"Tôi không theo đuổi chính sách yêu cầu các công ty năng lượng Na Uy ký hợp đồng bán khí đốt cho châu Âu với mức giá cố định", Bộ trưởng Dầu khí Na Uy Terje Aasland viết trong thư gửi quốc hội ngày 25/8.
Tuyên bố được Bộ trưởng Aasland đưa ra sau khi một nghị sĩ đề xuất Na Uy nên thể hiện tình đoàn kết và chia sẻ khó khăn với Liên minh châu Âu (EU) bằng cách yêu cầu các công ty nước này bán khí đốt với giá cố định thấp hơn mức giá thị trường hiện tại.
Theo Aasland, hoạt động thị trường cần tuân theo quy luật cung cầu. "Khi hàng khan hiếm, giá sẽ cao. Điều đó sẽ góp phần tăng sản lượng và chuyển hướng khí đốt tới những thị trường cần nhất", ông nói.
Ông thêm rằng thay vì giảm giá, Na Uy nên tập trung cung cấp nhiều khí đốt nhất có thể cho châu Âu, để đáp ứng nhu cầu tăng cao và duy trì vị thế là nhà cung cấp khí đốt đáng tin cậy.
![Giàn khoan khí đốt Draupner ở biển Bắc Na Uy. Ảnh: Equinor.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2022/08/27/oyvind-hagen-equinor-hasselbla-4457-2220-1661564072.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=QVHwiaHHGURKjxcpOnJarg)
Giàn khoan khí đốt Draupner ở biển Bắc Na Uy. Ảnh: Equinor.
Ông cho biết các nhà cung cấp ở Na Uy từ lâu đã sẵn sàng ký kết các hợp đồng dài hạn nếu những điều khoản thương mại được hai bên thỏa thuận. Bộ trưởng chỉ ra rằng EU đã từ bỏ hình thức hợp đồng dài hạn để ủng hộ thị trường giao ngay 20 năm trước và hệ thống của Na Uy vẫn "trao quyền lựa chọn cho các công ty ký kết các hợp đồng như vậy, chỉ dựa trên lợi ích kinh tế".
Na Uy đã vượt qua Nga để trở thành nhà cung cấp khí đốt lớn nhất cho EU, sau khi Moskva cắt giảm 80% nguồn cung qua đường ống Nord Stream 1. Nga sẽ tiếp tục giảm đáng kể nguồn cung khí đốt cho châu Âu trong tháng 9 với lý do bảo trì thiết bị của đường ống.
Hồi đầu tháng, Bộ trưởng Aaland cũng cho biết Olso đang xem xét giảm lượng điện bán cho châu Âu nếu mực nước tại các hồ chứa thủy điện ở mức thấp. 90% sản lượng điện của Na Uy đến từ thủy điện. Là một trong những nhà xuất khẩu điện lớn nhất châu Âu, Na Uy bán khoảng 1/5 tổng sản lượng điện cho các quốc gia láng giềng.
Một số chính trị gia Na Uy còn đề xuất dừng xuất khẩu điện cho đến khi nguy cơ khủng hoảng năng lượng không còn.
Động thái trên của Oslo dấy lên lo ngại về một mùa đông khó khăn cho châu Âu, đặc biệt là Anh, Đức và Hà Lan, ba quốc gia phụ thuộc nhiều vào năng lượng giá rẻ của Na Uy.
Đức Trung (Theo Reuters)