"Nhà tôi có hai cô con gái (10 tuổi và 6 tuổi). Họ hàng, bạn bè cứ động viên vợ chồng tôi 'đẻ nữa đi'. Nhưng sau dịch, kinh tế suy giảm trông thấy, bố mẹ già lại không có lương hưu gì. Thành ra hai vợ chồng tôi làm kinh tế, nuôi sáu miệng ăn. Giờ nếu cố đẻ thêm, tôi sợ mình không gồng gánh nổi.
Dù chúng tôi đã có xe cộ đầy đủ, chỉ thiếu mỗi việc xây nhà, cũng có chút vốn tích lũy nhưng là để phòng thân, nhất là khi bố mẹ già yếu phụ thuộc hoàn toàn vào mình. Vẫn biết đông con là vui, nhưng áp lực kinh tế đè nặng quá khiến chúng tôi không dám nghĩ đến chuyện đẻ thêm. Đẻ con ra để con phải chịu thiệt thòi thì còn khổ hơn".
Đó là chia sẻ của độc giả Duc minh sau khi Bộ Y tế đề xuất bỏ quy định cặp vợ chồng chỉ 'sinh một hoặc hai con', trao quyền tự quyết thời gian, khoảng cách sinh và số con cho các cặp vợ chồng, đảm bảo phù hợp điều kiện sức khỏe, thu nhập. Đây được xem là giải pháp giúp tránh được tình trạng mức sinh xuống quá thấp gây già hóa dân số, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Lý giải về nguyên nhân khiến tình trạng ngại đẻ ngày một gia tăng, bạn đọc Hieudovandkh cho rằng vấn đề không nằm ở Pháp lệnh Dân số: "Bản thân hiện tại thì việc quyết định sinh bao nhiêu con, thời gian nào hoàn toàn do các cặp vợ chồng tự quyết chứ đâu có ai can thiệp. Nhưng thử hỏi có bao nhiêu cặp vợ chồng sẽ sinh thêm? Nếu muốn tỷ lệ sinh tăng lên, chúng ta cần biện pháp mạnh hơn như hỗ trợ kinh tế, ưu tiên định cư, giảm trừ mạnh tay cho người phụ thuộc khi tính thuế thu nhập cá nhân...
Ở thành thị, tỷ lệ sinh thấp vì dân trí cao và cuộc sống hiện đại, khiến việc nuôi một đứa trẻ cũng tốn kém hơn nhiều. Chưa kể giá nhà cao khiến các cặp vợ chồng làm căng sức cũng chưa mua được chỗ ở (thường là vấn đề cặp vợ chồng coi trọng nhất). Vậy nên, sinh thêm một đứa trẻ là chuyện rất khó khăn.
Thành thị là nơi có tỷ lệ sinh thấp nhất trong khi đó dân số ở đây lại chiếm tỷ lệ không nhỏ, chỉ riêng TP HCM đã chiếm 10% dân số cả nước rồi. Thế nên, việc quan trọng nhất là phải cải thiện tỷ lệ sinh tại các thành thị thông qua việc chính sách hỗ trợ kinh tế, tăng khả năng tiếp cận nhà ở".
>> Nỗi vất vả gồng gánh cha mẹ già vì tôi là con một
Bạn đọc Còn Thở gợi ý: "Chi phí học tập giảm đi thì người dân mới dám sinh thêm con. Cấp THCS, học phí công lập chỉ có 300.000 đồng một tháng, nhưng thực tế lại đẻ ra hàng đống phí từ học tăng cường, không học không được vì học phụ nhưng lại là học chính.
Ví dụ như môn Toán sáng dạy đại số, chiều dạy hình học, như vậy không đăng ký thì con bị thiếu bài, mà học cả sáng lẫn chiều dĩ nhiên phải đăng ký bán trú. Rồi còn Tiếng Anh liên kết, dạy chất lượng kém nhưng buộc phải đăng ký cho con học vì ngay lúc tuyển sinh đã được bảo rằng 'đây là chính sách chung của trường'.
Kết quả là con tôi học cả sáng lẫn chiều, mà mới chỉ là học cơ bản. Để đi thi đạt 8 điểm trở lên thì lại phải đi học thêm buổi tối hoặc ngày nghỉ cuối tuần. Rõ ràng, quá tốn kém cho cha mẹ, quá mệt mỏi cho con cái. Thế nên, đẻ nhiều con trở thành gánh nặng cho đa số người dân lao động thu nhập từ 15 triệu đồng một tháng trở xuống".
- Đánh đổi 5 năm sự nghiệp để sinh con
- Nỗi sợ không nuôi được con khiến nhiều người ngại đẻ
- Nỗi oan 'phụ nữ trẻ ngại sinh con vì sợ trách nhiệm'
- Phụ nữ trẻ hết động lực đẻ
- Nuôi con vất vả trong thời buổi 'lười đẻ'
- Không muốn sinh con thứ hai vì áp lực nợ nần, mẹ chồng khó tính