Chồng Zeng đã liên tục vay ngân hàng trong những năm qua, bao gồm một khoản vay để mua một căn hộ ba phòng ngủ 70 m2 và hai căn hộ ở Thâm Quyến cùng một khoản vay thế chấp lấy vốn chi cho các khoản đầu tư khác.
Dù tổng giá trị bất động sản đã vượt hơn 2,77 triệu USD, khoản tiết kiệm của gia đình cô đã giảm xuống chỉ còn 31.000 USD và họ cần hơn 9.200 USD mỗi tháng chỉ để trả nợ với khoản vay ngân hàng hơn 1,54 triệu USD.
"Các khoản nợ đã khiến chất lượng cuộc sống của gia đình tôi giảm đi rất nhiều", bà nội trợ ngoài 40 tuổi nói. "Ngoại trừ khoản học phí tại trường quốc tế mà con cái chúng tôi theo học, tôi đang cố gắng hết sức để giảm chi phí sinh hoạt xuống còn khoảng gần 800 USD mỗi tháng".
"Bất động sản tăng giá nhưng tôi thấy như chúng tôi đang đi trên dây giữa không trung vậy. Mỗi ngày tôi đều lo lắng rằng chúng tôi sẽ không có đủ tiền trả khoản vay thế chấp vào tháng tới".
Tình cảnh của gia đình Zeng là một ví dụ điển hình cho thấy mức vay nợ hộ gia đình ngày càng tăng ở Trung Quốc. Tình trạng này có thể làm suy yếu đà phục hồi chi tiêu tiêu dùng mà chính phủ kỳ vọng sẽ là động lực thúc đẩy nền kinh tế trong nửa cuối năm nay.
Nợ đang tăng nhanh vì nhiều lý do, nhưng xu hướng đặc biệt rõ ràng ở các hộ gia đình trung lưu, những người đổ xô đi vay để đặt cược vào đà phục hồi kinh tế của Trung Quốc hậu đại dịch thông qua việc mua bất động sản hay đầu tư vào thị trường chứng khoán.
Việc tái thế chấp những tài sản hiện có để vay thêm ngân hàng nhằm bổ sung vốn cho các khoản đầu tư khiến nhiều người rơi vào cảnh không có đủ tiền để trả nợ định kỳ. Kết cục là họ thường buộc phải bán tài sản của mình với giá rẻ để huy động tiền.
Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) chưa hoàn hồn sau đại dịch cũng đang phải đi vay cá nhân để duy trì hoạt động kinh doanh. Số khác vay ngân hàng để trang trải cuộc sống. Họ thường sử dụng các dịch vụ cho vay trên ứng dụng di động giúp quy trình nhanh chóng và dễ dàng.
Dù lý do là gì, việc thanh toán các khoản vay đang ăn mòn thu nhập của người dân mà vốn số tiền này có thể được dùng để mua hàng hóa và dịch vụ nhằm hỗ trợ nền kinh tế.
Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn phức tạp và còn tạo ra nhiều bất ổn, giới lãnh đạo Trung Quốc đã tăng cường các kế hoạch chuyển từ mô hình tăng trưởng dựa trên đầu tư sang mô hình tập trung hơn vào thị trường nội địa khổng lồ của nước này. Nhưng khi nợ hộ gia đình tăng, ngày càng có nhiều mối lo ngại rằng kế hoạch trên sẽ gặp khó khăn ngay từ giai đoạn đầu.
Nợ hộ gia đình tính theo phần trăm tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc đứng ở mức 62% vào cuối quý II, giảm 0,2 điểm phần trăm so với mức đỉnh lịch sử 62,2% cuối năm ngoái và thấp hơn 0,1 điểm phần trăm so với quý I năm nay.
Tuy nhiên, vào cuối năm ngoái, nợ hộ gia đình tính theo phần trăm thu nhập khả dụng đạt mức cao kỷ lục 130,9%. Nhiều hộ gia đình thừa nhận dòng tiền của họ đã chạm đến mức nguy hiểm nhưng họ không thể làm gì nhiều để giảm bớt nợ.
Ngân hàng trung ương Trung Quốc tháng trước thông báo cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR), giải phóng khoảng 154,6 tỷ USD thanh khoản. Theo giới phân tích, việc làm này cho thấy tính khẩn cấp của giảm chi phí vay ngân hàng và áo lực đối với các SME.
Với những doanh nghiệp ở khu vực tư nhân, bên sử dụng lao động lớn nhất của quốc gia, việc cắt giảm RRR cũng có thể được coi là một nỗ lực nhằm giải quyết thị trường việc làm đang khó khăn và nợ hộ gia đình gia tăng.
Với Zeng, RRR giảm là một tin tốt bởi cô hy vọng nó sẽ giúp thúc đẩy thanh khoản vốn rất cần thiết cho thị trường nhà ở tại Thâm Quyến và giúp gia đình cô bán căn hộ ba phòng ngủ của họ, thu về từ 8 đến 9 triệu nhân dân tệ (khoảng 1,23 - 1,39 triệu USD).
Nhưng đến nay, họ vẫn chưa có nhiều may mắn.
Nhà chức trách Thâm Quyến năm ngoái đã nâng ngưỡng cho vay đối với căn nhà thứ hai, đồng nghĩa người mua tiềm năng sẽ phải chi ít nhất 5 triệu tệ (hơn 771.000 USD) tiền mặt trả trước cho căn hộ của họ. Hai căn hộ còn lại của gia đình Zeng thì bị định giá quá cao.
