Tập đoàn năng lượng Nga Gazprom ngày 2/9 thông báo tiếp tục đóng đường ống khí đốt Nord Stream 1 sau ba ngày bảo dưỡng, do phát hiện tuabin chính tại trạm nén Portovaya gần St. Petersburg bị rò rỉ dầu. Nord Stream 1 sẽ dừng hoạt động vô thời hạn, cho đến khi vấn đề được giải quyết.
Nord Stream 1 là đường ống dẫn khí đốt lớn nhất từ Nga sang Đức qua biển Baltic, vận chuyển khoảng 55 tỷ m3 khí đốt mỗi năm. Lưu lượng khí đốt qua Nord Stream 1 đã giảm còn 40% công suất trong tháng 6 và chỉ hoạt động với 20% công suất trong tháng 7 vì lý do kỹ thuật.
Trong khi đó, Nga đã cắt cung khí đốt đến một số quốc gia châu Âu như Bulgaria, Đan Mạch, Phần Lan, Hà Lan và Ba Lan vì những nước này từ chối yêu cầu thanh toán bằng ruble từ Moskva. Những diễn biến này khiến châu Âu phải tích cực tìm kiếm nguồn cung thay thế để đảm bảo an ninh năng lượng, trong bối cảnh mùa đông ngày càng đến gần.
Trước khi chiến sự Ukraine nổ ra, Nga đáp ứng khoảng 40% nhu cầu khí đốt của châu Âu, chủ yếu thông qua các đường ống, với lưu lượng năm ngoái là khoảng 155 tỷ m3.
Nga vận chuyển một phần khí đốt qua Ukraine đến Áo, Italy, Slovakia và các quốc gia khác ở Đông Âu. Tuy nhiên, sau khi chiến sự bùng phát, Ukraine đã đóng hệ thống đường ống Sokhranovka do nó đi qua các khu vực đang bị phe ly khai hoặc lực lượng Nga kiểm soát ở miền đông nước này.
Trong số những đường ống từ Nga sang châu Âu không qua Ukraine có hệ thống Yamal đi qua Belarus và Ba Lan đến Đức, công suất 33 tỷ m3 mỗi năm, tương đương 1/6 lượng xuất khẩu khí đốt của Nga sang châu Âu.
Nga đã áp lệnh trừng phạt với đơn vị sở hữu đường ống Yamal ở Ba Lan. Bộ trưởng Khí hậu Ba Lan Anna Moskwa hồi tháng 5 tuyên bố nước này có thể xoay xở mà không cần dòng khí đốt qua Yamal. Dòng chảy trên Yamal sau đó đảo chiều, thành chuyển khí đốt từ Đức sang Ba Lan.
Lưu lượng qua Nord Stream 1 trong vài tháng qua liên tục giảm. Nga đổ lỗi cho các lệnh trừng phạt của phương Tây dẫn đến chậm trễ trao trả các thiết bị được gửi sang Canada bảo dưỡng.
Đường ống Nord Stream 2 đã hoàn thành tháng 9/2021, chạy gần như song song với Nord Stream 1, nhưng đang bị Berlin hoãn vô thời hạn cấp giấy phép hoạt động từ tháng 2, ngay sau khi Moskva công nhận độc lập cho hai vùng ly khai ở Ukraine.
Những nguồn cung thay thế của châu Âu
Một số quốc gia châu Âu đã tìm được nguồn cung thay thế Nga và có thể chia sẻ thông qua mạng lưới đường ống khu vực. Tuy nhiên, cạnh tranh nguồn cung khí đốt trên thị trường toàn cầu đang ngày càng khốc liệt.
Đức, quốc gia châu Âu phụ thuộc khí đốt Nga nhiều nhất, có thể nhập khẩu từ Anh, Đan Mạch, Na Uy và Hà Lan. Na Uy, nhà cung cấp khí đốt lớn thứ hai của châu Âu, đang tăng sản lượng để giúp Liên minh châu Âu (EU) hướng đến mục tiêu chấm dứt phụ thuộc nhiên liệu hóa thạch Nga vào năm 2027.
Công ty năng lượng Anh Centrica đã ký thỏa thuận với đối tác Equinor của Na Uy về tăng nguồn cung cho ba mùa đông tới. Anh không phụ thuộc vào khí đốt Nga, do đó có thể xuất khẩu sang châu Âu thông qua các đường ống.
Miền nam châu Âu có thể tiếp nhận khí đốt từ Azerbaijan thông qua hệ thống Đường ống xuyên Adriatic (TAP) sang Italy và Đường ống khí tự nhiên xuyên bán đảo Anatolia (TANAP) qua Thổ Nhĩ Kỳ.
Mỹ cho biết có thể cung cấp 15 tỷ m3 khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) cho EU trong năm nay. Các nhà máy LNG của Mỹ đang hoạt động hết công suất, trong khi một cảng xuất khẩu LNG lớn ở bang Texas phải tạm dừng hoạt động đến cuối tháng 11, sau khi xảy ra một vụ nổ tại đây hồi tháng 6.
Các cảng LNG của châu Âu cũng có công suất tiếp nhận hạn chế. Một số quốc gia đang tìm cách tăng cường nhập khẩu và lưu trữ LNG. Đức là một trong số những quốc gia muốn xây các cảng LNG mới, có kế hoạch xây xong hai cảng trong vòng hai năm.
Ba Lan nói có thể tiếp nhận khí đốt thông qua hai đường ống với Đức. Một đường ống mới cho phép vận chuyển 10 tỷ m3 khí đốt mỗi năm giữa Ba Lan và Na Uy sẽ hoạt động trong tháng 10. Đường ống kết nối Ba Lan và Slovakia đã đi vào hoạt động gần hai tuần trước.
Tây Ban Nha muốn hồi sinh dự án MidCat, xây đường ống khí đốt thứ ba xuyên qua dãy Pyrenees sang Pháp, nhưng Paris cho rằng xây các cảng LNG mới, có thể là cảng nổi, là lựa chọn nhanh hơn, tiết kiệm hơn.
Những lựa chọn khác của châu Âu
Một số quốc gia có thể bù đắp nguồn cung năng lượng bằng cách nhập khẩu điện từ các nước láng giềng hoặc tăng sản lượng từ điện hạt nhân, năng lượng tái tạo, thủy điện hoặc nhiệt điện.
Dù vậy, sản lượng điện hạt nhân đang giảm dần tại Bỉ, Anh, Pháp và Đức do nhà máy phải dừng hoạt động do xuống cấp hoặc đang bị loại bỏ dần. Mực nước tại các hồ thủy điện châu Âu mùa hè này cũng giảm do lượng mưa thấp và sóng nhiệt kỷ lục.
Các bộ trưởng năng lượng EU hồi tháng 7 nhất trí các nước thành viên nên tự nguyện cắt giảm tiêu thụ khí đốt 15% từ tháng 8 đến tháng 3/2023, so với mức tiêu thụ trung bình hàng năm giai đoạn 2017-2021, đồng thời đưa ra các mục tiêu lấp đầy kho dự trữ khí đốt trên toàn EU.
Đức đã kích hoạt giai đoạn hai trong kế hoạch khẩn cấp khí đốt ba giai đoạn, kêu gọi các doanh nghiệp, người tiêu dùng tiết kiệm để tránh phải phân bổ khí đốt theo định mức.
Bộ trưởng Năng lượng Hà Lan nói mỏ khí đốt Groningen của nước này có thể hỗ trợ các nước EU trong trường hợp Nga cắt hoàn toàn nguồn cung, nhưng tăng khai thác tại đây có nguy cơ gây ra động đất.
Như Tâm (Theo Reuters)