Đứa em họ gọi cho tôi và nói: "Anh có quen ai muốn sau dịch kinh doanh quán cà phê không, em cần sang quán để lấy lại chút vốn". Cậu ấy giải thích rằng bây giờ tiền sinh hoạt hằng ngày của gia đình còn phải lo, qua dịch lấy tiền đâu đầu tư tiếp. Tôi hỏi: "Sao em không đăng lên mạng rao, biết đâu nhiều người có nhu cầu sẽ liên hệ?".
Em họ tôi trả lời: "Em có đăng rồi, cũng có vài người hỏi nhưng ép giá ghê quá. Quán mới mở, bàn ghế còn mới tinh mà họ trả rẻ quá. Nếu bán thì lỗ, người quen thì dễ thương lượng hơn". Tôi hứa là sẽ cố gắng tìm người có nhu cầu trong các mối quan hệ của mình.
Cách đây mấy hôm, tôi có đọc những chia sẻ về những khó khăn khi khởi nghiệp giữa lúc dịch Covid-19 xuất hiện. Tôi nhận thấy điểm chung của em họ tôi và những bạn này đều khao khát làm giàu bằng con đường kinh doanh buôn bán. Nhiều bạn có ý chí tự lập cao, khao khát làm giàu nhưng dường như bị một thứ ràng buộc chung đó là xuất phát điểm không tốt.
Các bạn quanh quẩn chỉ kinh doanh vài ngành, dịch vụ như mở quán ăn, quán cà phê, bán đồ ăn vặt, bán quần áo... Nhiều người chọn những ngành hàng này để khởi nghiệp với hy vọng dễ kiếm lời, tăng thu nhập cho gia đình. Tuy nhiên theo tôi thị trường này đã quá bão hòa. Nhiều người vốn mạnh còn chịu không nổi, phải buông xuôi giữa chừng thì nói gì đến người vốn mỏng từ khoản tiền tiết kiệm.
>> Tiêu hết hai năm tiền tiết kiệm trong 3 tháng dịch
Dì dượng tôi ở quê làm nông. Việc nuôi hai đứa con ăn học đến hết cấp ba và đứa em này tốt nghiệp đại học dường như là cả một quá trình gian nan vất vả. Phải hy sinh nhiều nhu cầu, thú vui khác mới làm được với một gia đình trông chờ vào ruộng lúa, bầy gà. Việc cưới vợ, gả chồng cho con cái cũng là một trách nhiệm nặng nề và tốn nhiều tiền.
Vậy nên, đối với nhiều gia đình không có điều kiện, nuôi con ăn học và dựng vợ gả chồng xong thì tránh nhiệm của các bậc cha mẹ cũng đã là khá tròn trịa. Vậy con cái muốn khởi nghiệp, kinh doanh thì chỉ biết tự sức mình thôi.
Tôi khá chú ý đến câu đầu tiên trong bài hát lối nhỏ của Đen Vâu mà các bạn trẻ hay nhại lại: "Em vào đời bằng đại lộ còn anh vào đời bằng lối nhỏ".
Bỏ qua chuyện tình cảm trai gái, tôi nhận thấy con nhà nghèo khởi nghiệp bằng quán ăn, quán cà phê cũng như anh chàng bước vào đời bằng lối nhỏ trong bài hát. Thậm chí con đường còn trở nên chật chội và đôi lúc kẹt đường, tức là gặp bế tắc trong kinh doanh mà chẳng tìm đâu được một chỗ dựa.
Thiếu thốn đầu tiên của người nghèo khởi nghiệp là tiền bạc. Có thể vài trăm triệu đồng đối với nhiều người không là vấn đề. Nhưng đấy là số tiền vốn mà con nhà nghèo phải tích luỹ qua nhiều năm tháng làm công ăn lương. Khi bước qua được thử thách liệu có nên khởi nghiệp không, chọn mạo hiểm hay an toàn thì một chuỗi vấn đề sau đó là phải gồng gánh và tiếp tục đầu tư vào các chi phí phát sinh khi kinh doanh.
>> Xót xa vì đầu tư 200 triệu mở tiệm giặt giữa Covid-19
Có tiền cha tiền mẹ thì không phải lo, nếu không có thì phải vay chỗ này mượn chỗ kia để đắp vào. Bởi thế nên chỉ một trận khủng hoảng, ví dụ như dịch Covid-19 thì bỗng chốc phá sản.
Mà những ngành này đồng thời cũng là lựa chọn của rất nhiều người khác bởi vốn ít, dễ làm... nhưng từ đó, sự cạnh canh gay gắt cũng xảy ra. Bởi thế chúng ta mới thấy trên một con đường, có nhiều quán mới tháng này khai trương thì một hai tháng sau đã thấy đề biển sang quán.
Con nhà nghèo khởi nghiệp cũng gặp khó vì thiếu vắng đi các mối quan hệ trong xã hội. Như trường hợp em họ tôi, ngay cả việc sang quán cũng gặp khó vì bị người lạ ép giá, hoặc nếu có quen ai đó tài chính tốt thì hoàn toàn có thể vay mượn tiền để xoay xở.
Quán ăn, quán cà phê cũng thật mỏng manh dễ vỡ: Cạnh tranh từ các chuỗi quán, các thương hiệu nước ngoài, đặc biệt là trong thời điểm giãn cách vì Covid-19 này, không có ai ra đường, không có khách hàng trực tiếp là doanh thu bằng không, thua lỗ, phá sản là chuyện thấy ngay trước mắt.
Tôi nghĩ sau trận dịch này, nếu ai có ý định mở quán ăn, quán cà phê khởi nghiệp thì nên cân nhắc, tính toán con đường kinh doanh sao cho hiệu quả và tối ưu. Hãy nghĩ đến việc thử bán qua các kênh online, các ứng dụng giao đồ ăn uống trước khi nghĩ đến việc đầu tư tiền vào mặt bằng và hàng quán.
Tuấn Nguyễn
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.