(Bài viết Ý Kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Bằng cấp chỉ là cái giấy chứng nhận bạn đã được trang bị loại kiến thức nào để làm nghề gì. Thế thôi. Hết. Bằng cấp không chứng minh được bạn có năng lực cao với nghề nghiệp đó.
Để chứng minh năng lực này bạn phải trải qua làm việc thực tế. Có rất nhiều tình huống thực tế không có trường lớp nào dạy, tự bạn dựa vào những kiến thức đã học phải tìm cho ra biện pháp giải quyết nhanh nhất hiệu quả nhất.
Người không có bằng cấp, không học vấn có thể tìm ra được biện pháp nhưng, không may, những biện pháp ấy thường là, hoặc là vi phạm quy trình làm việc chung, thậm chí là vi phạm pháp luật.
Người có học làm sai đa phần là cố ý làm sai chứ họ thừa biết làm như thế là sai. Còn người không học thì thường là làm sai nhưng không biết mình làm sai. Bởi vì vô tư làm sai mà tưởng mình làm đúng nên hậu quả thường rất nghiêm trọng, khó có khả năng vãn hồi.
>> Công ty Mỹ cho tôi nghỉ việc sòng phẳng
Xã hội bây giờ phức tạp lắm, ra đường mà không biết luật, nửa bước cũng khó đi.
Một nhân viên tiếp thị có trình độ đại học gặp phải khách hàng khó tính, anh ta sẽ cố nhịn miễn sao được việc vì biết cãi nhau với khách hàng là làm mất uy tín công ty.
Ngược lại, một anh tiếp thị không có trình độ đại học thì thường cãi nhau với khách hàng vì anh ta cho rằng đó chuyện riêng giữa anh ta và khách hàng chả liên quan gì đến công ty. Nếu bạn là nhà tuyển dụng, bạn sẽ ưu tiên chọn ai?
Người có học đại học được trang bị tư duy hệ thống nên anh ta có thể suy ra được sau cái kết quả hay hậu quả ấy là cái gì. Còn người không học đại học chỉ nhìn thấy cái trước mắt, còn những cái sẽ diễn ra sau đó thì anh ta không lường được. Nếu bạn là nhà tuyển dụng, bạn sẽ ưu tiên chọn ai?
Bạn cần nhân viên có đầu óc giúp đỡ bạn, chia sẻ gánh nặng công việc với bạn hay bạn cần một "ông thiên lôi chỉ đâu đánh đó"? Đánh trúng thì cũng còn may, đánh trật hoặc đánh nhầm, bạn lại phải bỏ công sức thời gian tiền bạc ra dọn dẹp hậu quả.
>> 'Đi làm vì kinh nghiệm' khiến nhiều bạn trẻ trả giá mùa dịch
Bằng cấp không phải chỉ có đại học mới cấp bằng. Các trường dạy nghề cũng có cấp bằng. Đó là bằng kỹ năng. Ví dụ như bằng lái xe. Bạn vẫn có thể đi làm với những tấm bằng này. Hoặc, bằng trung cấp, cao đẳng kỹ thuật (thợ các loại), y dược (ý tá, dược tá), kế toán (trông coi quản lý vài tài khoản)...nhiều vô kể.
Sau khi làm việc vài năm, bạn có thể đi học hàm thụ đại học ở ngành mà bạn đang làm việc. Người có kinh nghiệm thực tế mà học đại học thì tiếp thu kiến thức nhanh hơn nhiều so với sinh viên "chính quy" vì sinh viên chỉ tiếp thu kiến thức ở dạng bị động, không có điều kiện so sánh đối chiếu với thực tế. Trước năm 30 tuổi, bạn phải có bằng đại học bất kể bạn học theo dạng nào – chính quy, hàm thụ, bổ túc, từ xa.
Càng học trễ thì kinh nghiệm thực tế mà bạn có sẽ tạo cho bạn có những thành kiến với các lý thuyết cơ bản khiến cho việc học đại học sẽ trở nên vô ích.
>>Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.