"Tôi ra lệnh cho Bộ trưởng Quốc phòng và Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nga đưa lực lượng răn đe của quân đội vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu đặc biệt", Tổng thống Vladimir Putin nói trong cuộc họp với quan chức cấp cao ngày 27/2.
Truyền thông Nga cho biết Tổng thống Putin đã yêu cầu Bộ Quốc phòng lệnh cho các lực lượng răn đe chiến lược, trong đó có những đơn vị mang vũ khí hạt nhân, chuyển sang trạng thái báo động cao, sẵn sàng nhận lệnh chiến đấu.
Động thái mới của Tổng thống Putin được đưa ra khi chiến dịch tấn công Ukraine của Nga bước sang ngày thứ tư. Sau giai đoạn tấn công chớp nhoáng ban đầu, Nga đã mở đợt tấn công mới "từ mọi hướng", song chưa đạt được mục tiêu chiếm các thành phố lớn khi vấp phải sức kháng cự mạnh mẽ của quân đội Ukraine.
Trong khi đó, các nước phương Tây tiếp tục tăng cường biện pháp trừng phạt tài chính với Nga, loại một số ngân hàng của nước này khỏi hệ thống tài chính quốc tế SWIFT, đồng thời cung cấp thêm vũ khí cho quân đội Ukraine.
"Phương Tây không chỉ có hành động không thân thiện đối với nền kinh tế chúng ta, mà giới chức hàng đầu NATO cũng đưa ra những tuyên bố hung hăng với đất nước chúng ta", ông Putin nói.
Nga sở hữu khoảng 4.447 đầu đạn hạt nhân và một kho tên lửa đạn đạo xuyên lục địa khổng lồ, vốn là xương sống của lực lượng răn đe chiến lược.
Răn đe hạt nhân, khái niệm có từ thời Chiến tranh Lạnh, được các cường quốc sở hữu vũ khí nguyên tử sử dụng để ngăn chặn bất cứ đòn tấn công hạt nhân nào, với niềm tin bất cứ động thái nào như vậy đều dẫn đến kịch bản hủy diệt lẫn nhau.
Khi Liên Xô và Mỹ chạy đua phát triển vũ khí hạt nhân, Washington đã áp dụng chiến lược răn đe hạt nhân như vậy. Điều này có nghĩa nếu Liên Xô hoặc bất kỳ quốc gia nào cố gắng tấn công bằng vũ khí hạt nhân, Mỹ sẽ phản ứng nhanh chóng và phát động đòn trả đũa thậm chí còn lớn hơn, tạo ra sức răn đe hiệu quả với bất cứ hành động phiêu lưu nào.
Tổng thống Nga dường như đang sử dụng chiến lược tương tự. Ông chỉ ra rằng nếu Mỹ và đồng minh NATO tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế nặng nề với Nga hoặc cố gắng hỗ trợ lực lượng Ukraine, Moskva sẽ sẵn sàng đáp trả bằng vũ khí hạt nhân, theo Jordan Mendoza, nhà phân tích của USA Today.
"Bất kỳ quốc gia nào cố gắng cản trở chúng tôi nên biết rằng Nga sẽ phản ứng ngay lập tức. Nó sẽ dẫn tới những hậu quả mà bạn chưa từng thấy trong lịch sử", ông Putin từng nói.
Daryl Kimball, giám đốc điều hành Hiệp hội Kiểm soát vũ khí ở Washington, cho biết quyết định của Putin là lần đầu tiên lực lượng hạt nhân chiến lược được đặt trong tình trạng báo động cao trong hàng chục năm qua. "Đây là điều chưa từng thấy có trong thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh. Chưa một lãnh đạo Mỹ hay Nga nào nâng mức cảnh báo lực lượng hạt nhân giữa cuộc khủng hoảng để cố gắng gây sức ép với đối phương", Kimball nói.
Quyết định báo động lực lượng răn đe của Nga khiến nhiều nhà quan sát cảm thấy lo ngại. "Có vẻ như Điện Kremlin đã sẵn sàng leo thang thêm căng thẳng", Pavel Luzin, chuyên gia quốc phòng và chính sách đối ngoại độc lập ở Nga, cho biết.
Ông Luzin chỉ ra một sắc lệnh năm 2017 do Tổng thống Putin ký cho phép Nga theo đuổi chiến lược "sử dụng vũ khí hạt nhân để giảm căng thẳng" nếu lực lượng Nga đối mặt với nguy cơ thất bại trên chiến trường.
"Đòn tấn công hạt nhân phi chiến lược sẽ diễn ra trên vùng lãnh thổ không có người để làm đối phương sợ hãi hoặc mất tinh thần. Nếu đối thủ vẫn tiếp tục chiến đấu, cuộc tấn công có thể đi xa hơn", Luzin nói về sắc lệnh trên, thêm rằng tình hình hiện tại khiến ông thấy lo lắng.
