Sau 40 phút ngồi xe, bà Tong cùng vài người hàng xóm, bắt đầu mua sắm theo danh sách đã lên từ trước. Bạn bè hay nhờ bà mua hộ và dù phải xách nặng hơn, bà vẫn vui vẻ vì nghĩ rằng nếu mua nhiều sẽ được giảm giá tốt hơn.
"Chúng tôi thường mua khoai tây, cà rốt và nhiều loại rau củ không dễ hư hỏng", bà Tong nói. "Chúng tôi quen mặt vài người bán hàng trong chợ, nơi chúng tôi mua được hàng với giá hợp lý, đôi khi rẻ hơn 30% so với mua trong siêu thị".
"Tôi thích nhìn rau củ bày ra thế này, chẳng để ý nó còn dính nước hay bùn đất. Tôi thích tự tay chọn rau củ không đóng gói sẵn, mặc cả và trò chuyện với những người bán hàng mà tôi quen biết", bà giải thích. "Đây mới là cuộc sống chứ, phải không nào?"
Tuy nhiên, sau 56 ngày không ghi nhận ca nhiễm cộng đồng mới, việc Bắc Kinh xuất hiện hơn 200 ca nhiễm mới trong vòng một tuần và đều liên quan đến Tân Phát Địa, đã khiến người dân và chính quyền một lần nữa chú ý tới các chợ truyền thống của Trung Quốc.
Tân Phát Địa là chợ đầu mối nông sản lớn nhất châu Á, chuyên kinh doanh thịt, hải sản, rau củ quả, nằm ở quận Phong Đài, tây nam thủ đô Bắc Kinh. Không giống chợ hải sản Vũ Hán và Quảng Châu, nơi nghi ngờ buôn bán động vật hoang dã liên quan tới ca nhiễm nCoV đầu tiên tại Trung Quốc cuối năm ngoái và hội chứng hô cấp cấp tính nghiêm trọng SARS năm 2003, không có bằng chứng cho thấy chợ Tân Phát Địa buôn bán động vật hoang dã.
Trong khi nguồn lây ở Bắc Kinh chưa rõ, dịch bùng phát gây ra làn sóng lo ngại mới về những rủi ro tiềm ẩn trong các chợ bán đồ tươi sống truyền thống ở Trung Quốc.
Ngô Tôn Hữu, giám đốc dịch tễ học của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc (CCDC), cho biết môi trường ẩm ướt và nhiệt độ thấp trong chợ là nơi lý tưởng cho virus phát triển.
Còn Trương Văn Hoành, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Hoa Sơn ở Thượng Hải, nhận định "khối lượng thực phẩm khổng lồ" được giao dịch trong chợ Tân Phát Địa có thể biến nó thành điểm nóng lây lan virus.
Trong số hơn 4.600 chợ đầu mối nông sản ở Trung Quốc, Tân Phát Địa đứng đầu về khối lượng giao dịch và giá trị hàng hóa trong 17 năm liên tiếp. Năm ngoái, chợ giao dịch 17,5 triệu tấn nông sản trị giá 18,6 tỷ USD.
Nằm trên diện tích 112 ha, tương đương 157 sân bóng đá, chợ có khoảng 2.000 gian hàng và đáp ứng 80% nhu cầu thực phẩm cho Bắc Kinh. Dù có tên là "chợ bán buôn" nhưng giống nhiều khu chợ tương tự khắp Trung Quốc, nó mở cửa với mọi người, từ các cửa hàng rau củ và thịt cá lân cận, tới những nhà hàng và người mua lẻ.
Lưu lượng người ra vào chợ lên tới hơn 15.000 lượt mỗi ngày trước khi chính quyền Bắc Kinh ra lệnh đóng cửa cuối tuần trước. Các nhà chức trách cho biết đã xác định được gần 200.000 người tới chợ trong hai tuần qua.
Tương tự các chợ nông dân ở Mỹ và châu Âu, chợ truyền thống Trung Quốc cung cấp các mặt hàng được cho là tươi và rẻ hơn trong siêu thị. Ở Trung Quốc, siêu thị và các nhà cung cấp hàng hóa hiện đại dựa trên nền tảng thương mại điện tử đang giành thị phần trong những năm gần đây khi người tiêu dùng thích mua sắm thuận tiện.
Trong khi doanh thu trong siêu thị tăng gấp ba lần từ năm 2005 tới 2019, thị trường chợ truyền thống tăng trưởng thấp hơn nhưng vẫn ổn định. Công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor International cho hay doanh thu của chợ truyền thống chiếm chưa tới một phần ba thị trường tiêu dùng tạp hóa tại Trung Quốc.
Với bà Tong cũng như những người hàng xóm hay đi chợ cùng, chợ truyền thống là thiên đường mua sắm.
"Khi nghe tin Tân Phát Địa phải đóng cửa vì Covid-19, tôi cảm thấy vô cùng mất mát chứ không hề sợ hãi", bà nói. "Tôi thường xuyên tới đây đi chợ và mãn nguyện khi mua được đồ tươi ngon với giá hợp lý".
Wang Shouye, 62 tuổi, một kế toán đã nghỉ hưu, cho biết mỗi tuần một lần, ông lại thực hiện hành trình dài một tiếng từ nhà tới chợ Tân Phát Địa và đi từ sáng sớm để mua được giá rẻ nhất.
"Giá ở chợ đầu mối thường phải chăng hơn", Wang nói. "Vợ chồng tôi đều nghỉ hưu, không sống cùng con cái. Chi phí sinh hoạt ở Bắc Kinh bây giờ rất đắt đỏ. Với lương hưu chỉ vài nghìn tệ, chúng tôi phải chi tiêu tiết kiệm".
Tháng trước, Thủ tướng Lý Khắc Cường cho hay Trung Quốc có 600 triệu người sống với thu nhập hàng tháng 140 USD, nghĩa là hơn 40% trong số 1,4 tỷ người đang sống với mức dưới 5 USD một ngày.
"Thu nhập này không đủ để trả tiền thuê nhà mỗi tháng tại một thành phố bậc trung ở Trung Quốc", ông Lý nói, nhấn mạnh con số này bộc lộ tình cảnh của người dân bình thường tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nơi khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn trong vài thập niên gần đây.
Hu Xingdou, một nhà kinh tế chính trị ở Bắc Kinh, cho hay chợ truyền thống đóng vai trò rất quan trọng trong việc tạo ra một cuộc sống dễ thở hơn với người bình thường, đặc biệt là người có thu nhập thấp.
"Chi tiêu 20-30% thu nhập hàng ngày để mua thực phẩm tươi sống có ý nghĩa rất lớn với người tiêu dùng bình thường. Không có chợ truyền thống, sinh hoạt phí của họ sẽ tăng lên", Hu nói.
"Chợ truyền thống cũng đóng một vai trò quan trọng bởi rất nhiều nông dân và thương lái kinh doanh nhỏ kiếm sống tại đây. Nó là vấn đề mang tính ổn định xã hội. Trung Quốc không thể cấm chợ truyền thống. Tuy nhiên, Trung Quốc nên cải thiện quản lý chợ truyền thống để đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch", Hu nhận định.
Hồng Hạnh (Theo SCMP)