"Chúng ta phải ăn uống tử tế hơn, tôi không thể ăn uống với tiêu chuẩn thấp như vậy", Tô nói trong chương trình truyền hình thực tế 50 km Đào Hoa Ô, nơi 15 người nổi tiếng sống cùng nhau trong 21 ngày.
Bất ngờ trước bình luận của cô, người dùng mạng bày tỏ tiền ăn hàng ngày của họ thường chưa đến 30 NDT.
Mặc dù Tô, người có biệt danh "Yêu nữ hàng hiệu Trung Quốc", đã thanh minh rằng tất cả chỉ là "hiểu lầm" - 650 NDT là tiền ăn cho toàn bộ thời gian của cô trong chương trình, công chúng vẫn không thể bỏ qua. "Cô ấy có thể cố thanh minh, nhưng sự thật là người nổi tiếng đều sống theo kiểu quá thượng đẳng mà không hề nhận ra", một người viết trên Weibo.
Đầu năm nay, Diêu An Na, con gái thứ hai của người sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi, thường được người dùng mạng Trung Quốc gọi là "nhị công chúa Huawei", cũng gây phẫn nộ trên mạng khi nói rằng cuộc sống của cô không dễ dàng.
"Tôi chưa bao giờ coi mình là 'công chúa'. Tôi nghĩ tôi giống như hầu hết các bạn cùng tuổi, tôi đã phải làm việc, học tập chăm chỉ trước khi vào được trường tốt", cô nói trong phim tài liệu dài 17 phút để công bố sự nghiệp ca hát của mình.
Chia sẻ trên tài khoản Weibo, cô gái 23 tuổi, con gái của doanh nhân sở hữu khối tài sản trị giá khoảng 1,4 tỷ USD, cho biết việc ký hợp đồng với công ty giải trí là "món quà sinh nhật đặc biệt" mà cô đã tặng cho chính mình.
Trong nhiều năm, giới nhà giàu Trung Quốc thường thích phô trương, khoe xe sang và túi xách trên mạng, khiến những người theo dõi họ thèm muốn. Nhưng gần đây, bất kỳ hình thức phô trương của cải nào, dù cố ý hay không, đều vấp phải sự tức giận và khinh thường.
Những người như Tô và Diêu đang bị chỉ trích vì công chúng tin rằng những người nổi tiếng và "phú nhị đại" (con cái của giới nhà giàu) không xứng đáng với thu nhập cao ngất của họ.
"Công chúng phàn nàn rằng trong khi các ngôi sao dễ dàng kiếm những khoản tiền kếch xù, họ đã làm việc chăm chỉ nhưng chỉ kiếm được ít tiền", tiến sĩ Jian Xu từ Đại học Deakin, người nghiên cứu về văn hóa truyền thông Trung Quốc, cho biết.
Tiến sĩ Haiqing Yu, giáo sư nghiên cứu truyền thông tại Đại học RMIT Melbourne, nói thêm rằng "bình luận của Tô Mang về tiền ăn khiến mọi người tức giận vì nó làm lộ ra điều Trung Quốc đang cố gắng che giấu - một số người có quá nhiều tiền bạc, trong khi những người khác có rất ít".
Khoảng cách giàu nghèo ở Trung Quốc rất lớn. Trong khi thu nhập trung bình hàng năm của một người Trung Quốc là 32.189 NDT (5.030 USD), tương đương khoảng 2.682 NDT mỗi tháng, theo Cục Thống kê Quốc gia, Bắc Kinh cũng trở thành nơi có nhiều tỷ phú hơn bất kỳ thành phố nào trên thế giới.
Theo báo cáo của công ty theo dõi Hurun Report, giới giàu Trung Quốc kiếm được mức kỷ lục 1,5 nghìn tỷ USD vào năm 2020, gần bằng một nửa GDP của Anh.
Vì vậy, việc người giàu khoe tài sản một cách phô trương bị coi là "không hiểu thế sự". Theo các chuyên gia, trong khi điều này phổ biến ở hầu hết quốc gia có vấn đề bất bình đẳng thu nhập, Trung Quốc ở một vị trí khó xử.
Trong một thời gian dài, người Trung Quốc nghĩ rằng họ có thể đạt được "sự thịnh vượng chung" - điều mà cựu lãnh đạo Đặng Tiểu Bình khẳng định sẽ là mục tiêu, ngay cả khi điều đó đồng nghĩa với việc một số người và khu vực trở nên giàu có sớm hơn những người và khu vực khác.