Chuyên gia Luzin chia sẻ ông từng đánh giá thấp khả năng Nga sẽ tiến hành cuộc chiến lớn. "Nếu một tuần trước bạn hỏi tôi liệu có khả năng này không, tôi sẽ nói bạn điên rồi. Nhưng bây giờ, sau bốn ngày giao tranh ác liệt, tôi không thể loại trừ khả năng này", ông nói. "Họ đang cố gắng tăng tiền cược, như đang ở sòng bạc".
Hiện chưa rõ lực lượng hạt nhân chiến lược Nga sẽ có những hành động thực tế nào sau lệnh báo động của ông Putin. Nga và Mỹ thường có các lực lượng hạt nhân trên đất liền và tàu ngầm được đặt trong tình trạng báo động và chuẩn bị chiến đấu mọi lúc, nhưng oanh tạc cơ mang vũ khí hạt nhân và các máy bay khác thì không.
Nếu Tổng thống Nga muốn trang bị vũ khí hạt nhân hoặc nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu cho các oanh tạc cơ, hoặc ra lệnh cho nhiều tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo ra khơi, Mỹ có thể phải đáp trả theo cách tương tự, theo Hans Kristensen, nhà phân tích hạt nhân tại Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ.
"Đây là mối đe dọa chiến tranh hạt nhân với châu Âu và Mỹ", Pavel Felgenhauer, một nhà phân tích quốc phòng ở Moskva, nói.
Các quan chức quốc phòng Mỹ không tiết lộ mức báo động lực lượng hạt nhân hiện tại của họ, nhưng nói rằng quân đội luôn trong trạng thái sẵn sàng để bảo vệ đất nước và đồng minh.
Tình trạng sẵn sàng chiến đấu (DEFCON) là khái niệm Mỹ sử dụng để chỉ mức độ lực lượng vũ trang phản ứng với các mối đe dọa mà đất nước phải đối mặt từ quốc gia khác. Mỹ có năm cấp độ DEFCON, giảm dần từ 1 tới 5. Mức sẵn sàng chiến đấu cao nhất mà Mỹ từng đưa ra là DEFCON 2 trong cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962.
Nga có phiên bản DEFCON riêng, dù các cấp độ của nó không rõ ràng. Dmitri Alperovitch, người sáng lập Viện Nghiên cứu An ninh mạng Alperovitch tại Đại học Johns Hopkins, cho biết trên Twitter ngày 27/2 rằng thang DEFCON của Nga có 4 cấp độ tăng dần, gồm: Thường xuyên, Nâng cao, Mối đe dọa Quân sự và Toàn diện.
"Ông Putin đã báo động lực lượng hạt nhân Nga ở cấp độ 2", Alperovitch viết.
Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba mô tả động thái báo động lực lượng hạt nhân của ông Putin là nỗ lực nhằm tăng áp lực cho phái đoàn Ukraine, sau khi Tổng thống Volodymyr Zelensky đồng ý đàm phán hòa bình với Nga tại biên giới Belarus.
"Nhưng chúng tôi sẽ không khoan nhượng trước sức ép này", ông nói.
Nga những năm qua thường áp dụng học thuyết hạ thấp ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân và đưa ra những cảnh báo công khai về khả năng sử dụng chúng.
"Đó là một thanh kiếm khủng khiếp bằng lời nói. Chúng ta sẽ xem ông ấy sẽ đi đến đâu với nó", Hans Kristensen nói.
Kristensen lưu ý năm 2014, khi Putin sáp nhập bán đảo Crimea, ông cũng đã nêu ra khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân. Kristensen kể khi Putin được hỏi sẽ phản ứng thế nào trước các lệnh trừng phạt phương Tây, ông nói rằng "sẵn sàng đặt các lực lượng hạt nhân trong tình trạng báo động".
Bất kể ý định của Tổng thống Nga là gì, quyết định báo động các lực lượng răn đe hạt nhân chiến lược trong bối cảnh căng thẳng leo thang ở Ukraine là "rất bất thường", theo David E. Sanger và William J. Broad, hai nhà phân tích của NY Times. Đồng thời, nó cũng đặt dấu chấm hết cho các cuộc thảo luận giữa Nga và Mỹ về những gì họ sẽ làm trong bốn năm tới, khi hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân lớn còn lại giữa hai nước New START hết hiệu lực.
Trước khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, quan chức Washington và Moskva vẫn thường xuyên gặp gỡ để thảo luận về cơ chế kiểm soát vũ khí mới, gồm cả việc khôi phục Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung mà tổng thống Donald Trump từng từ bỏ năm 2019. Nhưng Mỹ hiện quyết định dừng các cuộc đàm phán này.
Phản ứng trước mệnh lệnh của Tổng thống Putin, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield cho rằng đây là hành động leo thang không thể chấp nhận được. "Ông Putin đang cố làm mọi thứ có thể để thực sự gieo nỗi sợ hãi cho thế giới", bà nói.
Thanh Tâm (Theo NBC News, FT, NY Times, AP)