Đợt áp sát đảo Đài Loan ngày 17/6 của máy bay Trung Quốc có sự tham gia của 4 chiếc J-7, mẫu tiêm kích được chế tạo trên cơ sở MiG-21 của Liên Xô và được gọi là "máy bay ông già" ở hòn đảo. Đây là lần đầu tiêm kích J-7 được triển khai áp sát đảo Đài Loan từ khi quân đội Trung Quốc triển khai hoạt động này từ năm 2016.
Quân đội Trung Quốc còn điều một số máy bay hiện đại hơn gồm hai tiêm kích đa năng J-16 và một máy bay tác chiến điện tử Y-8 bay vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của đảo Đài Loan, làm dấy lên câu hỏi tại sao những mẫu tiêm kích J-7 lạc hậu cũng tham gia áp sát hòn đảo.
Một nguồn tin quân sự cho biết những chiếc J-7 này có phi công điều khiển và tham gia đợt áp sát để kiểm tra năng lực phản ứng của lực lượng phòng vệ lẫn công chúng trên đảo Đài Loan.
"4 chiếc J-7 thực hiện chuyến bay ngắn sau khi cất cánh từ căn cứ không quân ở Sán Đầu, tỉnh Quảng Đông", nguồn tin cho biết. "Đợt áp sát nhằm kiểm tra xem toàn bộ tiêm kích của lực lượng phòng vệ trên không Đài Loan đã tiếp tục được bay hay chưa".
Phòng vệ Đài Loan hồi tháng 3 đình chỉ bay toàn bộ máy bay quân sự để kiểm tra an toàn, trừ những đơn vị làm nhiệm vụ phòng thủ hoặc trực chiến, sau vụ tai nạn khiến hai phi công thiệt mạng ở ngoài khơi bờ biển phía nam hòn đảo. Đây là vụ tai nạn chết người thứ ba liên quan đến tiêm kích của phòng vệ Đài Loan trong 6 tháng.
Các nguồn tin quân sự Trung Quốc cũng nêu khả năng đây là chuyến bay "tiền trạm" cho các tiêm kích J-7 mà nước này đã cải hoán thành máy bay không người lái (UAV). Trung Quốc được cho là đã biến hàng nghìn tiêm kích thế hệ hai đã loại biên, bao gồm J-7, thành UAV, bởi chúng có tiết diện radar gần giống tiêm kích F-16 của Mỹ và mẫu Tiêm kích Phòng thủ Nội địa (IDF) do Đài Loan tự phát triển, có khả năng gây nhầm lẫn cho hệ thống phòng không hòn đảo.
Chuyên gia quân sự Antony Wong Tong ở Macau cho hay quân đội Trung Quốc sử dụng J-7 làm mục tiêu bay trong huấn luyện từ những năm 1997.
"Có rất nhiều biến thể J-7, chúng được mệnh danh là F-16 cỡ nhỏ", Antony Wong Tong nói. "Trung Quốc cũng xuất khẩu các biến thể J-7 dùng làm mục tiêu diễn tập không chiến cho Pakistan".
Tập đoàn máy bay Thẩm Dương chế tạo tiêm kích J-7 trong giai đoạn 1965-2013. Quân đội Trung Quốc dự tính loại biên toàn bộ tiêm kích thế hệ hai này vào cuối năm 2022.
Lã Lễ Thi, cựu giảng viên học viện phòng vệ trên biển Đài Loan, cho biết quân đội Trung Quốc chế tạo UAV vì chúng giúp giảm thiểu thiệt hại về con người nếu có sự cố xảy ra.
Một tấm bảng trưng bày tại Triển lãm Hàng không Chu Hải năm 2018 liệt kê lợi ích của việc biến tiêm kích đã loại biên thành UAV, gồm giữ lại năng lực chiến đấu ban đầu, giúp tiết kiệm tiền và giảm nguy cơ thương vong. "Có hàng trăm lý do khiến Trung Quốc đại lục đưa ra một số chiến thuật tác chiến mới nhằm vào đảo Đài Loan", chuyên gia Lã cho biết.
Ben Ho, chuyên gia không quân tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, tin rằng Trung Quốc đã nghiên cứu các chiến thuật được sử dụng trong cuộc xung đột Nagorno-Karabakh giữa Azerbaijan và Armenia hồi tháng 9/2020. Khi đó, Azerbaijan dùng UAV trên cơ sở vận tải cơ An-2 thời Liên Xô để dụ phòng không Amernia khai hỏa và bị lộ vị trí.
"Quân đội Trung Quốc có thể áp dụng chiến thuật của Azerbaijan và dùng J-7 làm mồi nhử đối nhằm chế áp hệ thống phòng không đối phương trong cuộc xung đột ở khu vực", Ben Ho nói. "Kịch bản này rất có khả năng xảy ra do các đối thủ tiềm tàng của Trung Quốc như Mỹ sở hữu hệ thống phòng không tối tân như Hệ thống Chiến đấu Aegis".
"Sẽ là hợp lý nếu J-7 được triển khai với tư cách UAV mục tiêu do kích thước của chúng gần tương đồng F-16 và IDF, hai tiêm kích đóng vai trò trụ cột trong lực lượng phòng vệ trên không Đài Loan", Ben Ho cho biết.
Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một tỉnh chờ thống nhất và tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ lực nếu cần. Trung Quốc gần đây triển khai nhiều cuộc diễn tập với khí tài tối tân quanh đảo Đài Loan, đồng thời cho nhiều máy bay quân sự áp sát hòn đảo.
Nguyễn Tiến (Theo SCMP)