Trong chia sẻ của tác giả bài viết Mang 800 triệu đồng bỏ phố về quê, sau hai năm còn 90 triệu, có một chi tiết khiến nhiều độc giả VnExpress bàn luận đó là đám tiệc, nhậu nhẹt ở một số vùng quê hiện nay quá nhiều, gây tốn kém.
Độc giả Minh chia sẻ:
"Nhiều bạn không tin sống ở quê có đôi lúc tốn gần 4 triệu đồng tiền giỗ chạp và đám tiệc. Nếu mang cái mác người thành phố có tiền thì càng bị mời nhiều hơn.
Tôi đã từng tính giùm người cô nghèo, một tháng không dưới 15 đám, mỗi đám tốn không dưới 200.000 đồng. Đi ăn đám tiệc nhiều như thế không khéo rước bệnh vào người, tính ra còn khổ hơn sống tiết kiệm trên thành phố.
Ở Sài Gòn, một năm nhà tôi phải dự chừng năm đám tiệc trong họ, đám cưới không tính. Về quê thì một tuần năm đám, đến nỗi nhà đầu ngõ tổ chức tiệc sinh nhật cho đứa nhỏ cũng mời tới người ở tuốt xóm trong.
Người dưới quê cả nể, họ cứ dựa vào câu "hàng xóm ra vào đụng mặt" rồi không dám từ chối khi được mời. Mà người ta mời thì mình cũng phải mời lại, thế là chuyện đi đám liên miên không lối thoát. Theo tôi, cái gốc là vì dưới quê quá ít trò giải trí. Nói thiệt tình, không nhậu tôi cũng không biết họ làm gì để giải khuây".
Độc giả Tam Duc có cùng chia sẻ: "Tôi cũng là con nhà quê nhưng đã tha hương hơn 40 năm nay. Thỉnh thoảng về quê, tôi rất sợ những đám tiệc liên miên như: đầy tháng, thôi nôi con cháu, sinh nhật, mừng thọ, giỗ, cưới xin... Tôi có cảm giác như họ bày ra để nhậu nhẹt. Rồi cảnh hàng ngày chứng kiến hàng xóm rượu chè bê tha, đánh chửi nhau om xòm cũng rất bí bức".
Độc giả Mr Tí liệt kê những đám tiệc đến từ số họ hàng, bà con xa gần rất đông: "Nhà bố mẹ tôi rất đông chú bác, chưa kể nhiều họ hàng xa nhưng ở ngay cạnh nhà. Thế nên ở quê bị mời dự đám cưới, đám ma, đám giỗ, đầy tháng, tân gia, con đỗ đại học, đi nước ngoài, con đi du học... rất tốn kém nhưng là chuyện bình thường".
Ngoài chuyện tốn kém tiền bạc vì đám tiệc, nhậu nhẹt, độc giả có nickname qthuong nhấn mạnh hai điểm quan trọng khi lựa chọn về quê sống hưu trí: "Tôi nghĩ, người ở độ tuổi nào quyết định sống ở đâu cũng cần quan tâm đến các vấn đề sau: tài chính, sức khỏe, tâm tư nguyện vọng. Người còn trẻ hay nói khi nào già về quê sống gần họ hàng chòm xóm, ruộng vườn ao cá mà đôi khi quên rằng:
- Đã già thì không còn sức làm ruộng, vườn.
- Cảnh quê của ngày sau khác quê ngày xưa, con người cũng vậy. Chưa kể sống xa con cái, khi ốm đau hoặc có việc đột xuất khá là bất tiện. Đặc biệt ai từng có thời thanh niên sôi nổi nơi thị thành, tuổi già về quê ẩn dật quá thường dễ cảm thấy buồn buồn... nhiều khi không hiểu vì sao lại buồn".
Độc giả hoangdinguyenan chia sẻ chuyện gia đình: "Bố mẹ tôi khi nghỉ hưu vẫn chọn ở lại thành phố để gần con cháu dù chúng tôi đã có nhà riêng. Khi lớn tuổi, sinh ra nhiều bệnh nên ở phố để có điều kiện y tế tốt hơn. Thêm nữa, bố tôi nói đã quen với cuộc sống, sinh hoạt ở phố, bây giờ về quê không quen.
Khi nghỉ hưu, có thời gian thoải mái, quê cách thành phố chưa đến 100 km nên tháng nào bố tôi cũng về quê mấy ngày, nhưng chỉ về chơi chứ không về sống luôn ở đó".
Độc giả Hoàng đúc kết: "Điều khiến chúng ta cảm thấy hạnh phúc là có thích nghi được với môi trường sống hay không? Văn hóa sống ở thành phố và nông thôn khác nhau. Nếu cho một người già đang sống ở nông thôn lên thành phố thì rất khó sống và ngược lại. Tiền bạc luôn cần và quý, nhưng nó là vật ngoài thân, mất, được, đầy vơi ... là chuyện thường tình".
Hữu Nghị tổng hợp
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.