"Chúng tôi cần phải giảm phụ thuộc vào khí đốt của Nga càng nhanh càng tốt", Bộ trưởng Kinh tế và Khí hậu Đức Robert Habeck ngày 5/3 ra tuyên bố về dự án xây cảng nhận khí tự nhiên hóa lỏng (LNG). Chính phủ Đức dự kiến sở hữu 50% cảng nhận LNG này.
Dự án này sẽ được triển khai ở Brunsbuettel, miền bắc nước Đức, với khoản tài trợ thông qua ngân hàng KfW. Công ty khí đốt Gasunie của Hà Lan và tập đoàn năng lượng Đức RWE sẽ tham gia dự án. Sau khi hoàn thành, cảng nhận LNG sẽ do Gasunie điều hành.
Theo tuyên bố của Bộ trưởng Đức, cảng nhận LNG ở cửa sông Elbe trên bờ Biển Bắc sẽ có công suất tái hóa khí LNG 8 tỷ m3/năm và sau này sẽ được chuyển đổi để nhập khẩu hydro xanh (được tạo ra từ quá trình điện phân nước sử dụng điện từ những nguồn năng lượng tái tạo hoặc sản xuất từ chất thải chăn nuôi, nông nghiệp và đô thị).
55% lượng khí đốt ở Đức được nhập khẩu từ Nga thông qua các đường ống chạy qua Ukraine, Ba Lan và dưới biển Baltic. Đức hiện không có cảng nhận LNG nào, nền kinh tế lớn nhất châu Âu trong hai thập kỷ qua đã lên kế hoạch mở rộng nguồn cung khí đốt qua đường ống từ Nga. Tuy nhiên, chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine khiến Đức phải đánh giá lại chiến lược và hy vọng thay nguồn cung khí đốt truyền thống bằng LNG.
Sau khi Nga công nhận độc lập vùng ly khai Ukraine, chính phủ Đức ngày 22/2 thông báo đình chỉ phê duyệt đường ống Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream) 2. Đây là đường ống dài 1.230 km dẫn khí đốt từ Nga đến Đức qua biển Baltic mà không qua ngả Ukraine hay Ba Lan, bắt đầu được xây dựng từ năm 2018 và hoàn thành năm ngoái nhưng chưa đi vào hoạt động.
Quá trình hóa lỏng giúp LNG dễ vận chuyển hơn, cho phép nhập khẩu khí đốt qua đường biển từ các nước sản xuất không thể kết nối với đường ống, như Mỹ và Qatar.
Nguyễn Tiến (Theo AFP)