Có một điều đến giờ tôi vẫn không hiểu là sao nhiều người hay nói giáo viên giàu, dễ kiếm tiền? Trừ những người xuất thân trong gia đình giàu sẵn, có kinh doanh thêm, hoặc chồng hay vợ có thu nhập cao để bù qua, hoặc dạy thêm tối ngày mới giàu, chứ tôi thấy các giáo viên chân chính, có tâm quanh mình, chẳng ai giàu nổi.
Em gái mình là một ví dụ. Em dạy tiểu học nhưng ngày nào cũng phải có mặt ở trường từ 7h, làm liên tục đến 17h mới bắt đầu ra về. Về tới nhà, em còn phải soạn đề thi, giáo án... Nếu ai có gia đình thì chỉ có thể làm những việc đó sau khi con cái đã ngủ, tức là giữa đêm.
Đúng là giáo viên được nghỉ dạy thứ bảy, chủ nhật, nhưng ít ai biết rằng họ có thể phải lên trường bất cứ lúc nào. Ngay cả hè cũng vậy, mang tiếng được nghỉ hè ba tháng như học sinh nhưng giáo viên còn phải đi học đủ thứ, đi dạy hè, hoặc bị nhà trường gọi lên bất ngờ, không được vắng mặt.
>> Hơn 20 năm lương thấp khiến tôi hối hận vì không học Sư phạm
Đặc biệt là với giáo viên dạy tiểu học, khối lượng công việc còn lớn hơn nhiều, nên ai mới ra trường đi làm nghề giáo đều stress nặng. Lứa tuổi này, học sinh lớn cũng chưa lớn, mà nhỏ cũng chẳng nhỏ, các thầy cô vừa phải dạy học, vừa như người trông trẻ. Mà lớp nào cũng 40-50 em, có thêm vài học sinh cá biệt nữa, nên giáo viên rất mệt mỏi.
Trong khi đó, lương giáo viên mới ra trường chỉ là 5,4 triệu đồng một tháng (bậc 1). Đó là chưa kể họ còn phải đóng tiền đoàn phí, ủng hộ một hai ngày lương cho quỹ xã hội là chuyện bình thường. Rồi thử xem từ bậc 1 lên bậc 9 (mức lương 11,6 triệu đồng) một giáo viên sẽ phải mất bao lâu? Còn thăng hạng từ I lên II, lên III càng khó hơn nữa.
Vợ tôi lúc mới ra trường, đi dạy cũng chỉ nhận lương 3,5 triệu đồng, giờ làm được 5 năm cũng mới lên được 7,8 triệu đồng. Cũng may tôi làm IT nên gia đình không đến nỗi túng thiếu. Một lần đi dọc khu công nghiệp, tôi thấy người ta đăng tuyển công nhân giày da, lương 10-15 triệu đồng một tháng, hay bảo vệ hợp đồng lương 9 triệu đồng, tài xế xe buýt thậm chí 17 triệu đồng... Ngẫm mà buồn cho nghề giáo.
Có người nói "giáo viên không dễ thất nghiệp". Nhưng trường công mỗi năm chỉ nhận vài giáo viên mới, thi tuyển công chức vào trường công tỷ lệ chọi cũng cao vời vợi. Lại có người bảo "giáo viên không vướng KPI". Nhưng giáo viên cứ thử để kết quả học tập của học sinh mình xuống dưới mức quy định (cao chót vót) của nhà trường xem có giữ được việc không? Chưa kể công việc về nhà của nhà giáo còn gồm rất nhiều thứ không tên như soạn giáo án, đánh giá học sinh, trả lời phụ huynh, giấy tờ, sổ sách...
Tóm lại, tôi cho rằng chúng ta nên tìm cách tăng bậc lương trong bảng lương của giáo viên, chứ không mặc định tăng đều cho tất cả giáo viên. Nghĩa là các giáo viên có năng lực, tâm quyết và đạo đức xứng đáng có một mức lương cao. Còn giáo viên nào bị kỷ luật, không có tâm hay vi phạm đạo đức, ngoài việc bị kiểm điểm sẽ còn bị hạ mức lương xuống thấp, thậm chí đuổi khỏi ngành. Nói chung là lương giáo viên phải gắn liền với trách nhiệm và năng lực của mỗi người thay vì cào bằng ở mức thấp.
Phát biểu xây dựng dự thảo Luật Nhà giáo tại Quốc hội, sáng 6/5, đại biểu Bế Trung Anh (đoàn Trà Vinh) trăn trở khi nhiều ngành nghề khác đã vượt lên, để lại các thầy cô giáo "ngơ ngác với đồng lương ổn định nhưng không đủ sống". Nhiều đại biểu khác đề xuất chỉnh sửa quy định theo hướng không áp đặt mức lương cao nhất một cách cứng nhắc mà nên xây dựng hệ thống bảng lương riêng cho nhà giáo.
Đồng thời, nhiều ý kiến đề nghị bổ sung nguyên tắc: lương khởi điểm của giáo viên phải tối thiểu cao hơn từ một đến hai bậc so với công chức hành chính có cùng trình độ đào tạo.
- Tiếng oan giáo viên 'việc nhẹ, lương cao'
- Tôi chạnh lòng vì làm giáo viên 21 năm lương không bằng công nhân trẻ
- Tôi dạy học 20 năm lương 14 triệu đồng
- Giáo viên 'chạy sô'
- Lương giáo viên dưới 10 triệu đồng
- Giáo viên thâm niên 17 năm nhưng lương 4,2 triệu đồng