Gần một tuần sau khi Australia quyết định hủy hợp đồng tàu ngầm trị giá 40 tỷ USD với tập đoàn Naval Group của Pháp để theo đuổi thỏa thuận đóng tàu ngầm hạt nhân với Mỹ và Anh, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vẫn chưa bình luận công khai về vấn đề.
Tuy nhiên, giới quan sát chỉ ra rằng trong khi giới chức Pháp đưa ra những phản ứng gay gắt, như việc Ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian nói rằng họ bị "đâm sau lưng", Tổng thống Macron mới là người ra lệnh triệu hồi các đại sứ Pháp tại Mỹ và Australia về nước. Đây là lần đầu tiên Pháp phản ứng gay gắt như vậy trong lịch sử quan hệ đồng minh lâu đời với Mỹ.
Động thái này dường như nhằm gửi đi thông điệp rằng Pháp, một trong những cường quốc quân sự lớn nhất phương Tây, xứng đáng được tôn trọng hơn. Tổng thống Mỹ Joe Biden được cho là đang tìm cách xoa dịu tình hình khi đề nghị điện đàm với người đồng cấp Pháp, nhưng Macron tỏ ra không vội vàng nhận lời.
Thay vào đó, ông tham gia cuộc điện đàm với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hôm 21/9, nơi hai lãnh đạo cam kết hợp tác để thúc đẩy ổn định khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, ngăn chặn "bất kỳ hình thức bá quyền nào". Macron còn đảm bảo với Modi rằng Pháp sẽ tiếp tục giúp tăng cường quyền tự chủ chiến lược của Ấn Độ, "như một phần mối quan hệ gần gũi dựa trên niềm tin và tôn trọng lẫn nhau".
Các động thái của Macron được đưa ra trong bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống Pháp còn cách 7 tháng. Macron, người theo chủ nghĩa trung dung lên nắm quyền hồi năm 2017 với lời hứa thúc đẩy vị thế toàn cầu của Pháp, dự kiến tiếp tục chạy đua nhiệm kỳ hai.
Đây được cho là thử thách đầy khó khăn, khi Macron phải cạnh tranh với ít nhất 6 ứng viên. Lãnh đạo phe cực hữu Marine Le Pen, đối thủ đáng gờm nhất của ông, thường chỉ trích Tổng thống Pháp quá thiết tha hợp tác chặt chẽ với Mỹ, thay vì hoàn toàn tập trung vào lợi ích đất nước.
"Kể từ khi bắt đầu nhiệm kỳ, Emmanuel Macron đi từ thất bại này đến thất bại khác", Le Pen, người để thua Macron trong cuộc bầu cử năm 2017, cho biết. Bà gọi việc đánh mất hợp đồng tàu ngầm với Australia là "nỗi ô nhục của nước Pháp" tại Thái Bình Dương, nơi họ sở hữu mạng lưới lãnh thổ hải ngoại trải rộng.
Thất bại trong thương vụ tàu ngầm có nguy cơ làm dấy lên những lo ngại lâu nay của người Pháp về việc đánh mất ảnh hưởng toàn cầu. Cuộc khảo sát được công bố hồi tháng 9/2020 của Ipsos cho thấy 78% người Pháp cho rằng vị thế đất nước đang suy giảm.
Thomas Gomart, giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế Pháp, giải thích thêm rằng "chủ nghĩa bài Mỹ tiềm ẩn luôn dễ dàng bùng phát" tại nước này, đặc biệt trong tình huống hiện nay. "Đó không đơn thuần là một hợp đồng, mà còn bị coi là thái độ chung của Mỹ từ thời Trump đến Biden, khi không thèm tham vấn đồng minh trong các quyết định lớn", Gomart phân tích.
Vì vậy, các nhà phân tích đánh giá thái độ cứng rắn với Mỹ có thể mang lại lợi ích chính trị cho Macron, góp phần xây dựng hình ảnh một lãnh đạo quyết không thỏa hiệp trước siêu cường. "Cử tri sẽ hài lòng nếu không khí căng thẳng tiếp tục. Đây là điều tích cực với Macron", Francois Heisbourg, cố vấn đặc biệt của Tổ chức Nghiên cứu Chiến lược ở Paris, nhận định.
Cựu tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, người vẫn có tầm ảnh hưởng lớn đối với các cử tri cánh hữu, hôm 21/9 ca ngợi cách Macron xử lý cuộc khủng hoảng. "Tổng thống Macron đã đúng khi phản ứng kiên quyết", ông trả lời báo chí.
Tuy nhiên, Frederic Charillon, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Clermont Auvergne của Pháp, đánh giá thái độ cứng rắn của Macron là con dao hai lưỡi. "Bằng đòn ngoại giao như hắt oanh tạc vào Mỹ và Australia, Macron đang bị dồn vào chân tường và không thể phạm sai lầm", Charillon nhận định.
"Nếu Macron nhận được điều gì đó từ Mỹ và giữ thể diện thành công, người Pháp sẽ biết ơn ông ấy. Nhưng nếu không nhận được gì từ cơn thịnh nộ của mình, Tổng thống Pháp sẽ rơi vào thế bất lợi", Pascale Boniface, giám đốc Viện Các vấn đề Chiến lược và Quốc tế Pháp, cho hay.
Ngoài ra, cách phản ứng quá gay gắt còn có nguy cơ gây tổn hại mối quan hệ hợp tác quan trọng với Mỹ trong những vấn đề cấp bách như chống khủng bố và ứng phó biến đổi khí hậu, mục tiêu mà Macron cũng tích cực thúc đẩy.
Dù có những lợi ích chính trị nhất định từ cách phản ứng dữ dội với Mỹ và Australia, giới quan sát đánh giá Macron rõ ràng cũng thực sự cảm thấy bị tổn thương, khi sự nồng nhiệt mà ông từng dành cho Biden không được đền đáp.
"Cơn giận của Tổng thống sâu sắc và vốn đã kéo dài. Ba đồng minh quyết định lên kế hoạch về thỏa thuận tàu ngầm sau lưng đồng minh thứ tư, khiến nước này đánh mất hợp đồng hàng tỷ euro. Về bản chất, đây là một mưu đồ", chuyên gia Heisbourg nêu ý kiến.
Ánh Ngọc (Theo AFP, Time)