Khoảng 17h ngày 20/7, khi mưa lớn không ngừng trút xuống tòa chung cư của Zhang Jin ở Trịnh Châu, thủ phủ tỉnh Hà Nam, miền trung Trung Quốc, cô xuống siêu thị mua đồ ăn tích trữ. Nhưng khi đến nơi, cô phát hiện rau và bánh mỳ hết sạch, còn dòng người xếp hàng trong siêu thị "dài hơn một trăm mét".
Zhang, nhà nghiên cứu về chính sách khí hậu, quyết định lái xe ra ngoài để giúp đỡ vài người thân mắc mưa không về nhà được. Nhưng Zhang nhận thấy điều bất thường, khi nhiều tài xế bắt đầu bỏ xe lại trên đường. Dự cảm về điều không hay, Zhang quay đầu xe.
"Dù có hiểu biết về biến đổi khí hậu, tôi cũng không nhận thức được đầy đủ rằng thiên tai do biến đổi khí hậu có thể ập đến bất kỳ lúc nào, nữa là những người không phải chuyên gia về biến đổi khí hậu hay quan chức", người phụ nữ 32 tuổi nói.
Chính quyền Trung Quốc dường như cũng bất ngờ không kém trước trận lụt "nghìn năm có một" này. Mưa lớn và lũ lụt tuần qua khiến ít nhất 63 người tại Hà Nam thiệt mạng. Hà Nam là tỉnh chủ yếu phát triển nông nghiệp và đông dân nhất Trung Quốc. Mưa lũ ảnh hưởng tới hơn 11 triệu người, trong đó nhiều người ở thủ phủ Trịnh Châu, ước tính thiệt hại kinh tế hơn 10 tỷ USD.
Sau lũ, mặt đường xuất hiện nhiều hố sụt, làm dấy lên lo ngại về chất lượng xây dựng cũng như câu hỏi về khả năng ứng phó thiên tai của Trung Quốc.
Cơ quan khí tượng Hà Nam tuyên bố đã ban hành cảnh báo mức cao nhất trước khi mưa lớn kỷ lục trút xuống. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn chưa xây dựng cơ chế phối hợp ứng phó khẩn cấp cho những tình huống thế này, theo Cheng Xiaotao, thành viên Ủy ban quốc gia về giảm nhẹ thiên tai.
"Ví dụ, sau khi cảnh báo được đưa ra, chúng ta cần dừng hoạt động làm việc và sản xuất trong trường hợp nào? Các ban ngành chính quyền khác nhau nên phối hợp ra sao? Làm thế nào để phân bổ các nguồn hỗ trợ thiên tai? Ứng phó khẩn cấp trong thực tế cần làm gì?" Cheng nói.
Truyền thông và người dân Trung Quốc bắt đầu thảo luận về vai trò của biển đổi khí hậu trong thảm họa lũ lụt ở Hà Nam, đề nghị chính phủ chuẩn bị cho những tình huống khẩn cấp về khí hậu trong tương lai.
Không lâu sau trận mưa "nghìn năm có một" tại Hà Nam, truyền thông quốc gia bắt đầu đăng nhiều bài viết đặt câu hỏi liệu lũ lụt và những thảm họa gần đây trên thế giới có liên quan tới khủng hoảng khí hậu không.
"Khi thời tiết khắc nghiệt xảy ra cùng lúc tại nhiều nơi trên thế giới, điểm chung của chúng là gì?" một số cơ quan truyền thông nhà nước, bao gồm Xinhua và website của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, đặt câu hỏi hôm 22/7. "Chúng ta có thể làm gì khi đối mặt thiên tai tương tự?"
Bài viết dẫn lời Petteri Taalas, tổng thư ký Tổ chức Khí tượng Thế giới: "Nếu không có biến đổi khí hậu, chúng ta sẽ không thể chứng kiến mức nhiệt cao như vậy ở Canada và bờ biển phía tây nước Mỹ. Đây là minh chứng rõ ràng về biến đổi khí hậu".
Ngày tiếp theo, Jia Xiaolong, phó giám đốc trung tâm khí hậu quốc gia, cho hay lượng mưa lớn tại Hà Nam xảy ra "trong bối cảnh Trái đất nóng lên". "Năm nay, dù ở Trung Quốc hay khu vực khác trên thế giới, tần suất và cường độ các hiện tượng thời tiết cực đoan đều liên quan mật thiết tới sự nóng lên toàn cầu", ông nói.
Đây không phải lần đầu Jia nói về nguy cơ của khủng hoảng khí hậu. Mùa hè năm ngoái, ông nói với đài truyền hình quốc gia CCTV rằng các hiện tượng thời tiết cực đoan "sẽ xảy ra thường xuyên hơn ở Trung Quốc do hiện tượng nóng lên toàn cầu, điều khiến quốc gia này rất dễ tổn thương".
Nhận thức về biến đổi khí hậu ngày càng tăng ở Trung Quốc trong thập kỷ qua, một phần do Bắc Kinh tham gia vào những sáng kiến quốc tế quan trọng như Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Trong khảo sát do Trung tâm Truyền thông về Biến đổi Khí hậu Trung Quốc thực hiện năm 2012, 55% người được hỏi nói rằng khủng hoảng khí hậu phần lớn do con người gây ra. 5 năm sau, 75,2% người được hỏi cho hay bản thân đã trải qua tác động của tình trạng khẩn cấp về biến đổi khí hậu và gần 80% bày tỏ lo ngại về tác động của nó.
Với Zhang, trận lũ tuần trước và con số tử vong mà nó gây ra là lời nhắc nhở rằng tác động của các hiện tượng thời tiết cực đoan chỉ có thể được giảm thiểu nếu có một cơ chế ứng phó khẩn cấp tốt hơn cùng sự đồng thuận của người dân.
"Tăng cường kiến thức của người dân về khủng hoảng khí hậu cực kỳ cần thiết. Chúng ta không thể chờ tới khi nước đến chân mới nhảy", Zhang nói.
Hồng Hạnh (Theo Guardian)