Không tiền về Tết là nỗi lo, cũng là nỗi buồn của nhiều người lao động xa quê. Độc giả có nickname dan.mani2112 kể về những người bạn có quê ở ra, cứ đến Tết là buồn rầu:
"Tôi có vài người bạn xa quê , cứ tết là buồn buồn lo lo. Hỏi ra thì biết tiền xe hay máy bay về quê dịp Tết hết gần tháng lương (4-6 triệu đồng) nhưng chi phí mà bạn tôi quan ngại nhất là quà cáp, biếu bà con hàng xóm lên mức gấp hai, ba thậm chí bốn lần tiền vé xe hoặc máy bay.
Thiết nghĩ nếu bỏ qua sự dè bỉu, so đo quà cáp của các con cháu làm ăn xa thì nhiều gia đình đã được sum họp, ấm cúng ngày xuân hơn và cuộc sống cũng dễ thở hơn.
'Em nghèo thì em chấp nhận em nghèo, chứ mà bố mẹ em lại bị lời ra tiếng vào của bà con hàng xóm khi mà không có quà biếu, thôi thì em thà không về'- Bạn tôi tâm sự".
Trước thắc mắc của nhiều người cho rằng chi phí về Tết nên cố gắng tiết kiệm, độc giả Tuấn Anh lý giải chỉ riêng tiền vé xe, máy bay khứ hồi cho gia đình bốn người đã tốn hơn chục triệu đồng:
"Nhiều bạn chưa từng trải qua khó khăn, túng thiếu như nhiều người làm công nhân xa quê. Họ không đặt mình vào hoàn cảnh của những công nhân xa quê lâu năm khi về quê đón tết sẽ phải tốn kém chi phí như thế nào cho ba ngày Tết.
- Tiền vé tàu xe cho gia đình bốn người khoảng tám triệu đồng cho một chiều, không tính khứ hồi. Kèm chi phí sinh hoạt dọc đường khi đi xe.
- Khi về quê cũng cần sắm sửa, mua đồ Tết, gói quà Tết cho cha mẹ, nội ngoại . Mua sắm thực phẩm sử dụng trong ba ngày Tết, tiền lì xì ... tiết kiệm nhất cũng đến 10 triệu đồng.
- Tết xong trở lại nơi làm việc ít nhất chi phí tàu xe, sinh hoạt cũng khoảng sáu triệu đồng cho gia đình bốn người.
Như vậy tạm tính chi tiêu tiết kiệm một gia đình công nhân khi về quê hương đón tết chi phí ít nhất là 24 triệu đồng và chưa tính đến nhiều chi phí phát sinh khác . Hãy cùng đồng cảm với những hoàn cảnh khó khăn. Xin chúc mọi người cùng vượt qua khó khăn chờ đón năm mới tươi sáng hơn".
Độc giả có nickname lthuyenstc nói không có nhiều tiền vẫn về quê ăn Tết vui vẻ nếu bỏ ngoài tai lời đàm tiếu, đánh giá:
"Tôi là một cô gái lấy chồng xa nhà. Một năm đầu bỏ việc theo chồng, tôi bị thất nghiệp, hàng xóm láng giềng ở quê đều lời ra tiếng vào là tôi ăn bám chồng. Mẹ tôi bảo rằng: Ai nói gì đừng quan tâm, vì chả ai cho mình một bữa cơm miễn phí cả, thì việc gì phải phiền lòng vì họ.
Nói vậy để các bạn hiểu, là đừng vì lời nói của ai mà ảnh hưởng đến bản thân, chỉ cần mình sống tốt và đúng lương tâm. Tết cứ về quê, miễn bố mẹ không chê con nghèo, đừng phân biệt, so sánh anh em đứa giàu đứa khó, còn lại thì bỏ ngoài tai hết. Còn nếu không làm được vậy, vẫn còn quan tâm những lời đánh giá, xét nét của người xung quanh thì có lẽ phương án "không về Tết" còn tốt hơn".
Độc giả baonguyen:
"Tết đến xuân về là thời gian để mọi người nghỉ ngơi sau một năm lao động, công tác, học tập vất vả, cũng là dịp để đoàn viên gia đình. Những người lao động ở nơi xa mong được về quê hương để đón Tết cùng bố mẹ, ông bà, anh chị em ruột thịt, họ hàng, người thân là mong muốn chính đáng và đáng trân trọng.
Tuy nhiên tình cảm này cần phải đặt vào điều kiện cụ thể của từng người sao cho vẹn toàn. Đối với người có điều kiện kinh tế khá giả thì không nói, đối với người lao động có thu nhập thấp thì nên cân nhắc, tính toán sao cho cân bằng giữa tình cảm và điều kiện kinh tế.
Nếu kinh tế khó khăn thì nên cân nhắc vài năm mới về ăn Tết ở quê hoặc gia đình có nhiều người thì nên cử một người đại diện về ăn Tết, thăm bố mẹ, người thân để khỏi tốn tiền tàu xe".
Hữu Nghị tổng hợp
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.