"Nhưng sau hơn 40 năm đất nước mở cửa, người giàu ngày càng giàu hơn còn những người khác tụt lại rất xa phía sau và cảm thấy chán nản, bất lực", tiến sĩ Xu nói.
Đôi khi sự tức giận càng trở nên trầm trọng vì công chúng thường "kỳ vọng những người nổi tiếng sẽ đóng góp nhiều hơn cho xã hội và có hình ảnh tốt". Tháng trước, nhiều người đã phẫn nộ trước thông tin nữ diễn viên Trịnh Sảng được trả khoảng hai triệu nhân dân tệ mỗi ngày cho một vai diễn trên phim truyền hình, nhận tổng cộng 160 triệu NDT cho toàn bộ dự án.
"160 triệu NDT là bao nhiêu? Để kiếm được số tiền đó, những nhân viên bình thường kiếm được 6.000 NDT một tháng phải làm việc liên tục trong 2.222 năm, có thể là từ thời nhà Tần", một người viết trên Weibo.
Nhưng công chúng thậm chí còn khó chịu hơn vì Trịnh Sảng khi đó đang vướng vào lùm xùm về việc mang thai hộ - hoạt động bất hợp pháp ở Trung Quốc. Cô bị cáo buộc bỏ rơi hai đứa con được sinh ra bằng hình thức mang thai hộ ở Mỹ. Vì vậy, việc một người kiếm được nhiều tiền nhưng lại có scandal là vấn đề rất lớn.
Đây cũng là lý do vào năm 2018, công chúng không mấy thiện cảm với nữ diễn viên hạng A Phạm Băng Băng khi cô bị quản thúc vì tội trốn thuế, dù nữ diễn viên là một trong những ngôi sao đình đám nhất nước này.
Các chuyên gia còn cho rằng công chúng khinh thường sự phô trương của cải vì cảm thấy làm vậy thiếu văn hóa. Khi tầng lớp trung lưu của Trung Quốc tăng lên, những người thành thị có học thức coi việc phô trương là "thiếu tinh tế hay trưởng giả học làm sang", tiến sĩ John Osburg, tác giả một cuốn sách về giới giàu Trung Quốc, viết.
Tuy nhiên, người Trung Quốc vẫn rất thích xài hàng hiệu. Theo công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor International, Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản để trở thành thị trường xa xỉ phẩm cá nhân hàng đầu ở châu Á Thái Bình Dương và doanh số bán hàng dự kiến trở lại mức trước đại dịch vào cuối năm nay.
Vì vậy, người giàu phải tránh gây tranh cãi bằng cách khoe ngầm. "Một số người giàu hiện nay cố gắng khoe của một cách kín đáo, thay vì chỉ đăng những bức ảnh về của cải vật chất", tiến sĩ Yu, nói.
Ví dụ, người có ảnh hưởng trên mạng MengQiqi77 từng "phàn nàn" trên Weibo rằng không có đủ trạm sạc xe điện trong khu phố của cô. "Thế nên chúng tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài chuyển đến một ngôi nhà lớn hơn với gara riêng cho chiếc Tesla của chồng tôi", cô viết.
Một lần khác, cô nhận xét chồng mình "quá tiết kiệm" khi mặc bộ đồ vải cashmere của Zegna có giá "chỉ 30.000 NDT".
Tất nhiên, không lâu sau, những bài đăng như vậy cũng khiến người dùng mạng chướng mắt. Nhiều người chế nhạo các bài đăng của cô, thậm chí đặt cho chúng cái tên "văn Versailles", thuật ngữ thịnh hành được lấy cảm hứng từ truyện tranh Nhật Bản Bông hồng Versailles, dựa trên cuộc sống xa hoa của Nữ hoàng Marie Antoinette tại Cung điện Versailles ở Pháp vào thế kỷ 18. Trong nhiều tháng, người dùng mạng đã đăng những bài viết bắt chước phong cách viết của cô để giễu cợt.
Một người đã đề xuất cách để chọc tức những người viết "văn Versailles". "Chỉ cần giả vờ rằng bạn không nhận thấy họ đang cố gắng thể hiện điều gì", anh viết trên diễn đàn Zhihu.
Phương Vũ (Theo BBC)