Báo cáo dự đoán về làn sóng đại dịch thứ ba sắp tấn công đất nước được trình lên Văn phòng Thủ tướng Ấn Độ cách đây 3 tháng, dẫn nhận định từ giới chuyên gia và các tổ chức có ảnh hưởng, trong đó có Viện Quản lý Thảm họa Quốc gia (NIDM) thuộc Bộ Nội vụ Ấn Độ.
Một trong các ý kiến được nêu trong báo cáo đến từ K VijayRaghavan, cố vấn khoa học chủ chốt của chính phủ Ấn Độ. Tại một cuộc họp báo hồi tháng 5, chuyên gia này cho hay làn sóng Covid-19 thứ ba là "không thể tránh khỏi", nói thêm rằng trẻ em sẽ có nguy cơ cao hơn.
Báo cáo cũng nhấn mạnh những kịch bản đại dịch có khả năng xảy ra. Nghiên cứu của Viện Công nghệ Ấn Độ Kanpur dự đoán nước này có thể ghi nhận hơn 300.000 ca nhiễm mới mỗi ngày vào tháng 10 nếu không áp dụng biện pháp hạn chế nào. Trong trường hợp chống dịch nghiêm ngặt, làn sóng thứ ba được dự đoán đạt đỉnh vào cuối tháng 10 ở mức hơn 200.000 ca một ngày.
Tuy nhiên, không kịch bản nào trong báo cáo trở thành hiện thực, ngay cả khi Ấn Độ vừa bước qua mùa lễ hội và đang đối mặt tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng cùng nhiệt độ giảm, những điều kiện được cho là lý tưởng để virus lây lan.
Hôm 23/11, Ấn Độ ghi nhận 7.579 ca nhiễm nCoV mới, con số thấp nhất trong vòng 18 tháng. Số ca nhiễm mới đã ở mức dưới 20.000 trong 46 ngày liên tiếp và dưới 50.000 trong 149 ngày liên tiếp, trong khi con số này từng lên đến hơn 400.000 hồi làn sóng đại dịch thứ hai.
"Ngay cả sau lễ hội ánh sáng Diwali, chúng tôi vẫn không chứng kiến đợt bùng phát nào. Tôi nghĩ chúng tôi đã an toàn hơn nhiều", tiến sĩ M.D. Gupte, cựu giám đốc Viện Dịch tễ học Quốc gia Ấn Độ, nhận định.
Trước tình huống này, giới chuyên gia giờ đây bàn về khả năng Covid-19 không bị loại bỏ hoàn toàn mà bước vào giai đoạn thành bệnh đặc hữu ở Ấn Độ, tức là virus tiếp tục hiện diện và lây lan nhưng không gây hậu quả nghiêm trọng.
T Sundararaman, cựu giám đốc điều hành Trung tâm Tài nguyên Hệ thống Y tế Quốc gia Ấn Độ, giải thích rằng để đạt trạng thái này, hệ số lây nhiễm cơ bản (R0) cần được duy trì dưới 1, tức là trung bình một ca nhiễm lây cho dưới một người. Các nghiên cứu gần đây cho thấy hệ số R0 của Delta, biến chủng gây ra làn sóng đại dịch thứ hai ở Ấn Độ, là 5-8, tương đương mức độ lây nhiễm của thủy đậu.
"Hệ số R0 dưới 1 là mức lây nhiễm thấp, có thể tồn tại vô hạn như cách chúng ta vẫn mắc bệnh cúm hoặc thương hàn. Khi dịch bệnh trở thành bệnh đặc hữu, không có điểm kết thúc nào", Sundararaman mô tả viễn cảnh có thể xảy ra với Covid-19.
Hồi tháng hai, kết quả khảo sát trên tạp chí Nature cho thấy gần 90% các nhà khoa học "cảm thấy nCoV có khả năng rất cao, hoặc có khả năng, trở thành một loại bệnh đặc hữu". Vài tháng sau, giới khoa học tại Ấn Độ cũng đưa ra dự đoán tương tự.
"Mức độ trầm trọng của làn sóng Covid-19 thứ hai khiến chúng tôi đạt đến ngưỡng mà các nhà dịch tễ học gọi là miễn dịch cộng đồng, khi dịch bệnh chuyển sang giai đoạn đặc hữu với số ca nhiễm thấp và ổn định", tiến sĩ T Jacob John, nhà virus học nổi tiếng của Ấn Độ, đánh giá. Ông cho rằng Ấn Độ là quốc gia đầu tiên tiến đến trạng thái này.
