Nguồn tin giấu tên từ Bắc Kinh hôm qua tiết lộ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, tức quốc hội Trung Quốc, sẽ thông qua luật an ninh cho Hong Kong trong phiên họp thường niên đang diễn ra. Luật này sẽ nhắm vào các hoạt động ly khai, lật đổ, hành vi can thiệp của nước ngoài trong các vấn đề Hong Kong, cũng như hoạt động khủng bố ở thành phố này.
Trả lời phóng viên trong lúc rời Nhà Trắng để tới Michigan hôm 21/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông "không biết đó là gì" khi đề cập tới luật an ninh Trung Quốc có thể sắp ban hành, nói thêm rằng "nếu điều đó xảy ra, chúng tôi sẽ phản ứng vô cùng cứng rắn". Tuy nhiên, chưa rõ ông chủ Nhà Trắng sẽ hành động cụ thể như thế nào.
Khi các cuộc biểu tình diễn ra tại Hong Kong mùa hè năm ngoái, Trump, người tỏ ra không quá quan tâm đến các vấn đề dân chủ và nhân quyền, hầu như im lặng, bất chấp sức ép từ lưỡng đảng trong việc thể hiện sự ủng hộ nhiều hơn đối với người biểu tình.
Gần đây, ngay cả khi công kích chính quyền Trung Quốc vì cách xử lý Covid-19, vấn đề khiến quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh căng thẳng nhất trong nhiều thập kỷ, Trump vẫn thận trọng không có những lời lẽ xúc phạm tới Chủ tịch Tập Cận Bình. Thêm vào đó, ông được cho là muốn nhanh chóng tiến hành thỏa thuận thương mại mà hai bên ký hồi tháng một, nhằm gia tăng triển vọng tái đắc cử.
Trong bối cảnh đó, đề xuất về luật an ninh mới cho Hong Kong như "đổ thêm dầu vào lửa" căng thẳng giữa hai nước, đặt ra thử thách lớn cho quan hệ giữa hai lãnh đạo, khi thông tin này khiến quốc hội Mỹ tức giận. Thượng nghị sĩ Dân chủ Chris Van Hollen và thượng nghị sĩ Cộng hòa Pat Toomey cho biết họ sẽ đề xuất một dự luật lưỡng đảng nhằm trừng phạt các quan chức, thực thể Trung Quốc thực thi luật an ninh ở Hong Kong.
Biện pháp này còn bao gồm áp lệnh trừng phạt với những ngân hàng hợp tác với các cá nhân và thực thể trên, bởi hành vi của họ bị coi là vi phạm Luật Cơ bản của Hong Kong, một văn bản pháp lý nhằm đảm bảo quyền tự chủ đáng kể cho đặc khu tới năm 2047.
Việc phản đối nỗ lực kiểm soát Hong Kong của Bắc Kinh là một trong những vấn đề hiếm hoi mà cả phe Dân chủ và Cộng hòa đều nhất trí. "Nước Mỹ không thể để chuyện này tồn tại", thượng nghị sĩ Cộng hòa Josh Hawley, đồng minh trung thành của Trump, viết trên Twitter, nói thêm rằng ông sẽ trình một nghị quyết tại Thượng viện nhằm "lên án nỗ lực đàn áp" và kêu gọi "tất cả quốc gia tự do ủng hộ Hong Kong".
"Việc đề xuất luật an ninh là dấu hiệu cho thấy sự yếu đuối của Bắc Kinh, không phải sức mạnh. Trạng thái đặc biệt của Hong Kong mang lại lợi ích cho Trung Quốc và thế giới. Tôi không hiểu tại sao Bắc Kinh tiếp tục đe dọa trạng thái đó bằng những đề xuất như vậy", nghị sĩ Dân chủ Eliot Engel cho hay.
Ngoài áp lực từ phía quốc hội Mỹ, chiến dịch tái tranh cử của Trump gần đây cũng ngày càng tập trung vào thông điệp chống Trung Quốc, mô tả nước này là mối đe dọa với lợi ích kinh tế và an ninh của Mỹ. Chiến lược này từng nhiều lần bị chệch hướng bởi giọng điệu ôn hòa của Trump với ông Tập.