"Hai năm qua, những gia đình giàu có và thượng lưu mà tôi biết đều đang gia tăng đòn bẩy tài sản, đối với bất động sản hoặc chứng khoán", chồng Zeng cho hay. "Các khoản vay và đòn bẩy tài chính của mọi người đang chồng chất lên nhau. Nếu bạn không gia tăng tài sản của mình, bạn sẽ tụt hậu. Tất nhiên rủi ro đang tăng lên nhưng không ai dám hạ đòn bẩy, kể cả người giàu hay chính phủ".
Một số nhà phân tích nhận định các khoản vay hộ gia đình trong nửa cuối năm nay sẽ giảm, sau khi chính phủ thông báo các biện pháp mới nhằm giảm thiểu rủi ro tín dụng.
"Người dân Trung Quốc đã bị hạn chế tiếp cận vay cá nhân và chính phủ gần đây cũng đưa ra những biện pháp nghiêm ngặt nhằm giám sát các đơn xin vay cá nhân... từ vay mua nhà đến vay thế chấp", Ding Shuang, nhà kinh tế trưởng phụ trách về Trung Quốc và Bắc Á tại Ngân hàng Standard Chartered, cho hay. "Chúng tôi dự đoán nợ hộ gia đình có thể ngừng tăng vọt trong nửa cuối năm nay".
Tốc độ tăng trưởng GDP năm 2021 của Trung Quốc được hầu hết các nhà phân tích dự báo là sẽ dễ dàng đạt trên 8%, nhưng một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến nó, bao gồm dân số già, hiệu quả hoạt động các ngân hàng giảm và nợ xấu ở các chính quyền địa phương hay SME.
Tỷ lệ nợ hộ gia đình tăng vọt và những tác động của nó đối với tiêu dùng cũng là điều đáng quan ngại.
Nợ hộ gia đình Trung Quốc, dù là ngắn, trung hay dài hạn, đều đang tiếp tục tăng, với khoản tín dụng mới được cấp cho khu vực hộ gia đình lên tới 3,7 nghìn tỷ nhân dân tệ (gần 571 tỷ USD) trong 5 tháng đầu năm nay, tăng 1,1 nghìn tỷ tệ (hơn 169,7 tỷ USD) và 0,7 nghìn tỷ tệ (hơn 108 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2020 và 2019, theo báo cáo "Phân tích tình hình kinh tế vĩ mô Trung Quốc năm 2021 và dự báo giữa năm" từ Đại học Kinh tế Tài chính Thượng Hải.
Do giá cả hàng hóa tăng, lợi nhuận của nhiều công ty đã bị xói mòn, đặc biệt là các SME vốn đã gặp khó khăn vì dịch.
Biên lợi nhuận hoạt động của các công ty tư nhân đã giảm từ 5,33% vào cuối năm 2020 xuống còn 4,94% hồi tháng ba, theo Hongta Securities.
Raymond Hu, ngoài 50 tuổi, chủ công ty in ấn và dịch thuật ở Quảng Châu, là một trong rất nhiều người Trung Quốc phải gánh thêm nợ nần trong nỗ lực vượt qua đại dịch. Hồi tháng 6, ông đã cầm cố căn hộ của mình lấy hơn 460.000 USD để cứu công việc kinh doanh.
"Nếu không làm vậy, tôi sẽ phải đóng cửa công ty mà mình đã điều hành hơn một thập kỷ qua", Hu nói, thêm rằng công ty ông đã thua lỗ hơn 150.000 USD kể từ khi dịch bùng phát.
Gánh nặng nợ đã lan sang mọi khu vực kinh tế xã hội, trong đó lao động nhập cư nông thôn, thế hệ trẻ và cả thế hệ Z cũng không ngoại lệ.
Wang Yan, nhân viên tại một công ty chế tạo máy chế biến ngũ cốc, cho biết gần như tất cả lao động nhập cư ở công ty ông đều mắc nợ, vì mua nhà hay để tiền làm của hồi môn cho con cái.
"Tiền hồi môn đám cưới đã lên tới ít nhất 250.000 tệ (hơn 38.500 USD) ở quê tôi và những làng quê ở đông bắc Trung Quốc", ông nói. "Đấy là gánh nặng lớn đối với đa phần các gia đình nông thôn".
Khác với những thế hệ trước, người trẻ Trung Quốc đang sử dụng các ứng dụng cho vay trên điện thoại và thẻ tín dụng để vay tiền.
Tháng 6/2020, giá trị hóa đơn thẻ tín dụng quá hạn trên 6 tháng đã tăng lên 85,4 tỷ tệ (gần 13,2 tỷ USD), gấp hơn 10 lần so với một thập kỷ trước, và một nửa trong số này sinh ra vào những năm 1990, theo dữ liệu từ ngân hàng trung ương Trung Quốc.
Tang Ying, sống ở Quảng Châu, kiếm được 740 USD một tháng nhưng đã ghi nợ gần 2.800 USD trên hàng loạt ứng dụng cho vay trên điện thoại di động trong 4 tháng thất nghiệp hồi năm ngoái. Cô giờ phải trả nợ với lãi suất hàng năm khoảng 16%.
"Tôi đã giảm chi tiêu đáng kể nhưng các khoản nợ vẫn chồng chất", cô chia sẻ.
Bất chấp những rủi ro tài chính do nợ nần, các hộ gia đình mà South China Morning Post phỏng vấn vẫn cho biết họ vẫn đặt niềm tin vào hiệu quả kinh tế của đất nước, đặc biệt là sau khi hồi phục từ đại dịch.
"Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc là tốt nhất, đây là lý do khiến chúng tôi vẫn tự tin dù mắc nợ nhiều", Zeng nói.
Vũ Hoàng (Theo SCMP)