Dù vậy, một số chuyên gia vẫn tỏ ra hoài nghi. "Tôi thận trọng khi đề cập tới khả năng Ấn Độ bước đến giai đoạn bệnh đặc hữu, bởi mọi thứ có thể thay đổi khi một biến chủng tồi tệ xuất hiện ở bất cứ đâu", nhà virus học Shahid Jameel tại Đại học Green Templeton của Anh nêu quan điểm.
Hồi đầu tháng, nỗi lo về đợt bùng phát mới dấy lên khi bang Karnataka ở phía nam báo cáo 7 ca nhiễm biến chủng AY.4.2, một nhánh của Delta. Khoảng 40 ca nhiễm biến chủng này đã được ghi nhận tại ít nhất 6 bang. Tuy nhiên, Hiệp hội Gene SARS-CoV-2 của Ấn Độ (INSACOG) cho biết tỷ lệ nhiễm AY.4.2 quá thấp, chiếm chưa đến 0,1% trong số toàn bộ biến chủng đáng lo ngại hoặc được quan tâm tại nước này.
Trong khi đó, AY.4.2 lại đang hoành hành khắp châu Âu, dẫn đến số ca nhiễm và nhập viện tăng vọt, thúc đẩy giới chức tái áp đặt các biện pháp hạn chế. Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh (UKHSA) cho biết AY.4.2 đã chiếm gần 13% số các ca nhiễm chủng Delta.
"Các ca nhiễm ở phương Tây hiện nay thuộc nhóm chưa miễn dịch với Covid-19, hầu hết bởi chưa tiêm chủng. Điều này có nghĩa là mức độ miễn dịch cộng đồng do các đợt bùng phát trước đây vẫn thấp, giống như món nợ của họ đối với biến chủng Delta", tiến sĩ Jacob John suy luận.
Trong khi đó, các cuộc khảo sát của chính phủ Ấn Độ cho thấy gần 70% dân số nước này từng nhiễm nCoV tính đến tháng 7, sau đợt dịch thảm khốc hồi tháng 4 và tháng 5. Jacob John đánh giá sự lây lan trên diện rộng của chủng Delta tại Ấn Độ, cùng chiến dịch tiêm chủng Covid-19 ngày càng nhanh chóng đã giúp mức độ miễn dịch trong cộng đồng được nâng lên rất cao.
Tháng trước, Mumbai, một trong những thành phố bị virus tấn công nặng nề nhất tại Ấn Độ, lần đầu tiên không ghi nhận ca tử vong vì Covid-19 mới nào từ khi đại dịch bùng phát. Thủ đô New Delhi cũng chứng kiến nhiều ngày không ghi nhận trường hợp tử vong nào vài tháng qua.
"Chúng tôi ghi nhận 90% số người đã tiêm chủng và 79% số người chưa tiêm chủng có kháng thể", tiến sĩ Daksha Shah, phó giám đốc y tế Công ty Đô thị Brihanmumbai (BMC) tại Mumbai, cho biết, nói thêm rằng tổng cộng 86% cư dân trong thành phố có kháng thể chống Covid-19 tính đến tháng 9.
"Toàn bộ nền kinh tế đã mở cửa, từ tàu hỏa đến xe buýt và rạp hát. Hầu hết hạn chế được nới lỏng. Tuy nhiên, số ca nhiễm mới không tăng, đương nhiên một phần nhờ hiệu quả của vaccine", Shah cho hay.
Chính phủ Ấn Độ hôm 21/10 ăn mừng cột mốc tiêm một tỷ liều vaccine Covid-19, với bài phát biểu trước toàn quốc của Thủ tướng Narendra Modi. Tháng này, họ cũng ca ngợi thành tựu tiêm chủng cho gần 81% dân số trưởng thành ít nhất một liều vaccine.
Bất chấp những lo ngại về tình trạng hàng triệu người không chịu tiêm mũi thứ hai đúng hạn và mới 40% dân số được tiêm chủng đầy đủ, nhiều chuyên gia vẫn tỏ ra lạc quan.
"Số ca nhiễm đang giảm, các giường bệnh lại trống. Sau lễ hội Durga Puja hồi tháng 10, số ca nhiễm có tăng, nhưng không dữ dội như làn sóng thứ hai. Trạng thái miễn dịch này có thể đạt được nhờ chiến dịch tiêm chủng, sau khi hàng nghìn sinh mạng đã mất đi", tiến sĩ Arjun Dasgupta, chủ tịch Diễn đàn Bác sĩ Tây Bengal, đánh giá.
Ánh Ngọc (Theo Al Jazeera)