Trong cuộc họp sáng 27/2 với quan chức quốc phòng hàng đầu, Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh đưa lực lượng răn đe chiến lược của quân đội, trong đó có những đơn vị mang vũ khí hạt nhân, vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu đặc biệt.
Động thái của ông Putin khiến nhiều người cảm thấy lo ngại về nguy cơ nổ ra chiến tranh hạt nhân hủy diệt, trong bối cảnh giao tranh tại Ukraine vẫn diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, các lãnh đạo Mỹ và phương Tây không tỏ ra lo lắng về một kịch bản Nga thực sự kích hoạt và sử dụng vũ khí hạt nhân.
Khi được hỏi về phản ứng của Washington, Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 28/2 khẳng định Mỹ sẽ không nâng cấp mức độ báo động lực lượng răn đe chiến lược của mình. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết không thấy "có lý do gì" để thay đổi mức độ báo động của lực lượng hạt nhân.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace nói rằng động thái mới của ông Putin chỉ nhằm đe dọa phương Tây và "nhắc nhở thế giới rằng ông ấy có lựa chọn răn đe". Ông Wallace thêm rằng đó cũng có thể là hành động đánh lạc hướng chú ý của dư luận khỏi "chiến dịch quân sự chưa thành công của Nga ở Ukraine".
Động thái mới được Tổng thống Nga đưa ra khi ông cho rằng phương Tây ngày càng có những hành động "không thân thiện" với nền kinh tế Nga, cũng như có những "tuyên bố hung hăng" với nước Nga.
Nga sở hữu khoảng 4.447 đầu đạn hạt nhân và một kho tên lửa đạn đạo xuyên lục địa khổng lồ, vốn là xương sống của lực lượng răn đe chiến lược, khiến mệnh lệnh của ông Putin mang sức nặng răn đe ngoại giao rõ ràng.
Tuy nhiên, về mặt quân sự, nhiều chuyên gia về hạt nhân và cả quan chức quốc phòng phương Tây không thực sự hiểu "trạng thái sẵn sàng chiến đấu đặc biệt" của lực lượng hạt nhân Nga có nghĩa là gì. Nhiều người trong số họ nhất trí rằng mối đe dọa hạt nhân vẫn ở mức thấp, dù đã tăng một bậc so với trước.
Pavel Podvig, một chuyên gia hàng đầu về lực lượng hạt nhân Nga, đăng trên Twitter rằng mệnh lệnh mới của Tổng thống Putin rất có thể có nghĩa là "hệ thống chỉ huy và kiểm soát hạt nhân nhận được mệnh lệnh sơ bộ". Mệnh lệnh này sẽ kích hoạt hệ thống vào trạng thái chuẩn bị, để sẵn sàng thực hiện "lệnh phóng" khi nó được ban ra.
Nó cũng cho phép các vũ khí hạt nhân được phóng "nếu tổng thống bị uy hiếp hoặc không thể liên lạc được", nhưng thêm rằng nó chỉ áp dụng trong trường hợp "phát hiện có vụ nổ hạt nhân thực sự trên lãnh thổ Nga", theo Podvig.
David Cullen, thành viên của Dịch vụ Thông tin Hạt nhân (NIS), tổ chức phi lợi nhuận ở Anh, cho rằng mệnh lệnh của ông Putin "tương tự như hệ thống của Anh", khi các chỉ huy tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa Trident nhận được "thư về giải pháp cuối cùng" do thủ tướng ký. Lá thư này hướng dẫn chỉ huy tàu ngầm hạt nhân cách thức hành động trong trường hợp Anh bị tấn công hạt nhân tổng lực, không phải là một lệnh phóng.
Cả Podvid và các chuyên gia khác như James Acton, chuyên gia hạt nhân tại Carnegie Endowment, đều nói rằng về lý thuyết, mệnh lệnh mới của Tổng thống Nga có thể tạo ra một số thay đổi trên thực địa, như Nga triển khai thêm tàu ngầm mang vũ khí hạt nhân ra khơi, hoặc bố trí tên lửa hạt nhân tầm xa trên khắp lãnh thổ Nga.
Tuy nhiên, Podvig nhấn mạnh rằng mọi thứ có thể không diễn ra như vậy, bởi chỉ thị của ông Putin khá mơ hồ. Trên thực tế, Lầu Năm Góc cũng xác nhận không phát hiện bất kỳ thay đổi đáng kể nào trong lực lượng hạt nhân Nga sau mệnh lệnh của ông Putin.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh Wallace cảnh báo Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật trong chiến dịch quân sự ở Ukraine, nhưng điều này có thể dẫn tới kịch bản leo thang nghiêm trọng chống lại người Ukraine, vốn được ông Putin mô tả là "một dân tộc" với người Nga.
Bản thân Moskva cũng phát đi những tín hiệu cho thấy đây có thể chỉ là một động thái răn đe ngoại giao. Một ngày sau tuyên bố của Tổng thống Putin, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói mệnh lệnh được đưa ra để đáp lại nhiều cảnh báo khác nhau của phương Tây rằng có thể xảy ra "đụng độ giữa Nga với NATO".
Matthew Harries, chuyên gia hạt nhân tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI), nhận định tuyên bố từ phía Nga mang thông điệp răn đe ở nhiều cấp độ khác nhau. Đầu tiên đó là lời đe dọa "chúng tôi có thể làm tổn thương bạn và đối đầu với chúng tôi là nguy hiểm". Đồng thời, nó cũng là lời nhắc nhở phương Tây không nên đi quá xa, khi nhiều nước cung cấp ngày càng nhiều vũ khí sát thương cho Ukraine.
Trong chương trình của Russian TV hôm 27/2, Dmitry Kiselyov, người dẫn chương trình truyền hình Nga và là một trong những tiếng nói mạnh mẽ truyền tải thông điệp của Điện Kremlin, nói "chỉ riêng tàu ngầm của chúng tôi có thể phóng hơn 500 đầu đạn hạt nhân, đảm bảo hủy diệt Mỹ và NATO. Nguyên tắc là tại sao chúng tôi phải cần một thế giới mà Nga không tồn tại trong đó?".
"Đây là chiến tranh tâm lý, nhưng chúng ta phải xem điều gì thực sự xảy ra sau đó", Joachim Krause, giám đốc Viện Chính sách an ninh tại Đại học Kiel, Đức, nói.
Theo Krause, Tổng thống Putin sẽ ra quyết định dựa trên kết quả chiến dịch quân sự ở Ukraine. Hiện tại, đà tiến của Nga đang gặp nhiều khó khăn ở Ukraine, liên quan tới các vấn đề hậu cần về nhiên liệu và đạn dược, cũng như sức kháng cự của quân đội Ukraine.
"Tổng thống Putin đang ở trong tình huống mà mục tiêu chiến dịch ban đầu của ông ấy chưa thành công, buộc ông ấy sẽ phải quyết định nhượng bộ hoặc leo thang chiến sự", Krause nói.
Ông Putin đang tiếp tục dùng chiến thuật bên miệng hố chiến tranh, nhưng "không có gì hơn", theo Gustav Gressel, thành viên chính sách cấp cao tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu ở Berlin.
"Khi nói đến mối đe dọa hạt nhân, Nga sẽ không làm bất cứ điều gì bất ngờ vào thời điểm này. Tất cả đều được đặt ra trong nguyên tắc răn đe hạt nhân của Moskva", Gressel nói, thêm rằng mục đích của Điện Kremlin là "tác động đến dư luận và quá trình ra quyết định chính trị ở các nước khác".
Thanh Tâm (Theo Guardian, Forbes)