Qua năm tháng dưới thời HLV Kim Sang-sik, Việt Nam thắng một, hòa một và thua năm. Trong đó ba trận giao hữu gần nhất, đội tuyển lần lượt thua Nga 0-3, Thái Lan 1-2 và hòa Ấn Độ 1-1. Với nhiều người, thành tích trên có thể chưa thật sự thuyết phục. Tuy nhiên, có phải bóng đá Việt Nam đã sai lầm khi ký hợp đồng với vị HLV người Hàn Quốc?
Tôi cho rằng, có thể thành tích của đội tuyển Việt Nam hiện tại chưa có nhiều thay đổi rõ rệt so với thời HLV Troussier, nhưng về chiến thuật, cách tiếp cận trận đấu của chúng ta đã có sự thay đổi tích cực. Ít nhất, các cầu thủ Việt Nam cũng đã thi đấu gắn kết hơn ở các tuyến, khối đội hình di chuyển lên - xuống nhịp nhàng, có ý đồ chiến thuật rõ ràng chứ không như lối đá kiểm soát bóng kiểu ''chuqua-chula-chuda' (chuyền qua, chuyền lại, chuyền dài) rất ức chế trước đây.
Rõ ràng, cầu thủ Việt Nam không đủ thể lực, thể hình để chơi bóng dài. Còn nhớ, thời HLV Troussier, cầu thủ của ta kéo về sân nhà hết để phục vụ lối đá chuyền qua, chuyền lại. Đến khi bị đối thủ pressing, họ lại chỉ biết chuyền dài lên trên theo kiểu cầu may, nhưng làm gì có ai ở trên đón bóng. Đó là một chiến thuật hoàn toàn không phù hợp, nó triệt tiêu hoàn toàn điểm mạnh của cầu thủ chúng ta, và lộ ra quá nhiều nhược điểm.
Ngoài ra, về nội bộ đội bóng thời ông Troussier, những cầu thủ có kinh nghiệm trên tuyển, bằng cách này hoặc cách khác đều không được sử dụng. Thay vào đó là những cầu thủ trẻ, non kinh nghiệm và thiếu cơ hội cọ xát thường xuyên ở V-League. Điều này không những làm chúng ta không có được những nhân sự tốt nhất trên sân mà còn tạo ra sự mâu thuẫn. Cầu thủ vào sân cũng không thực sự cống hiến hết mình.
>> '20 năm qua Việt Nam không có cầu thủ nào đẳng cấp'
Tuy nhiên, tất cả những vấn đề đó hầu như đã được giải quyết khi HLV Kim Sang-sik lên nắm quyền. Tôi tin, nếu có thêm thời gian, ông Kim nhất định sẽ thành công. Có thể không đưa được bóng đá Việt Nam lên đỉnh cao như thời HLV Park Hang-seo, nhưng ít nhất chúng ta cũng có thể chơi đúng với năng lực của mình.
Cũng phải nhìn nhận, ngoại trừ Indonesia với một chính sách nhập tịch cầu thủ một cách toàn diện, chúng ta chỉ nên so kè với Thái Lan hay Malaysia mà thôi. Đừng mong chờ chúng ta với thực lực hiện tại mà có thể leo lên đứng top đầu châu lục, giành vé dự World Cup. Đó là kỳ vọng không tưởng và có phần ảo tưởng. Chẳng cứ gì ông Kim hay bất cứ huấn luyện viên nổi tiếng thế giới nào ngồi vào ghế nóng ở đội tuyển Việt Nam cũng phải bó tay chịu thua.
Tất nhiên, chúng ta cũng nên có cái nhìn khách quan hơn về câu chuyện nhập tịch cầu thủ. Thái Lan bây giờ cũng bắt đầu đẩy mạnh nhập tịch, nên chúng ta cũng nên có một vài cái tên để cạnh tranh hoặc ít nhất không quá lép vế với các đối thủ trong khu vực, dù việc này cũng cần phải được kiểm soát ở mức độ vừa phải.
Tóm lại, theo tôi, việc VFF lựa chọn HLV Kim Sang-sik cũng có thể xem là một nước đi tương đối mạo hiểm, vì nói gì đi nữa thì vị huấn luyện viên người Hàn Quốc cũng còn quá ít kinh nghiệm cầm quân chuyên nghiệp. Tuy nhiên, ít kinh nghiệm không đồng nghĩa với không hay. Biết đâu, bóng đá Việt Nam lại thành công với ông Kim giống như những gì từng có với ông Park. Với người hâm mộ, thời gian sẽ cho chúng ta câu trả lời chính xác nhất về năng lực của ông thầy mới.
Cu Tèo
- Sốt ruột nhập tịch cầu thủ để bóng đá Việt 'đi tắt đón đầu'
- 'Bóng đá Việt trồng cây không có giống tốt'
- 'HLV Kim Sang-sik khó vực dậy bóng đá Việt bằng lối chơi phòng thủ'
- Giấc mơ vượt mặt Thái Lan của bóng đá Việt còn xa
- 'Lá bài' nhập tịch cầu thủ
- 'HLV Troussier không may khi phải gánh giấc mơ hão huyền của bóng đá Việt'