Truyền thông nhà nước Trung Quốc xác nhận Đạo luật Bảo vệ An ninh Quốc gia ở Đặc khu Hành chính Hong Kong đã được ông Tập ký phê chuẩn chiều nay.
Trong tuyên bố đăng lúc 18h hôm nay (17h giờ Hà Nội), Xinhua cho biết luật an ninh Hong Kong đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc thông qua tại kỳ họp lần thứ 20, nhằm cấm các hành vi đe dọa an ninh quốc gia.
Đạo luật gồm 6 chương, 66 điều, quy định về trách nhiệm của những tổ chức làm nhiệm vụ duy trì an ninh quốc gia tại Hong Kong, đồng thời xác định 4 tội danh xâm phạm an ninh quốc gia gồm ly khai, lật đổ, khủng bố và cấu kết với nước ngoài đe dọa tới an ninh quốc gia.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc cũng thông qua quyết định đưa đạo luật này vào Phụ lục III của Luật Cơ bản, đóng vai trò như tiểu hiến pháp của Hong Kong.
Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc Lật Chiến Thư mô tả luật an ninh Hong Kong "phản ánh nguyện vọng của người dân trên toàn quốc, bao gồm cả Hong Kong".
Theo nội dung đạo luật được chính quyền Hong Kong đăng công báo tối 30/6, Trung Quốc sẽ có quyền tư pháp đối với các tội an ninh quốc gia "rất nghiêm trọng", người vi phạm có thể lĩnh án chung thân.
Đạo luật quy định ba hoàn cảnh Trung Quốc sẽ tiến hành việc truy tố, đó là các vụ có sự can thiệp phức tạp từ nước ngoài, các vụ "rất nghiêm trọng" và khi an ninh quốc gia đối mặt "mối đe dọa nghiêm trọng và thực tế".
"Cả cơ quan an ninh quốc gia và Hong Kong đều có thể đề nghị chuyển vụ án cho Trung Quốc đại lục và quá trình tố tụng sẽ do Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao tiến hành. Phiên tòa sẽ được Tòa án Tối cao xét xử", đạo luật quy định.
"Khi bạo lực được sử dụng, hoặc đe dọa sử dụng bạo lực, những kẻ cầm đầu hay vi phạm nghiêm trọng sẽ bị kết án chung thân hoặc mức tối thiểu 10 năm tù", theo đạo luật. "Chính quyền Hong Kong không có quyền tư pháp với cơ quan an nihnh quốc gia ở Hong Kong và nhân viên của cơ quan này, khi họ thực thi nhiệm vụ được quy định trong đạo luật".
Luật này cũng cho biết một số vụ án an ninh quốc gia nhất định có thể được xử kín, không có thẩm phán Hong Kong tham dự, nếu liên quan đến bí mật nhà nước, dù phán quyết và cáo trạng sẽ được công khai.
Trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam cho biết luật an ninh có hiệu lực từ 23h ngày 30/6.
Trong thông điệp video gửi Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (UNHRC) trước đó, bà Lam tuyên bố luật an ninh chỉ "nhắm vào một nhóm rất nhỏ những người vi phạm pháp luật" để ngăn chặn, kiềm chế và trừng phạt các hành vi nhằm chấm dứt, lật đổ quyền lực của chính quyền, các hoạt động khủng bố... Bà Lam khẳng định luật an ninh mới không làm suy yếu quyền tự trị của thành phố.
"Đối với nhóm thiểu số gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia, luật này sẽ trở thành lưỡi kiếm treo phía trên họ. Tuy nhiên, với đại đa số cư dân Hong Kong và người nước ngoài tại đặc khu, đạo luật đóng vai trò bảo vệ các quyền tự do của họ", Văn phòng các vấn đề Hong Kong và Macao của Trung Quốc đại lục cho hay.
Tuyên bố của văn phòng này viết thêm rằng chính quyền trung ương và Hong Kong sẽ "cùng nhau" hợp tác, nhằm đảm bảo đạo luật được thực thi, giúp "mở ra một bước ngoặt để biến sự hỗn loạn thành trật tự được quản lý".
Tuy nhiên, các nhà phê bình và một số nước phương Tây lo ngại luật an ninh Hong Kong sẽ hạn chế các quyền tự do dân chủ tại đặc khu, gây tổn hại tới chính sách "một quốc gia, hai chế độ". Đức đã kêu gọi 27 thành viên EU cùng nhau lên tiếng phản đối Trung Quốc thông qua đạo luật, trong khi Nhật Bản "lấy làm tiếc" vì động thái của Bắc Kinh.
Ánh Ngọc (Theo SCMP)