Hong Kong đêm 30/6 công bố luật an ninh, sau khi được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ký thành luật và chính quyền thành phố thông qua. Luật này hình sự hóa 4 loại tội phạm an ninh quốc gia gồm ly khai, lật đổ, khủng bố và thông đồng với nước ngoài hoặc các phần tử bên ngoài để gây nguy hiểm cho an ninh. Hình phạt cao nhất cho mỗi loại tội phạm là tù chung thân, trong khi mức án được đề nghị cho một số loại tội nhẹ là dưới ba năm tù.
Một số người cho rằng luật này giáng đòn chí mạng vào mô hình "một quốc gia, hai chế độ" vốn duy trì vị thế, sự tự do và luật pháp đặc biệt của Hong Kong sau khi Anh trao trả đặc khu cho Trung Quốc năm 1997.
"Người dân Hong Kong hiểu rằng điều này đặt dấu chấm hết cho mô hình 'một quốc gia, hai chế độ', giờ đây chúng ta cũng giống như một thành phố ở đại lục như Thâm Quyến hay Thượng Hải", Joseph Cheng, nhà khoa học chính trị tại Đại học Thành phố Hong Kong, nói. "Chúng ta sẽ phải cư xử như người dân ở đại lục".
Luật mới đề ra kế hoạch xây dựng một tổ hợp cơ quan và văn phòng tại Hong Kong để thực thi luật, bao gồm "cánh tay kéo dài" của bộ máy an ninh quốc gia Trung Quốc, có quyền thu thập thông tin tình báo ở Hong Kong và tiếp quản các trường hợp mà chính quyền trung ương cho rằng lực lượng địa phương không xử lý hiệu quả.
"Đây là thay đổi lớn nhất kể từ khi Hong Kong về với Trung Quốc", Danny Gittings, chuyên gia về tình trạng pháp lý của Hong Kong, nói. "Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là những thay đổi sẽ rõ ràng ngay lập tức".
Nhiều công ty ở Hong Kong vẫn tự tin rằng lĩnh vực thương mại và các hợp đồng sẽ không chịu sự điều chỉnh của luật. Theo các quan chức Hong Kong, chỉ một số ít người sẽ bị nhắm mục tiêu và đặc khu nhiều khả năng vẫn cho phép công chúng phê bình chính quyền trung ương đến một giới hạn nào đó.
Trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam hôm qua khẳng định với Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc rằng luật an ninh mới không làm suy yếu thế độc lập tư pháp của thành phố. "Nó sẽ không ảnh hưởng đến quyền và tự do chính đáng của cá nhân", bà cho biết.
Tuy nhiên, luật này có thể có tác động nhanh hơn và mạnh hơn một số người nghĩ, như trong ngành giáo dục, lĩnh vực mà Bắc Kinh đã cảnh báo cần chống lại ảnh hưởng của phương Tây. Luật an ninh nêu rằng trường học là một trong những mục tiêu sẽ bị kiểm soát chặt chẽ hơn.
Các chính trị gia Hong Kong trung thành với Bắc Kinh và các cố vấn chính sách của Trung Quốc kêu gọi các quy tắc được thi hành nhanh chóng và mạnh mẽ, dập tắt nguy cơ lặp lại các cuộc biểu tình như năm ngoái.
Đảng Demosisto của thủ lĩnh "ô dù" Joshua Wong hôm qua thông báo giải tán ngay sau khi Trung Quốc thông qua luật an ninh Hong Kong. Trước đó, Wong tuyên bố từ chức lãnh đạo đảng. Anh này từng bày tỏ lo ngại sẽ bị "nhắm mục tiêu" khi luật an ninh Hong Kong có hiệu lực. Hai nhóm hoạt động khác, gồm Mặt trận Hong Kong và Chủ nghĩa Sinh viên cũng chấm dứt hoạt động tại thành phố.
Luật an ninh đi vào hiệu lực một giờ trước lễ kỷ niệm 23 năm ngày Anh bàn giao Hong Kong cho Trung Quốc. Thông thường, lễ kỷ niệm ngày 1/7 thường là dịp diễn ra những cuộc biểu tình lớn trên đường phố ở Hong Kong. Tuy nhiên, năm nay cảnh sát đã không cấp phép cho một cuộc biểu tình lớn với lý do lo ngại về bạo lực và nguy cơ lây lan Covid-19.
