Liên minh châu Âu (EU), ban đầu được thành lập với 6 quốc gia vào năm 1957, đã mở rộng nhiều lần, với một số đợt kết nạp thành viên nhạy cảm nhất về mặt địa chính trị kể từ năm 1995.
Vào năm 1995, Áo, Thụy Điển và Phần Lan gia nhập EU, khiến khối lần đầu tiên có chung đường biên giới với Nga.
Sau đó, trong một bước mở rộng lịch sử năm 2004, EU kết nạp thêm một loạt nước gồm Ba Lan, các quốc gia vùng Baltic (Estonia, Latvia và Litva), Hungary, Slovakia, Slovenia, Cộng hòa Czech, cùng các đảo quốc Cyprus và Malta ở Địa Trung Hải.
Năm 2007, các cựu thành viên của Khối phía Đông là Bulgaria và Romania cũng tham gia, tiếp theo là Croatia vào năm 2013.
Đến năm 2016, EU trải qua cú sốc khi Vương quốc Anh bỏ phiếu trưng cầu dân ý rời khỏi khối. "Vụ ly hôn" Brexit cuối cùng được hoàn tất vào năm 2020 và EU hiện có 27 thành viên, cùng nhiều nước đang làm đơn xin gia nhập.
5 ứng viên
Bốn nước vùng Balkan ở phía tây là ứng viên chính thức cho tư cách thành viên EU, song đã phải chờ đợi nhiều năm.
Bắc Macedonia chờ từ năm 2005, Montenegro từ năm 2010, Serbia từ năm 2012 và Albania từ năm 2014.
"Chúng ta là một gia đình châu Âu... và tôi tin tưởng sâu sắc rằng chúng ta có cùng chung số phận", Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nói với đại diện các nước này hồi tháng 10 năm ngoái.
Thổ Nhĩ Kỳ, một ứng viên từ năm 1999, cuối cùng đã có thể khởi động các cuộc đàm phán về tư cách thành viên vào năm 2005.
Nhưng mối quan hệ giữa hai bên suy yếu từ năm 2013 và trở nên lạnh nhạt hơn sau khi EU cáo buộc Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nhắm vào các đối thủ chính trị vì cuộc đảo chính thất bại hồi năm 2016 ở nước này.
Năm 2019, EU tuyên bố chấm dứt đàm phán về tư cách thành viên của Thổ Nhĩ Kỳ.
Ứng viên tiềm năng
Hai thành viên khác thuộc Nam Tư cũ, Bosnia và Kosovo, được coi là những ứng viên tiềm năng, nhưng chưa đáp ứng các tiêu chí trở thành thành viên EU.
Ngoài ra, Brussels đã khởi động chương trình quan hệ Đối tác phương Đông với một nhóm các nước cộng hòa thuộc Liên Xô vào năm 2009, gồm Armenia, Azerbaijan, Belarus, Gruzia, Moldova và Ukraine.
Theo đó, các nước này sẽ tiến hành loạt cải cách để có mối quan hệ chính trị, kinh tế khăng khít hơn với EU.
Một số nước trong số đó, đặc biệt là Ukraine và Gruzia, coi chương trình như bước đệm để họ trở thành thành viên, song không được các lãnh đạo EU đưa ra bất kỳ đảm bảo nào. Belarus chấm dứt nỗ lực tham gia EU vào năm ngoái.
Quy trình lâu dài
Tổng thống Volodymyr Zelensky ngày 28/2 kêu gọi EU kết nạp Ukraine làm thành viên "ngay lập tức". Tuy nhiên, để có được tư cách thành viên EU là một quá trình lâu dài và phức tạp. Các cuộc đàm phán thường diễn ra trong nhiều năm.
Dù Phần Lan chỉ mất 4 năm để được EU kết nạp, ba nước cộng hòa vùng Baltic đã trải qua 9 năm đàm phán và cải cách.
Bước đầu tiên để trở thành thành viên là họ được công nhận như một quốc gia ứng viên. Sau đó, các cuộc đàm phán bắt đầu, trong đó, ứng viên phải chứng minh được rằng họ đáp ứng các tiêu chuẩn dân chủ, kinh tế và chính trị của EU.
Duy trì các thể chế ổn định đảm bảo dân chủ, tôn trọng quyền con người và quyền của các nhóm thiểu số, cùng một nền kinh tế thị trường là những yêu cầu cần thiết.
Giữa căng thẳng chiến sự với Nga, sau khi ký đơn xin gia nhập EU, Tổng thống Zelensky đã kêu gọi áp dụng một "thủ tục đặc biệt" mới để đẩy nhanh tốc độ kết nạp Ukraine vào khối. "Tôi chắc chắn rằng nó công bằng. Tôi chắc chắn là khả thi", ông tuyên bố.
Tuy nhiên, đặc phái viên Nga tại EU Vladimir Chizhov ngày 28/2 cho rằng sẽ không có "thủ tục đặc biệt" nào được áp dụng với Ukraine.
"Quy trình gia nhập EU đã được cải tiến và nhìn chung trở nên phức tạp hơn, lâu dài hơn", Chizhov nói về triển vọng Ukraine được kết nạp nếu tất cả thành viên của khối đều nhất trí bắt đầu quá trình này. "Sẽ quá sớm để đưa ra dự báo về bất cứ mốc thời gian cụ thể nào, bởi Ukraine thậm chí còn chưa tiến đến giai đoạn đàm phán tiền gia nhập".
Vũ Hoàng (Theo AFP)