Chung mất những video em đăng trên mạng, còn Mục thì mất mạng.
Khi khẩu hiệu "năng lượng tích cực" bắt đầu xuất hiện trên mạng xã hội Trung Quốc vài năm trước, nó là cụm từ thời thượng để mô tả những bộ phim hay xu hướng sống lành mạnh. Nhưng trong những năm qua, truyền đi năng lượng tích cực đã biến thành một nhiệm vụ, khi giới chức thúc giục công chúng tăng cường đề cập đến những "mặt tươi sáng" của đời sống xã hội.
Cụm từ này cũng ngày càng có sức ảnh hưởng trong ngành giáo dục. Cuối tháng 4, Chung nổi tiếng trên mạng xã hội sau khi đăng video bắt chước giáo viên trên Kuaishou, nền tảng chia sẻ video của Trung Quốc. Trong một video, Chung đóng vai cô giáo Chung Mỹ Mỹ mắng học sinh, nói rằng "ngay cả khi các em không chịu học, cô vẫn nhận được lương". Trong một video khác, Chung Mỹ Mỹ dùng thước kẻ đánh học sinh trong khi mắng họ là "không biết xấu hổ".
Những video này giúp Chung thu hút 1,5 triệu người theo dõi, nhiều người ca ngợi tài diễn xuất của em và cho biết vai diễn khiến họ liên tưởng đến giáo viên của mình.
Nhưng giới chức giáo dục ở Hắc Long Giang không thích những video này. Truyền thông địa phương đưa tin rằng phòng giáo dục địa phương đã gặp mặt gia đình Chung, thúc giục phụ huynh "chỉ dạy thiếu niên này tạo ra những video mang lại năng lượng tích cực".
Các video sau đó bị gỡ xuống, khiến người dùng mạng tức giận phản đối, cho rằng cậu bé và gia đình bị ép buộc làm vậy. Trong khi đó, mẹ của Chung nói với đài truyền hình trung ương Trung Quốc rằng cô yêu cầu con trai gỡ video vì lo lắng em sẽ bị ảnh hưởng bởi những nhận xét tiêu cực trên mạng.
Cuối cùng, Chung chỉ bị quở trách nhẹ. Em hy vọng sau này sẽ thi đỗ Học viện Điện ảnh Bắc Kinh.
Nhưng Mục, học sinh lớp 5 ở Thường Châu, Giang Tô, kém may mắn hơn. Đầu tháng này, em nhảy từ tầng 4 của trường, sau khi bị cô giáo phê bình vì viết một bài văn "không có năng lượng tích cực".
Trong bài văn hơn 300 chữ về trích đoạn Ba lần đánh Bạch Cốt Tinh trong tiểu thuyết Tây du ký, Mục rút ra kết luận: "Bài học đạo đức của câu chuyện là đừng bị đánh lừa bởi vẻ bề ngoài và sự đạo đức giả trong xã hội ngày nay. Một số người có vẻ tốt bụng nhưng thực chất đen tối và nham hiểm. Họ sử dụng tất cả biện pháp xấu xa và âm mưu đê hèn để đạt được động cơ".
Nếu các giáo viên khác đọc bài văn này, họ có lẽ đã khen ngợi Mục vì tư duy sâu sắc. Tuy nhiên, giáo viên của Mục đã gạch phần kết luận của cô bé và để lại lời phê: "Cần truyền đi năng lượng tích cực".
Sau khi Mục chết, nhiều người chỉ trích giáo viên. Một số trang mạng đưa tin rằng còn nhiều chi tiết xoay quanh sự việc chưa được tiết lộ, khiến nhà trường phải ra tuyên bố bác tin đồn giáo viên đã tát Mục.
Cái chết của Mục đã khiến một số nhà quan sát cho rằng đang tồn tại mặt tối đằng sau nỗi ám ảnh của Trung Quốc với khẩu hiệu "năng lượng tích cực".
Xu Qinduo, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Pangoal, nhóm chuyên gia về chính sách công, nói rằng trong khi khái niệm này có phần mơ hồ, nó thường được sử dụng để nhấn mạnh sự tiến bộ và mặt tích cực của bất kỳ điều gì, thay vì xoáy sâu vào những vấn đề hay thiếu sót.
"Trong những dịp quan trọng, mọi người thường nói về những thành tựu hơn là những thách thức hoặc khía cạnh tiêu cực, để tạo ra không khí tươi sáng và lạc quan", Xu nói.
"Trên truyền thông hoặc mạng xã hội Trung Quốc, luôn có nhiều câu chuyện tích cực hơn tiêu cực, bởi vì những câu chuyện tiêu cực sẽ khiến mọi người thấy chán nản, thất vọng hoặc bất mãn. Xoáy sâu vào các vấn đề tiêu cực sẽ khiến mọi người cảm thấy thất vọng hoặc chán ghét".
Tuy nhiên, việc liên tục đòi hỏi "năng lượng tích cực" có thể gây tác động tồi tệ trong thế giới thực. Giáo sư Tôn Lập Bình từ Đại học Thanh Hoa viết trên Weibo rằng mặc dù giáo viên của Mục có một phần trách nhiệm trong cái chết cô bé, "chúng ta nên tự vấn bản thân lỗi lầm này đã đến như thế nào".
Tôn nhận định môi trường "đòi hỏi năng lượng tích cực ngày càng trở nên cứng nhắc và khắc nghiệt hơn. Bầu không khí như vậy không chỉ bị 'bóp nghẹt' mà còn 'nghiền nát' cô bé Mục".
Phương Vũ (Theo SCMP)