Luật Quan hệ Đối ngoại được quốc hội Trung Quốc thông qua ngày 28/6 và có hiệu lực từ 1/7, nhấn mạnh quyền "thực hiện các biện pháp đối phó và hạn chế" chống lại những hành vi vi phạm luật pháp và chuẩn mực quốc tế "gây nguy hiểm cho chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của Trung Quốc".
Đây là đạo luật đầu tiên của Trung Quốc liên quan đến lĩnh vực đối ngoại, được ban hành sau khi đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) trong đại hội hồi tháng 10/2022 kêu gọi đẩy mạnh luật pháp trong các lĩnh vực quan trọng, mới nổi và liên quan tới nước ngoài, cũng như thúc đẩy quyền trong vấn đề đối nội và đối ngoại.
Luật quy định Trung Quốc sẽ "tăng cường thi hành và xây dựng luật pháp trong các lĩnh vực liên quan đến nước ngoài". Giới quan sát cho rằng điều này là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc sẽ thay đổi Luật Đầu tư nước ngoài theo hướng thắt chặt các quy định với doanh nghiệp nước ngoài mà không nói rõ những thay đổi đó là gì.
"Trong những năm gần đây, những thay đổi của môi trường bên ngoài đã mang đến thách thức và xung đột mới đối với Trung Quốc, đồng thời những lỗ hổng trong luật liên quan tới đối ngoại đang dần bộc lộ", Huo Zhengzin, giáo sư luật tại Đại học Khoa học chính trị và Luật Trung Quốc, nói.
Ông Huo cho rằng một số cường quốc phương Tây thường xuyên can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc bằng luật pháp và áp đặt trừng phạt đơn phương. Trong khi đó, Bắc Kinh chưa thiết lập hệ thống ứng phó toàn tiện và cơ chế ngăn chặn hiệu quả, "lá chắn" luật pháp trong lĩnh vực đối ngoại chưa được thiết lập đầy đủ.
Giáo sư này nhận định Trung Quốc còn thiếu các điều luật liên quan tới bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của đất nước, nên "mũi giáo" pháp quyền trong vấn đề đối ngoại cần được tăng cường.
Trong bối cảnh Trung Quốc phải đối mặt với những thách thức ngày càng tăng như các biện pháp hạn chế xuất khẩu và lệnh trừng phạt từ Mỹ cùng các đồng minh phương Tây, luật đối ngoại mới được coi là cần thiết và tiến bộ lớn trong khuôn khổ pháp lý để kiểm soát các mối quan hệ nước ngoài, theo giới chuyên gia.
Mỹ gần đây liệt nhiều công ty Trung Quốc vào danh sách trừng phạt với cáo buộc tham gia chương trình do thám và hỗ trợ Nga trong xung đột Ukraine. Washington đã thúc đẩy đồng minh hạn chế xuất khẩu chất bán dẫn sang Trung Quốc, kêu gọi các nước châu Âu chống lại hành vi "gây sức ép kinh tế" của Bắc Kinh.
Giới chức Trung Quốc coi đây là đòn tấn công trực tiếp của phương Tây nhắm vào nước này. Khi gặp Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hồi đầu tháng, Chủ tịch Tập Cận Bình nói rằng Washington "không được làm tổn hại đến quyền và lợi ích hợp pháp" của Trung Quốc hay tước "quyền phát triển hợp pháp" của nước này.
Bắc Kinh từ lâu chỉ trích việc Washington sử dụng biện pháp trừng phạt kinh tế như công cụ trong chính sách đối ngoại. Năm 2021, Trung Quốc ban hành luật chống các biện pháp trừng phạt nước ngoài áp đặt lên lợi ích của Bắc Kinh.
