"Cùng cảnh là người lao động, cứ bảo cố gắng cho con đi học, nhưng như chúng tôi cứ thu nhập trên 9 triệu đồng thì còn khổ hơn vì không vay được tiền với lãi suất ưu đãi để cho con học đại học. Lý do là vì vượt chuẩn hộ nghèo từ lâu. Các con tôi phải tự đi làm thêm để trang trải, nhưng có phải đứa nào cũng vừa học vừa làm tốt cả đâu, vì sức khỏe yếu, lấy đâu ra sức khỏe mà học tiếp để lấy bằng giỏi, sau này đi làm trả nợ. Không phải là tôi không muốn cho các con đi làm, tự lập, nhưng còn có nhiều yếu tố khác ảnh hưởng đến chất lượng học của con".
Đó là chia sẻ của độc giả Mai Thanh Tran về thực trạng nhiều công nhân thu nhập mỗi tháng từ 9 triệu đồng gặp khó khăn khi không thể vay vốn lãi suất thấp, do vướng quy định của Ngân hàng Nhà nước. Thông tư 33 Ngân hàng Nhà nước quy định từ 1/7, người lao động ở khu vực đô thị có mức thu nhập mỗi tháng từ 9 triệu đồng, ở khu vực nông thôn 7 triệu đồng không thể vay vốn tổ chức tài chính vi mô (chuyên cung cấp khoản vay quy mô nhỏ, không yêu cầu thế chấp).
Cùng chung nỗi lo lắng với chính sách mới, bạn đọc Dang Huan cho rằng: "Thu nhập 9 triệu đồng một tháng mà bảo không nghèo thì thế nào mới nghèo? Thu nhập bình quân của người Việt khoảng 4.000 USD một năm, tính ra tầm 8 triệu đồng một tháng, trong khi đây là tính bình quân (tức là người có thu nhập phải bù cho người phụ thuộc như trẻ em, người già). Thế nên, gia đình bốn người (hai vợ chồng, hai đứa con) phải thu nhập tầm 30 triệu đồng mới gọi là không nghèo. Tính ra mỗi người phải có thu nhập từ 15 triệu đồng một tháng trở lên mới nên bị loại khỏi danh sách".
>> Nỗi khổ những người 'không đủ khó khăn' để mua nhà ở xã hội
Nhiều ý kiến cho rằng, theo lý lẽ thu nhập trên 9 triệu đồng không phải nghèo nên tiếp cận nguồn vay khác có thể là ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, chính sách chưa tính đến các công nhân làm việc ở nhà máy. Phần lớn nhóm này đều đang ở trọ, không có tài sản thế chấp khó vay ngân hàng thương mại.
Đồng quan điểm, độc giả Zone's phân tích: "Thực tế, cuộc sống của những người thu nhập trung bình dưới 12 triệu đồng một tháng ở thành phố đã chật vật trăm bề. Chúng ta cần phải thay đổi quan điểm tiếp cận khi làm chính sách giảm nghèo đó là: nên tạo động lực và cơ hội làm ăn cho những người nghèo và vừa trên mức nghèo một chút. Điều này vừa thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo điều kiện giảm nghèo, ngăn những hộ tái nghèo và ổn định an sinh xã hội.
Cho nên, các chính sách về mức tiền cần mở rộng cao hơn so với tiêu chuẩn nghèo hiện nay (lợi bất cập hại). Các gia đình có thu nhập dưới 20 triệu đồng một tháng nên được tiếp cận vốn vay ưu đãi phát triển kinh tế. Họ kinh doanh mở rộng thì nhà nước giảm áp lực lực an sinh xã hội, lại tạo việc làm, tăng thu thuế... Nâng mức thuế thu nhập cá nhân, người phụ thuộc để các gia đình có thêm tích lũy mới là tốt cho xã hội".
"Các quy định kiểu này không nên xét theo mức thu nhập cụ thể, mà hãy quy định theo mức lương tối thiểu vùng của doanh nghiệp hoặc lương tối thiểu chung của nhà nước. Ví dụ, người có thu nhập trên ba lần mức lương tối thiểu vùng thì không được vay vốn ưu đãi. Như vậy, quy định sẽ luôn phù hợp thực tiễn, kể cả khi tăng lương, tăng mức sống thì quy định vẫn phù hợp, không bị lỗi thời. Các quy định khác cũng nên như vậy, cứ bám theo tỷ lệ lương tối thiểu là tốt nhất, không nên quy định số tiền cụ thể", bạn đọc Cuonggs kết lại.
- Nhà ở xã hội cho thuê giá rẻ là bước đột phá
- Xóa tư tưởng 'mua nhà ưu đãi'
- 'Người thu nhập thấp không thể mua nhà ở xã hội 1,5 tỷ đồng'
- 'Cho lao động nghèo thuê nhà ở xã hội'
- 'Nhà ở xã hội nhưng không dành cho người thu nhập thấp'
- Lương 15 triệu đồng không mua nổi nhà cho người thu nhập thấp