tin là sẽ bán đắt vì hầu như ở quê tôi món mì Quảng chưa xuất hiện.
Cô em dâu của vợ dạy vợ tôi lớp cấp tốc nấu mì Quảng trong hai tháng. Vợ chồng tôi đầu tư tiền cải tạo lại nửa căn nhà phía trước làm quán ăn, mua bàn ghế, dụng cụ, bếp... hết một số tiền. Nguyên liệu được gửi từ Sài Gòn về tận nhà trong ngày.
Ngày mở bán khai trương, hàng xóm, bà con xung quanh ủng hộ rất đông, mới 8h30 là đã hết sạch hàng. Hai vợ chồng tôi phải thuê thêm đứa em họ phụ bưng bê và rửa chén. Nhưng sau hai tuần, người ta ăn xong một đợt, hai đợt do lạ miệng rồi không ghé nữa. Họ trở về cơm tấm, cháo lòng.
Một số người ăn xong nói món gì lạ quá, phở không ra phở mà mì cũng không giống mì. Mì Quảng gốc cho rất ít nước lèo và mặn, để hợp gu dân địa phương vợ chồng tôi cải biên nêm lạt đi và cho nhiều nước lèo hơn nhưng cũng không cứu vãn được tình hình.
Quán mì Quảng của vợ chồng tôi thoi thóp được ba tháng thì buộc lòng phải đóng cửa do thu không bù chi. Đợt đó chúng tôi mất trắng gần 250 triệu đồng. Cũng may là vợ chồng tôi còn nhà trên thành phố nên không bị hụt chân.
Vợ chồng tôi vẫn còn một khoản tiền để dành, tiền sinh hoạt hàng tháng nhờ vào tiền cho thuê đất vườn, đất ruộng nên cũng không phải chịu cảnh lao đao. Bây giờ hai vợ chồng dành thời gian chăm sóc ba mẹ, tạm hài lòng với cuộc sống. Cũng chưa có dự tính sẽ làm ăn gì vì đang còn phân vân nếu một mai ông bà không còn nữa thì có nên lên phố lại không?
Cuộc sống ở quê không dễ dàng như nhiều người nghĩ đâu, nếu dễ thì không có cảnh ùn tắc người người về quê mõi dịp lễ tết. Và cái căn bệnh khiến nhiều người mất tiền khi về quê làm ăn là đi nơi xa một thời gian, thấy cái hay cái lạ lại nghĩ nó phù hợp rồi về quê làm.
Phuc Truong
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.