Bắc Kinh cũng đáp trả bằng các biện pháp trừng phạt của họ. Hồi tháng 2, Trung Quốc trừng phạt hai công ty quốc phòng Lockheed Martin và Raytheon của Mỹ liên quan tới bán vũ khí cho Đài Loan, hòn đảo mà Trung Quốc xem là vùng lãnh thổ chờ thống nhất. Luật đối ngoại mới được xem là nhằm cung cấp thêm vũ khí pháp lý cho Trung Quốc để đáp trả phương Tây.
Luật đối ngoại không nói rõ Trung Quốc sẽ thực hiện các biện pháp đáp trả và hạn chế đối với những hành vi "vi phạm luật quốc tế, đe dọa chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của Trung Quốc" thế nào, nhưng giới quan sát cho rằng Luật Đầu tư Nước ngoài năm 2019 có thể cung cấp một số manh mối.
Luật này cho hay Trung Quốc thiết lập nguyên tắc không tịch thu các khoản đầu tư nước ngoài, nhưng có thể làm vậy trong trường hợp vì lợi ích chung. Khi đó, nước này sẽ "bồi thường công bằng và hợp lý" cho các nhà đầu tư nước ngoài, nhưng không có quy định cụ thể.
"Đây là luật về đối ngoại toàn diện đầu tiên, nhưng nó giống như tuyên bố chính sách đối ngoại của ông Tập Cận Bình", Suisheng Zhao, giám đốc Trung tâm Hợp tác Trung - Mỹ tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Josef Korbel thuộc Đại học Denver ở Mỹ, nói. "Để chống lại sự kiềm chế của phương Tây, ông Tập đã cố gắng huy động mọi thứ sẵn có, trong đó có công cụ pháp lý".
Luật mới cũng ghi nhận nỗ lực thúc đẩy đưa sáng kiến chính sách đối ngoại đặc trưng của ông Tập về an ninh toàn cầu, phát triển và "văn minh" vào luật, đồng thời tái khẳng định sự phản đối của Trung Quốc với "chính trị cường quyền".
Nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc Vương Nghị cho hay luật mới "thể hiện rõ ràng sự phản đối của chúng tôi đối với tình trạng bá quyền và các hành vi bắt nạt". Ông thêm rằng luật sẽ "cung cấp cho Trung Quốc cơ sở pháp lý để thực hiện quyền hợp pháp chống lại các biện pháp trừng phạt và can thiệp từ nước ngoài".
"Đối mặt với những thách thức nghiêm trọng, chúng tôi phải duy trì năng lực chiến lược và khéo léo sử dụng vũ khí pháp quyền để tăng cường và cải thiện công cụ pháp lý trong đấu tranh với các cường quốc khác", ông Vương cho hay.
Giới chuyên gia Trung Quốc cho rằng nước này có quyền thực hiện các biện pháp đối phó cần thiết theo quy định của pháp luật để chống lại hành động đi ngược lại lợi ích của nhà nước, tổ chức và người dân.
"Xây dựng luật đối ngoại là biện pháp quan trọng để đẩy nhanh thiết lập khung pháp lý liên quan tới vấn đề nước ngoài và khắc phục những lỗ hổng trong lĩnh vực này. Điều này cũng đánh dấu sự cải thiện năng lực của Trung Quốc trong đấu tranh quốc tế và bảo vệ lợi ích của đất nước, nhân dân", ông Huo nói.
Trong bối cảnh lo ngại về căng thẳng với Mỹ và vấn đề kinh tế trong nước, Trung Quốc đã tăng cường hàn gắn rạn nứt với châu Âu, nhưng "không muốn đưa ra bất kỳ nhượng bộ nào" trong quá trình chờ đợi, theo ông Zhao.
"Đó là lý do Trung Quốc phải tiến lên ở mọi mặt trận, trong đó có công cụ pháp lý, để chứng minh lập trường và quyết tâm bảo vệ lợi ích quốc gia trước sức ép phương Tây", chuyên gia này nói.
Thanh Tâm (Theo CNN, Global Times, Bloomberg)