Mới cuối tuần trước, tôi lại nhận được tin nhắn hỏi mượn mấy triệu đồng của một em đồng nghiệp để đặt vé máy bay về Tết. Ra trường và đi làm vài năm rồi nhưng hầu như em ấy không tích luỹ được gì, thường xuyên rơi vào cảnh còn cả tuần nữa mới hết tháng nhưng đã tiêu hết tiền lương.
Khi được công ty ký hợp đồng chính thức, em đồng nghiệp này hý hửng khoe với tôi như vậy là sẽ được đăng ký mở thẻ tín dụng với ngân hàng. Với mức lương và tính luôn trợ cấp rơi vào khoảng 11 triệu đồng mỗi tháng, ngân hàng cung cấp cho em ấy tài khoản tín dụng với hạn mức 30 triệu đồng.
>> Tuổi 32 chưa có nhà vì lúc trẻ xài hoang
Từ đó, mức độ tiêu tiền thông qua hình thức trả góp qua thẻ tín dụng tiêu trước trả sau được em ấy áp dụng triệt để.
Đầu tiên là mua laptop giá 30 triệu đồng tức là trả full hạn mức, trả góp trong 12 tháng, tức mỗi tháng góp 2,5 triệu đồng. Khi được nửa năm, tức là đã trả được 15 triệu đồng, hạn mức tín dụng tăng lên 15 triệu đồng, em ấy lại bù thêm 10 triệu đồng tiền mặt để góp con điện thoại giá 26 triệu đồng.
Như vậy, tính tới đây em ấy còn phải góp 2,5 triệu đồng trong sáu tháng còn lại, 1,25 triệu đồng cho 12 tháng tiếp theo, tức là mỗi tháng phải trả 3,75 triệu đồng tiền góp thẻ tín dụng.
Vài tháng sau, khi khoản góp đầu tiên còn chưa trả xong thì em lại góp thêm một món hàng công nghệ khác, mỗi tháng phải trả thêm một triệu đồng. Như vậy, tổng cộng hàng tháng, riêng tiền trả cho thẻ đã ở mức gần 5 triệu đồng. Đó là tôi tính theo giá trị món hàng, chưa kể tính luôn phí chuyển đổi trả góp thì sẽ tốn thêm vài trăm nghìn đến cả triệu đồng so với mua thẳng.
Vậy là chỉ còn vài triệu đồng ít ỏi để trả tiền nhà trọ, ăn uống và sinh hoạt lặt vặt khác nên sao không rơi vào cảnh túng tiền cho được?
Khi hỏi mượn tiền mua vé máy bay về quê, tôi hỏi đã trả nợ hết chưa mà về quê? Em ấy nói rằng trông chờ vào lương tháng 13 và thưởng Tết để mang tiền về cho mẹ. Tôi nói nếu công ty cắt giảm nhân sự đột ngột như mấy ngày qua báo đài đăng tin thì sao? Em ngồi im không trả lời.
>> Không dùng nhà, ôtô làm thước đo thành công tuổi 30
Vừa thương, vừa bực vì thanh niên đi làm cả năm trời không dành dụm tiết kiệm hay ít ra đầu tư cho bản thân, đằng này lại chạy theo vật chất, không biết tính toán nên luôn rơi vào cảnh hụt tiền, phải vay mượn tứ tung. Lại lâm vào cảnh rất bị động khi thất nghiệp.
Nhiều người sẽ nói với tôi là đừng dạy người khác cách tiêu tiền. Trong khi chúng ta thấy những tệ nạn xã hội, trộm cắp thường cũng vì nguyên nhân thiếu tiền bạc mà ra.
Lẽ ra, với mức lương ọp ẹp như trên, cách tốt nhất là hạn chế nhu cầu bản thân lại, nếu muốn thoả mãn thì cứ kiếm thêm việc mà làm để tăng thu nhập. Đằng này lại sử dụng đòn bẩy tài chính quá triệt để, cụ thể là cái thẻ tín dụng ngân hàng để thoả mãn nhu cầu trước mắt mà làm khổ bản thân lâu dài.
Trương Phúc
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.