Thứ ba, 23/4/2024
Thứ năm, 6/1/2022, 10:48 (GMT+7)

Khói lửa bao trùm bạo loạn ở Kazakhstan

Đám đông quá khích đụng độ cảnh sát, đốt phá văn phòng thị trưởng và phóng hỏa nhiều xe cộ khi Kazakhstan chấm dứt trợ giá nhiên liệu.

Biểu tình nổ ra ở thị trấn Zhanaozen, tỉnh Mangystau, miền tây Kazakhstan từ ngày 2/1, khi người dân xuống đường để phản đối tình trạng giá khí hóa lỏng (LPG) leo thang gần đây.

Giá LPG tăng gấp đôi từ ngày 1/1, thời điểm chính phủ Kazakhstan chấm dứt các hình thức trợ cấp cho loại nhiên liệu này. LPG có vai trò rất quan trọng với người dân Kazakhstan, bởi đa số xe hơi tại đây sử dụng loại nhiên liệu này để vận hành.

Trong ảnh, người dân thành phố Oral, miền tây Kazakhstan, đối đầu với cảnh sát trong cuộc biểu tình phản đối giá nhiên liệu tăng. Ảnh: RFERL.

Phong trào biểu tình ở Zhanaozen dần lan ra các địa phương khác ở Kazakhstan và trở nên bạo lực hơn, đặc biệt là tại Almaty, thành phố lớn nhất đất nước.

Cảnh sát hôm 4/1 phải sử dụng hơi cay và lựu đạn gây choáng để đẩy đuổi hàng trăm người biểu tình khỏi khu vực quảng trường ở Almaty. Tuy nhiên, đám đông quá khích tiếp tục đụng độ hôm 5/1 và phóng hỏa tòa thị chính.

Trong ảnh, tòa thị chính thành phố Almaty bốc cháy dữ dội sau khi bị người biểu tình đốt phá.

Một chiếc xe hơi bị thiêu rụi trên đường phố, trong khi văn phòng thị trưởng Almaty bốc cháy ngùn ngụt vì bị nhóm biểu tình quá khích tấn công.

Nhóm người biểu tình quá khích xông vào văn phòng thị trưởng Almaty lục lọi, đập phá. Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev đã ban bố tình trạng khẩn cấp tại thành phố này từ hôm 4/1.

Xe cảnh sát bị đập phá gần văn phòng thị trưởng ở Almaty hôm 5/1. Các cuộc biểu tình bạo lực khiến khoảng 100 cảnh sát Kazakhstan bị thương.

Lực lượng cảnh sát chống bạo động dàn hàng ngăn người biểu tình quá khích ở Almaty, khi đám đông ngày càng trở nên bạo lực hơn.

Xe bọc thép được điều tới bên ngoài văn phòng thị trưởng Almaty hôm 5/1.

Chiếc xe buýt bị thiêu rụi trên đường phố Kazakhstan hôm 5/1.

Cửa kính của một quầy hàng bị người biểu tình đập phá.

Cảnh sát bắt một người biểu tình ở Almaty. Giới chức Kazakhstan cho biết hơn 200 người liên quan biểu tình đã bị bắt.

Khi phong trào biểu tình lan rộng, chính phủ của Thủ tướng Askar Mamin hôm qua đồng loạt nộp đơn từ chức và được Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev phê chuẩn. Tokayev yêu cầu thống đốc các tỉnh tái áp đặt biện pháp kiểm soát giá LPG, xăng, dầu diesel và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu khác để hạ nhiệt tình hình.

Tuy nhiên, biểu tình không có dấu hiệu giảm bớt. Đến tối 5/1, người biểu tình tiếp tục đốt phá xe cảnh sát trên đường phố.

Kazakhstan đã ban bố tình trạng khẩn cấp toàn quốc, có hiệu lực tới ngày 19/1. Ba thành phố lớn và 14 khu vực ở Kazakhstan sẽ chịu hạn chế di chuyển trong thời gian áp tình trạng khẩn cấp.

Tổng thống Tokayev cũng kêu gọi Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) do Nga dẫn đầu hỗ trợ nhằm đối phó với "những nhóm khủng bố được huấn luyện kỹ càng ở nước ngoài". CSTO tuyên bố sẽ triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình có thời hạn nhằm ổn định tình hình ở Kazakhstan, nhưng chưa nêu chi tiết.

Khói lửa bao trùm biểu tình Kazakhstan
 
 

Đám đông biểu tình Kazakhstan đập phá loạt xe cảnh sát cùng nhiều phương tiện để phản đối tình trạng tăng giá nhiên liệu. Video: Twitter/@RobTheRich0001.

Ảnh: AFP/Reuters/AP