Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm qua cho rằng rút khỏi thỏa thuận tàu ngầm hàng chục tỷ USD và theo đuổi thương vụ với Mỹ, Australia là "hành động xấu xí" của chính phủ Australia. "Pháp đã trả đũa động thái này, những phản ứng của chúng ta sẽ có tác động lâu dài", ông nói trong chương trình phỏng vấn được phát vào giờ vàng trên kênh TF1.
Tổng thống Pháp hồi tháng trước cũng chỉ trích Thủ tướng Australia Scott Morrison, cho rằng Canberra đã nói dối khi hủy thỏa thuận mua tàu ngầm của Paris. "Tôi rất tôn trọng đất nước các bạn, cũng như tình hữu nghị với người dân. Nếu tôn trọng nhau, các bạn phải thành thực và hành động nhất quán với những giá trị như vậy", ông nói với các phóng viên Australia bên lề hội nghị G20.
Phản ứng gay gắt của Macron với thỏa thuận tàu ngầm Australia được cho là nhằm thể hiện hình ảnh cứng rắn trước cuộc bầu cử năm sau. Macron, người theo chủ nghĩa trung dung lên nắm quyền hồi năm 2017 với lời hứa thúc đẩy vị thế toàn cầu của Pháp, dự kiến tiếp tục chạy đua nhiệm kỳ hai.
Đây được cho là thử thách đầy khó khăn, khi ông phải cạnh tranh với ít nhất 6 ứng viên. Lãnh đạo phe cực hữu Marine Le Pen, đối thủ đáng gờm nhất của Macron, thường chỉ trích Tổng thống Pháp quá thiết tha hợp tác chặt chẽ với Mỹ, thay vì hoàn toàn tập trung vào lợi ích đất nước.
Australia hôm 16/9 tuyên bố hủy hợp đồng mua 12 tàu ngầm tấn công diesel-điện trị giá 65,9 tỷ USD của tập đoàn Pháp Naval Group. Thay vào đó, nước này quyết định đóng ít nhất 8 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân nhờ công nghệ được Mỹ và Anh chuyển giao, nằm trong thỏa thuận liên minh ba bên mang tên AUKUS.
Chính phủ Australia quyết định hủy thương vụ với Pháp vì nhận thấy cần các tàu ngầm hạt nhân có thể ở dưới nước trong thời gian dài, trong bối cảnh căng thẳng với Trung Quốc ngày càng tăng.
Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian đã sử dụng những ngôn từ gay gắt để mô tả thỏa thuận, cáo buộc Mỹ "phản bội" và Australia "đâm sau lưng". Pháp cũng công khai cho biết không còn tin tưởng chính phủ Australia, cáo buộc giới chức nước này lừa dối và đặt nghi vấn về tương lai thỏa thuận thương mại giữa Liên minh châu Âu (EU) với Australia.
Vũ Anh (Theo Reuters)