Mấy hôm nay theo dõi tình hình các trường đại học tăng học phí và rất nhiều ý kiến băn khoăn của học sinh và phụ huynh, tôi có vài suy nghĩ như sau.
Tôi cho rằng xã hội hóa giáo dục là đúng đắn, không có con đường nào khác. Các trường tư thục, dân lập hoặc công lập nhưng thực hiện tự chủ, muốn phát triển thì phải có tiền, "có thực mới vực được đạo" mà.
Để mời được giáo viên giỏi phải trả công xứng đáng, để có cơ sở khang trang đáp ứng cho việc dạy và học phải có tiền. Vì vậy việc tăng học phí là điều tất yếu, đa số các nước trên thế giới đều phải vậy. Từ năm 2003, để mời được các thầy giỏi, khóa học của chúng tôi mỗi người một ngày học 6 tiết đã đóng một triệu rồi (lớp chỉ 30 người).
Hiện các trường đại học tư thục có học phí cũng rất cao nhưng học sinh ứng tuyển luôn phải cạnh tranh với nhau. Mỗi năm học sinh Việt Nam xuất ngoại để học ở các trường nước ngoài rất đông mặc dù học phí rất cao, tất cả cũng vì môi trường học tập.
Các bạn sau 18 tuổi đã bắt đầu bước vào đời. Việc chọn trường đại học, trường nghề hay đi làm bất cứ ngành nào đều mang ý nghĩa " đầu tư". Mà nguyên tắc đầu tư là có bỏ vốn mới có lời, dù vốn là trí tuệ hay vật chất.
Cho nên nếu các bạn thấy trường nào phù hợp thì cho con vào học, không phải quá lo việc bị "hố ", vì nếu trường nào chất lượng kém chắc chắn sẽ không thể tồn tại.
Nhiều bạn nói bất bình đẳng giữa học sinh giàu nghèo. Phải nói xã hội không có gì là tuyệt đối, mọi thứ chỉ là tương đối thôi. Để có tiền cho con đi học, những gia đình có điều kiện cũng phải hy sinh, phấn đấu cả quá trình dài, có khi gần hết cuộc đời mới có được điều kiện đó, chỉ trừ cá biệt một số trường hợp gặp may mà thôi. Nên tôi thấy không thể so sánh như vậy.
Để tạo điều kiện cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, theo tôi nhà trường nên tăng cường học bổng, săn các em giỏi như các trường nước ngoài. Trong quá trình học, nếu không đạt học sinh giỏi thì cắt học bổng, nếu giỏi thì tiếp tục cấp.
Về chính sách, tôi đề nghị:
Thứ nhất, cho vay mỗi tháng tối đa 5 triệu đồng một sinh viên, lãi suất 5% mỗi năm, thời gian 10 năm, ân hạn 3 năm và chỉ tính lãi gốc không gộp lãi. Như vậy sinh viên an tâm học tập không có hiện tượng bỏ học kiếm tiền, ra trường có thời gian trả nợ.
Thứ hai, có chính sách khuyến khích nhà trường liên kết với các doanh nghiệp, tạo điều kiện cho sinh viên từ năm thứ hai trở lên đi thực tập và làm việc với thời gian nhất định, được trả lương.
Điều này nhằm để sinh viên có tiền phụ sinh hoạt, quan trọng hơn là vận dụng kiến thức vào thực tế, rèn luyện kỹ năng mềm trong làm việc và tạo mối quan hệ với các doanh nghiệp sau khi tốt nghiệp dễ xin việc làm.
Thứ ba, các trường phải bảo đảm có ký túc xá đủ để sinh viên ở, nên đưa trường học ra ngoại thành. Nếu có cơ sở nội thành thì phải có xe buýt đưa đón về ký túc xá giảm bớt thời gian tiền bạc của sinh viên.
Về bản thân sinh viên phải xác định được năng khiếu, sở trường, điều kiện của mình để chọn trường phù hợp. Xác định tốt thái độ, phương hướng học tập của mình để cho kết quả học tập tốt.
Bố mẹ nghèo không phải lỗi của ta nhưng ta nghèo là lỗi của mình. Tôi nghĩ hiện tại các trường tại Việt Nam cũng rất tốt, các thầy đủ giỏi so với các trường thế giới, các bạn không nên sợ mặt bằng giáo dục nếu xác định " tiền nào của nấy" chính xác.
Nguyen Huong VT
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.