Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 26/11 tuyên bố B.1.1.529 là biến chủng "đáng lo ngại" và đặt tên nó là Omicron. Biến chủng này xuất hiện lần đầu tại Botswana, sau đó được Nam Phi phát hiện và công bố, khi số ca nhiễm ở nước này tăng theo cấp số nhân chỉ trong vài tuần.
Điều khiến giới khoa học lo ngại nhất về Omicron là số đột biến của nó. nCoV liên tục đột biến, hàng loạt biến chủng của nó đã trỗi dậy trong hai năm qua, nhưng phần lớn không làm thay đổi đáng kể hành vi và mức độ gây bệnh của nó.
Nhưng lần này, tiến sĩ Ashish Jha, hiệu trưởng Trường Y tế Công cộng thuộc Đại học Brown của Mỹ, cho rằng Omicron "hành xử rất khác" và "có vẻ có khả năng lây lan còn cao hơn cả Delta".
Phân tích của các nhà khoa học Nam Phi cho thấy Omicron có tới 50 đột biến, trong đó 32 đột biến trên protein gai, cấu trúc virus sử dụng để bám dính và xâm nhập tế bào người.
"Đây là phiên bản virus đột biến nhiều nhất mà chúng ta thấy cho tới nay", nhà virus học Lawrence Young, giáo sư chuyên ngành ung thư phân tử tại Trường Y Warwick ở Anh, cho biết. "Omicron chứa một số thay đổi chúng ta từng thấy ở các biến chủng khác, nhưng chưa từng có loại virus nào hội tụ hết các đặc điểm đó. Nó thậm chí còn có những đột biến mới".
Theo Young, biến chủng này "rất đáng lo ngại" bởi những virus có số đột biến cao bất thường có thể dễ lây lan hơn, thậm chí né tránh miễn dịch và vô hiệu hóa vaccine.
Neil Ferguson, chuyên gia dịch tễ hàng đầu của Anh, cũng nhận định số đột biến trên protein gai của Omicron là "chưa từng có tiền lệ". "Protein gai trên virus chính là mục tiêu của phần lớn vaccine Covid-19 hiện nay", giáo sư Ferguson giải thích. "Bởi vậy chúng tôi lo ngại rằng biến chủng này có khả năng né tránh miễn dịch cao hơn so với những chủng trước đây".
Nỗi lo lắng về Omicron đã thúc đẩy hàng loạt quốc gia siết hạn chế đi lại với khu vực phía nam châu Phi. Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh châu Âu đánh giá "nguy cơ cao tới rất cao" biến chủng sẽ lây lan khắp lục địa này.
Tuy nhiên, một số chuyên gia dịch tễ cho rằng vẫn còn quá sớm để kết luận Omicron có nguy hiểm hơn các biến thể hiện tại hay không, bởi biến chủng này vẫn còn quá mới và còn quá nhiều bí ẩn.
"Nó là biến chủng đáng lo ngại, đồng nghĩa chúng ta sẽ phải nâng cấp ứng phó. Nhưng không nên vội vàng kết luận nó sẽ trở thành vấn đề", tiến sĩ Chris Smith, nhà virus học lâm sàng Đại học Cambridge, Anh nói.
Ông thêm rằng hiện chưa có cơ sở nào đảm bảo Omicron sẽ là một Delta khác hoặc nguy hiểm hơn Delta. "Tôi chỉ muốn trấn an mọi người rằng ở giai đoạn này, chúng ta chưa biết nhiều thông tin, ngoài việc nó đã được phát hiện", ông nói.
Smith chia sẻ Omicron đã được phát hiện ở một số nơi và lan rộng "một chút", nhưng quy mô lây lan của biến chủng chưa được xác định rõ. Câu hỏi liệu nó có làm suy yếu khả năng bảo vệ của vaccine, có nguy cơ lây lan cao hơn và gây bệnh nặng hơn hay không cũng chưa có đáp án.
"Hiện tại, chúng ta không biết", ông nói.