Chính sách với Trung Quốc của Trump từ lâu cũng là vấn đề "đấu tay đôi" giữa các cố vấn kinh tế, những người ủng hộ mối quan hệ hòa giải hơn với Bắc Kinh, và các nhà hoạch định chính sách do Ngoại trưởng Mike Pompeo cùng đội ngũ cố vấn an ninh dẫn đầu. Họ coi Trung Quốc là đối thủ chiến lược cần phải được kiểm soát.
Tại thời điểm cao trào của các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung hồi năm 2018 và 2019, quan điểm tập trung vào kinh tế dường như chiếm ưu thế và dẫn đến một loạt lời ca ngợi của Trump với ông Tập. Tổng thống Mỹ từng gọi Chủ tịch Trung Quốc là "lãnh đạo tài ba" và "người đàn ông vĩ đại".
Tuy nhiên, Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế Mỹ, khiến Trump tức giận với Trung Quốc, cho rằng chiến dịch tái tranh cử của ông sẽ gặp nhiều bất lợi, theo bình luận viên Michael Crowley và Edward Wong của NYTimes. Vài tuần gần đây, chính quyền Trump thúc đẩy giả thuyết nCoV rò rỉ từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán mà không đưa ra bằng chứng nào.
Hôm 20/5, Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ công bố một tài liệu chiến lược của Nhà Trắng, nêu chi tiết cách tiếp cận "cạnh tranh" của Washington, một phần nhằm "buộc Trung Quốc chấm dứt hoặc giảm bớt những hành động gây tổn hại đến lợi ích quốc gia, cũng như các đồng minh và đối tác của Mỹ".
Cùng ngày, chính quyền Trump khiến Bắc Kinh tức giận khi phê chuẩn hợp đồng bán 18 ngư lôi hạng nặng cho Đài Loan trị giá 180 triệu USD, trong bối cảnh căng thẳng giữa hai bờ eo biển leo thang. Trung Quốc coi Đài Loan là một phần lãnh thổ chờ thống nhất và phản đối mọi động thái hỗ trợ hòn đảo của Mỹ.
Hồi tháng 11/2019, sau những cuộc biểu tình kéo dài tại Hong Kong, Trump đã ký thông qua đạo luật "Dân chủ và Nhân quyền Hong Kong" ngay trước Lễ Tạ ơn, dường như muốn đảm bảo sự việc ít được chú ý nhất có thể. "Tôi ký dự luật này vì sự tôn trọng đối với Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc và người dân Hong Kong", ông cho hay.
Tuy nhiên, các đồng minh bảo thủ của Trump lần này được cho là kiên quyết hơn bao giờ hết trong mục tiêu thúc đẩy Tổng thống Mỹ cứng rắn với Trung Quốc. Giới chuyên gia cho rằng dù thế nào đi nữa, việc Bắc Kinh ban hành luật an ninh với Hong Kong chắc chắn khiến quan hệ với Washington xấu hơn, trong bối cảnh nhiều người tin rằng quan hệ hai bên vốn đã rơi vào trạng thái Chiến tranh Lạnh mới.
"Động thái của Bắc Kinh sẽ đẩy quan hệ Mỹ - Trung vào khủng hoảng, thúc đẩy hơn nữa giọng điệu dân tộc chủ nghĩa ở cả hai phía", Evan Medeiros, cựu quan chức Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, đánh giá, dự đoán thêm rằng hai nước có nguy cơ áp các biện pháp trừng phạt lẫn nhau.
"Bắc Kinh dường như tính toán rằng họ sẽ không thiệt hại gì về kinh tế khi ra luật an ninh với Hong Kong. Thật không may, chính quyền Trump giờ đây ít có tầm ảnh hưởng hơn với chính quyền của ông Tập. Quan hệ Mỹ - Trung về cơ bản đang trong trạng thái rơi tự do", Elizabeth Economy, giám đốc nghiên cứu châu Á tại nhóm cố vấn Hội đồng Quan hệ Đối ngoại của Mỹ, nhận định.
Ánh Ngọc (Theo NY Times)