Quan chức quốc phòng Mỹ và Nhật Bản bắt đầu lên kế hoạch nghiêm túc cho xung đột ở các khu vực này trong giai đoạn cuối nhiệm kỳ tổng thống Donald Trump. Các hoạt động chuẩn bị bao gồm những đợt diễn tập sa bàn tuyệt mật và diễn tập thực địa ở Biển Đông, biển Hoa Đông, 6 quan chức giấu tên cho biết hôm 30/6.
Cựu thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hồi năm 2019 quyết định mở rộng đáng kể các kế hoạch quân sự do lo ngại hành động ngày càng cứng rắn của Trung Quốc. Quá trình này được tiếp tục dưới thời Thủ tướng Yoshihide Suga và Tổng thống Mỹ Joe Biden, ba quan chức am hiểu vấn đề cho hay.
Quân đội Mỹ và Nhật Bản ngày càng tỏ ra lo ngại khi máy bay quân sự Trung Quốc liên tục tiến vào vùng nhận diện phòng không đảo Đài Loan, trong đó có kỷ lục 28 chiếc hôm 15/6. Hải quân, không quân và hải cảnh Trung Quốc cũng hiện diện ngày càng nhiều quanh quần đảo Senkaku do Nhật Bản kiểm soát.
Trung Quốc luôn xem Đài Loan là một phần lãnh thổ chờ thống nhất, kể cả phải sử dụng vũ lực.
"Quân đội Trung Quốc đã thúc đẩy Mỹ và Nhật lại gần nhau và hướng tới tư duy mới trong vấn đề Đài Loan", Randy Schriver, quan chức hàng đầu về châu Á của Lầu Năm Góc dưới thời Trump, nhận xét.
Mỹ đã thúc đẩy đồng minh Nhật tham gia nhiều kế hoạch diễn tập chung từ lâu, nhưng Tokyo vẫn bị kiềm chế bởi hiến pháp hòa bình sau Thế chiến II. Các rào cản đang dần được gỡ bỏ kể từ năm 2015, nhưng không bị xóa sổ hoàn toàn.
Hai trong 6 quan chức giấu tên cho biết quân đội Mỹ và Nhật Bản đã nhiều lần diễn tập chung trên Biển Đông với lý do huấn luyện cứu trợ thiên tai. Họ cũng tổ chức nhiều cuộc diễn tập quanh nhóm đảo Senkaku, giúp chuẩn bị cho khả năng xung đột với Trung Quốc tại đảo Đài Loan, vốn chỉ cách đó khoảng 350 km.
"Một số hoạt động huấn luyện có khả năng ứng dụng rất cao. Những cuộc diễn tập đổ bộ trong kịch bản cứu trợ thảm họa có thể áp dụng trực tiếp cho mọi xung đột ở eo biển Đài Loan và nhóm đảo Senkaku", Schriver nói thêm.
Giới chức ngoại giao Mỹ và Nhật cũng đang xem xét những vấn đề pháp lý liên quan tới hoạt động quân sự chung, bao gồm quyền tiếp cận căn cứ và khả năng hỗ trợ hậu cần của Tokyo cho Washington khi nổ ra xung đột với Bắc Kinh. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra nguy cơ Nhật Bản bị cuốn vào xung đột, nhất là khi Trung Quốc sẽ tìm cách phá hủy những căn cứ của Mỹ trong khu vực nếu chiến tranh nổ ra.
Vũ Anh (Theo Financial Times)