Nhiều nhà khoa học chia sẻ quan điểm với Smith, khi cho rằng còn quá sớm để đưa ra nhận định chắc chắn về tác động của Omicron với hiệu quả của các loại vaccine hiện có. Họ nhấn mạnh cần có thêm nhiều nghiên cứu để xác định mức độ nghiêm trọng của Omicron so với các biến chủng trước.
William Hanage, nhà dịch tễ học tại Trừng Y tế Công cộng Harvard T.H. Chan, cho rằng nhiều biến chủng trước đây cũng từng gây lo ngại tương tự, nhưng chúng sau đó đều gây ra rất ít tác động, ngoại trừ Delta.
"Giới dịch tễ học đang tìm cách nói rằng: 'Hượm đã nào, mọi người'", Hanage nói. "Biến chủng này có thể trở nên tồi tệ, thậm chí rất tệ. Nhưng chúng ta chưa biết đủ nhiều để khẳng định chắc nịch như vậy".
Các nhà khoa học cũng cảnh báo không nên vội vàng kết luận nguồn gốc của Omicron từ Botswana hay Nam Phi, dù những ca nhiễm đầu tiên được ghi nhận ở đây.
Nghiên cứu sự khác biệt về mã di truyền sẽ là chìa khóa để mở cánh cửa về những bí ẩn của Omicron, theo Smith.
"Giờ đây, tất cả virus đều có những thay đổi về mặt di truyền, chúng đều khác nhau theo một cách nào đó và trong nhiều trường hợp, các đột biến lớn không tạo ra khác biệt nào trong hành vi của virus. Chúng chỉ là những thay đổi thầm lặng", ông cho hay.
Tuy nhiên, Smith khuyến nghị giới khoa học nên tập trung vào những đột biến ở protein gai của Omicron, vốn là vũ khí quyết định mức độ lây lan và gây bệnh nặng của virus. Các nhà khoa học sẽ chú trọng nghiên cứu kỹ 32 đột biến trên protein gai của Omicron để xác định chúng tác động thế nào tới virus.
"Tôi đảm bảo những nghiên cứu đó đang được tiến hành trong phòng thí nghiệm ở nhiều nơi ngay bây giờ", tiến sĩ Smith nói.
Giáo sư Michael Baker của Đại học Otago, New Zealand, cho rằng "sẽ là thảm họa" nếu thế giới xuất hiện một biến thể có khả năng vô hiệu hóa hoàn toàn các loại vaccine hiện nay, nhưng nhận định khả năng này rất khó xảy ra.
Giáo sư miễn dịch học Miguel Quinones-Mateu của Đại học Otago đồng tình với Baker.
"Đây có phải là điều mà tất cả chúng ta lo sợ? Một biến chủng nguy hiểm hơn, mức độ lây truyền cao hơn và tránh né được vaccine? Tôi nghĩ rất khó để một virus tiến hóa có đủ bộ ba đặc điểm này", ông nói, nhưng cảnh báo nguy cơ này vẫn có thể xảy ra trong tương lai.
Giới khoa học cho hay bản chất của virus là luôn luôn biến đổi và nCoV cũng vậy. Nó sẽ tiếp tục biến đổi cho tới khi không còn thay đổi hơn được nữa.
"Theo lý thuyết tiến hóa, một loại virus rất nguy hiểm sẽ tự hủy hoại mình nếu giết sạch vật chủ, bởi khi đó nó sẽ không còn vật chủ để lây truyền", Smith nói. "Virus không có suy nghĩ, cảm xúc hay mong ước, nhưng chúng ta có thể nói điều nó muốn là lây lan càng rộng càng tốt với số lượng nhiều nhất có thể. Nó không thể làm được điều đó nếu giết hết vật chủ".
Do đó, Smith cho rằng virus và vật chủ của chúng sẽ học cách cùng tiến hóa và tồn tại. "Điều này đã xảy ra suốt hàng triệu năm qua", ông nói.
Thanh Tâm (Theo CNN, BBC, Radio New Zealand)