Bộ trưởng Khí hậu Ba Lan Anna Moskwa hôm 23/5 thông báo nước này chấm dứt thỏa thuận nhận khí đốt của Nga qua đường ống Yamal, sau khi Warsaw từ chối yêu cầu thanh toán nhiên liệu bằng đồng ruble còn Moskva đáp trả bằng cách cắt nguồn cung hồi tháng 4.
Trước đó, hãng khí đốt PGNiG của Ba Lan năm 2019 từng thông báo không gia hạn hợp đồng có thời hạn tới cuối năm 2022 với công ty xuất khẩu khí đốt Gazprom của Nga. "Hành động của Nga với Ukraine cho thấy chính phủ Ba Lan quyết tâm độc lập với khí đốt của Nga là hoàn toàn chính xác", bà Moskwa nói.
Gazprom không trả lời yêu cầu bình luận. Warsaw từ chối thanh toán khí đốt bằng đồng ruble theo yêu cầu của Nga với các nước châu Âu. Bộ trưởng Moskwa cho hay động thái chấm dứt thỏa thuận là đương nhiên sau khi Nga vi phạm hợp đồng qua hành động cắt khí đốt.
"Hiện tại chúng tôi khó có thể nói về bất kỳ quan hệ hợp đồng nào. Ba Lan đã từ chối trả tiền khí đốt từ lâu và để cung cấp khí đốt, cần ký lại thỏa thuận và điều khoản thanh toán", phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói.
"Chúng tôi cần phân tích cẩn thận hậu quả có thể xảy ra đối với việc đảo ngược dòng chảy", Peskov nói trong cuộc họp báo về động thái của Ba Lan mà không nêu cụ thể.
Ba Lan đã sử dụng đường ống Yamal để nhận khí đốt từ Đức bằng cách đảo ngược dòng chảy. Phần đường ống Yamal trên đất Ba Lan nối Nga với Tây Âu thuộc sở hữu của liên doanh Gazprom và PGniG nhưng được công ty vận chuyển khí đốt nhà nước Gaz-System của Ba Lan vận hành.
"Các thỏa thuận liên chính phủ với Nga vi phạm luật pháp châu Âu sẽ không được thực thi nữa", Moskwa nói. "Đường ống Yamal đang hoạt động theo luật pháp châu Âu, luật cho phép sử dụng nó để chuyển ngược khí đốt từ Đức đến Ba Lan".
Piotr Naimski, Bộ trưởng phụ trách An ninh Năng lượng của Ba Lan, hôm 23/5 cho hay chính phủ đã thông qua nghị quyết chấm dứt hợp đồng với Nga vào 13/5. Thông báo chính thức được gửi đi vào 23/5.
Ba Lan tiêu thụ khoảng 20 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm, khoảng một nửa trong số đó đã được cung cấp qua các đường ống từ Nga. Ba Lan tự sản xuất khoảng 3 tỷ mét khối và nhập khẩu hơn 6 tỷ mét khối LNG mỗi năm thông qua cảng ở biển Baltic. Phần lớn lượng LNG đến từ Mỹ và Na Uy.
Hồng Hạnh (Theo Reuters)