Luật an ninh có thể khiến những cuộc biểu tình như vậy lui vào dĩ vãng, Suzanne Pepper, nhà phân tích chính trị độc lập sống lâu năm ở Hong Kong, nói. "Những cuộc tranh luận chính trị cởi mở và những quan điểm bất đồng chính kiến mà Hong Kong được duy trì 20 năm qua sẽ biến thành tự kiểm duyệt", bà nói.
Căng thẳng ngày càng tăng giữa Trung Quốc và Mỹ đã làm sâu sắc thêm lo lắng về ảnh hưởng của phương Tây tại Hong Kong. Các chính trị gia ủng hộ Bắc Kinh ở Hong Kong và truyền thông nhà nước Trung Quốc mô tả các cuộc biểu tình ở thành phố là do tình báo phương Tây giật dây để cố gắng lật đổ đảng Cộng sản Trung Quốc.
"Bắc Kinh đặc biệt lo ngại Hong Kong bị Mỹ và một số đồng minh phương Tây sử dụng như một con tốt để kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc", Lau Siu-kai, cựu quan chức cao cấp của chính quyền Hong Kong, hiện là cố vấn cho Bắc Kinh, nói.
Mỹ không chờ cho đến khi luật an ninh có hiệu lực thì mới hành động. Hôm 29/6, họ đã bắt đầu loại bỏ trạng thái đặc biệt của Hong Kong, gồm dừng xuất khẩu vũ khí và đình chỉ quy định ưu đãi thương mại cho đặc khu này.
Tòa án Hong Kong sẽ được giới quan sát chú ý để đánh giá tác động của luật lớn đến đâu. Tòa án Hong Kong có truyền thống đưa ra các quyết định độc lập nhưng luật an ninh có các điều khoản được thiết kế để ngăn tòa án và nhà lập pháp địa phương kiềm chế quyền lực của nó.
Luật này quy định rằng Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc có tiếng nói cuối cùng về cách diễn giải các quy định. Bất cứ khi nào luật an ninh mâu thuẫn với quy định của Hong Kong, các quy tắc địa phương sẽ trở thành thứ yếu.
"Bắc Kinh sẽ có thể gây ảnh hưởng ở mọi giai đoạn củng cố an ninh quốc gia, cả trực tiếp và gián tiếp thông qua những nhân sự được giao nhiệm vụ", Cora Chan, chuyên gia từ Đại học Hong Kong, nói.
Tuy nhiên, ít khả năng sẽ diễn ra một loạt vụ truy tố theo luật mới. Ở Trung Quốc đại lục, cảnh sát và công tố viên hiếm khi buộc tội các cá nhân phạm tội an ninh nhà nước. Thay vào đó, một số người bị truy tố với những tội danh nhẹ hơn như lừa đảo hay kích động tình hình.
Trong 10 năm trước 2016 - năm cuối cùng có số liệu thống kê chi tiết, tòa án Trung Quốc đã giải quyết các vụ truy tố cáo buộc an ninh nhà nước với 8.640 bị cáo, theo Dui Hua Foundation, nhóm theo dõi nhân quyền ở Trung Quốc có trụ sở tại San Francisco. Đa số bị cáo là người dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Duy Ngô Nhĩ và người Tây Tạng, bị kết án xúi giục ly khai sắc tộc.
Macau, cũng là đặc khu hành chính của Trung Quốc giống Hong Kong, đã thông qua luật an ninh quốc gia có nhiều điểm tương tự từ 11 năm trước nhưng chưa truy tố bất cứ ai theo luật.
Dù vậy, luật an ninh Hong Kong có thể là công cụ răn đe. Luật mới yêu cầu chính quyền Hong Kong đảm bảo rằng truyền thông và dịch vụ Internet tuân thủ các ưu tiên an ninh quốc gia - yêu cầu có thể kiềm chế sự phát triển của các nhóm dân sự và cơ quan báo chí độc lập tại thành phố.
"Luật mới đảm bảo sự kiểm soát toàn diện của chính quyền trung ương với môi trường an ninh ở Hong Kong", Tian Feilong, phó giáo sư luật tại Đại học Bắc Hàng, Bắc Kinh, nói. "Xã hội Hong Kong sẽ phải điều chỉnh lớn về đời sống chính trị và văn hóa".
Phương Vũ (Theo NYTimes)