Australia hôm 16/9 tuyên bố hủy hợp đồng mua 12 tàu ngầm tấn công chạy bằng diesel-điện từ tập đoàn Naval Group của Pháp. Thay vào đó, nước này quyết định đóng ít nhất 8 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân nhờ công nghệ được Mỹ và Anh chuyển giao, nằm trong thỏa thuận liên minh ba bên mang tên AUKUS.
Động thái đã gây căng thẳng ngoại giao hiếm thấy giữa Pháp với ba nước tham gia AUKUS. Pháp đã triệu hồi đại sứ ở Mỹ và Australia về nước để tham vấn hồi tuần trước. Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian gọi thỏa thuận của AUKUS là "cú đâm sau lưng", trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Florence Parly cảnh báo có thể yêu cầu Australia bồi thường và hủy hội nghị thượng đỉnh song phương với người đồng cấp Anh Ben Wallace trong tuần này.
Giới phân tích cho rằng có nhiều lý do khiến giới chức Pháp tỏ ra giận dữ như vậy trước động thái "lật kèo" của Australia.
"Hợp đồng chế tạo 12 tàu ngầm cho Australia đóng vai trò quan trọng không gì sánh được với nền công nghiệp quốc phòng Pháp. Nó có thể mang lại sức sống cho hàng loạt doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực này, không kém gì thỏa thuận cung cấp 36 tiêm kích Rafale cho Ấn Độ hồi năm 2015", Pierre Morcos, chuyên gia người Pháp tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), cho hay.
Bộ Quốc phòng Australia năm 2016 lựa chọn biến thể Block 1A của lớp tàu ngầm Barracuda do tập đoàn Naval Group của Pháp chế tạo. Đây vốn là lớp tàu ngầm năng lượng hạt nhân của Pháp, nhưng được sửa đổi thành tàu ngầm thông thường để bán cho Australia.
Hợp đồng trị giá 40 tỷ USD vào thời điểm ký, là một trong những thỏa thuận quân sự lớn nhất thế giới vào lúc đó. Tuy nhiên, chương trình này nhiều lần bị trì hoãn và đội vốn, khiến giới chức Australia ngày càng hoài nghi về hiệu quả của nó.
Với việc Australia "lật kèo" trong thương vụ tàu ngầm này, Pháp ước tính đánh mất khoảng 65 tỷ USD tưởng như đã nằm gọn trong tay, điều có thể ảnh hưởng rất lớn đến ngành công nghiệp quốc phòng nước này những năm tới.
Giới chuyên gia cũng cho rằng Pháp cũng chịu nhiều tổn thất về mặt chiến lược khi Australia hủy hợp đồng. "Chính phủ Pháp đã ca ngợi quan hệ đối tác chiến lược trong 50 năm tiếp theo sau khi ký thỏa thuận với Australia. Toàn bộ khuôn khổ này giờ đây đang đối mặt nguy cơ sụp đổ", Morcos nói.
Giới chức Pháp từng tin rằng thỏa thuận tàu ngầm với Canberra cũng là hình mẫu cho hợp tác giữa Paris và Washington, do chi nhánh Australia của tập đoàn quốc phòng Mỹ Lockheed Martin cũng tham gia dự án.
"Đây là cú đâm sau lưng. Chúng tôi thiết lập được quan hệ tin cậy với Australia và niềm tin này đã bị phản bội. Quyết định tàn bạo, đơn phương và không thể dự đoán này khiến tôi nhớ về những hành động của Donald Trump. Đó là hành động phá vỡ niềm tin và tôi đang cực kỳ tức giận", Ngoại trưởng Le Drian chỉ trích Australia và Mỹ hôm 16/9.
Căng thẳng xảy ra trong bối cảnh Mỹ và các đồng minh đang tìm kiếm thêm sự hỗ trợ tại châu Á và Thái Bình Dương, do lo ngại ảnh hưởng ngày càng tăng từ Trung Quốc. Pháp sắp đảm nhiệm chức chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu, cũng là nước có ảnh hưởng lớn tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương với khoảng 2 triệu công dân sinh sống và hơn 7.000 binh sĩ đóng quân trong khu vực.
Không chỉ bị mất đi nguồn lợi tài chính và chiến lược, Pháp dường như cũng giận dữ vì cách Mỹ, Anh và Australia công bố thỏa thuận tàu ngầm hạt nhân. Quan chức Pháp giấu tên tuần trước cáo buộc ba nước trong liên minh AUKUS đã "đi đêm" với nhau suốt nhiều tháng sau lưng Paris và Pháp chỉ biết về quyết định này qua truyền thông.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết Pháp "đã biết trước" về thỏa thuận mới, dù Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ám chỉ Paris chỉ nắm được thông tin trước đó một hoặc hai ngày. "Có rất nhiều cách để giảm mức độ nghiêm trọng của vấn đề, nhưng Mỹ đã xử lý khá lóng ngóng", Nicholas Dungan, chuyên gia tại Hội đồng Đại Tây Dương ở Mỹ, nhận xét.
"Thực tế cho thấy chính quyền Tổng thống Joe Biden đã không lường được phản ứng giận dữ của Pháp. Chúng ta đang hướng tới giai đoạn rất khó khăn trong quan hệ giữa Paris, Canberra và Washington", Morcos nói.
Thủ tướng Australia Scott Morrison bác bỏ cáo buộc của Pháp rằng nước này nói dối về hủy hợp đồng, khẳng định ông đã nêu quan ngại về thỏa thuận mua tàu với Paris "từ vài tháng trước".
Tuy nhiên, quan chức ngoại giao Pháp giấu tên cho biết phía Australia chỉ hỏi liệu tàu ngầm Pháp có đáp ứng được yêu cầu trước những mối đe dọa liên tục thay đổi hay không.
"Câu trả lời là có. Tàu ngầm diesel-điện có kích thước nhỏ và linh hoạt, rất hữu ích trong những nhiệm vụ ở khu vực duyên hải gần bờ. Giới chức Australia không tiết lộ về kế hoạch chuyển sang công nghệ tàu ngầm hạt nhân, cũng như việc họ đang đàm phán thỏa thuận với Mỹ và Anh", người này nói thêm.
Vũ Anh (Theo Washington Post)