Khác với cuộc cạnh tranh quyết liệt, thậm chí dẫn tới bạo loạn, giữa đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa trong các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, nền chính trị Trung Quốc được duy trì ổn định gần một thập kỷ qua dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng cả Tổng thống Mỹ lẫn Chủ tịch Trung Quốc sẽ đối mặt với một số thách thức về mặt chính trị, kinh tế và đối ngoại trong năm tới.
Về chính trị, đảng Cộng sản Trung Quốc năm 2022 sẽ tổ chức đại hội toàn quốc, sự kiện trọng đại có thể giúp ông Tập tiếp tục nắm giữ quyền lực, sau khi nước này xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ Chủ tịch. Hội nghị Trung ương 6 hồi tháng 11 đã thông qua nghị quyết lịch sử, coi ông Tập là "hạt nhân của toàn đảng", củng cố vị thế của ông ngang hàng với các lãnh đạo Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình.
Ông Tập giờ đây được coi là kiến trúc sư mở ra "kỷ nguyên mới" trong quá trình phát triển của đảng, được ví như trụ cột quan trọng nhất trong bộ máy quyền lực Trung Quốc. Tuy nhiên, ông cũng sẽ phải đối mặt với bài toán nhân sự của Ban Thường vụ Bộ Chính trị cũng như những trọng trách ngày càng lớn của người lãnh đạo đất nước đang nuôi tham vọng trở thành siêu cường ngang hàng với Mỹ, theo Francesco Sisci, nhà nghiên cứu cấp cao tại Đại học Nhân dân Trung Quốc.
Ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc, cơ quan quyền lực cao nhất nước này, hiện gồm 7 thành viên, nhưng 6 người có thể nghỉ hưu vào mùa thu năm 2022 do quá tuổi quy định. Cơ quan này trước đây từng có đến 9 thành viên, nhưng giảm hai người sau đại hội đảng năm 2017.
Theo Sisci, nếu giữ nguyên cơ cấu 7 ủy viên, Ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc sẽ xuất hiện nhiều gương mặt mới trẻ hơn, khác với những thành viên cũ từng có quá trình công tác gắn bó lâu dài với ông Tập.
Nếu Trung Quốc tiếp tục tinh gọn cơ cấu, đưa quy mô Ban Thường vụ Bộ Chính trị xuống còn 5 ủy viên, quy trình ra quyết định sẽ rất nhanh chóng và hiệu quả, nhưng số lượng thành viên này được cho là quá ít so với trách nhiệm khổng lồ hiện nay, chuyên gia này nhận định.
Bởi vậy, ông Tập, người bước sang tuổi 69 vào năm sau, sẽ phải đưa ra những quyết định quan trọng để đảm bảo không bị quá tải trước khối lượng công việc rất lớn, cũng như san sẻ bớt trách nhiệm để giữ gìn sức khỏe cho chặng đường lãnh đạo đất nước lâu dài.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden và đảng Dân chủ cũng đang đối mặt nguy cơ thất bại nặng nề trong cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ cuối năm sau. Một số chuyên gia lo ngại phe Dân chủ có thể mất thế đa số ở cả Hạ viện và Thượng viện, khiến các tham vọng chính sách của Biden khó thành hiện thực.
Lạm phát gia tăng và làn sóng người di cư ồ ạt đổ vào Mỹ được cho là lý do có thể khiến cử tri quay lưng với đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử năm sau, trong khi các chính sách của ông Biden còn gây nhiều tranh cãi, không được lòng dư luận. Nếu không thu hút mức độ ủng hộ cần thiết, đảng Dân chủ thậm chí còn có nguy cơ thất bại trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2024.
Chuyên gia Sisci cho rằng đà suy giảm tín nhiệm của đảng Dân chủ đồng nghĩa với cơ hội phe Cộng hòa giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo mà không cần tới cựu tổng thống Donald Trump.
Mỹ và Trung Quốc cũng đang đứng trước các lựa chọn chính sách kinh tế, xã hội khó khăn. Sau khi lên nắm quyền năm 2013, ông Tập đã cố gắng cải tổ các công ty quốc doanh Trung Quốc, nhưng chưa thu được nhiều kết quả. Giờ đây, vấn đề ngày càng trở nên nghiêm trọng.
Tăng trưởng nóng của lĩnh vực bất động sản, một động lực lớn thúc đẩy kinh tế Trung Quốc, giờ đây lại trở thành mối đe dọa. Evergrande, tập đoàn bất động sản lớn thứ hai đất nước, đang gánh khoản nợ xấu hơn 300 tỷ USD và bắt đầu thiếu tiền thanh toán cho các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, "quả bom nợ" Evergrande chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, bởi nhiều công ty bất động sản khác cũng đang quay cuồng vì những khoản vay quá hạn, trong khi lĩnh vực này chiếm ít nhất 30% GDP. Các tòa nhà mới xây vẫn chưa thể bán được, khi nhiều người Trung Quốc không thể kiếm đủ tiền mua nhà, dù nền kinh tế phát triển bùng nổ.
Trung Quốc còn nợ nước ngoài khoảng 700 tỷ USD, trong đó có một phần đáng kể thuộc trách nhiệm chi trả của các công ty quốc doanh đang thua lỗ và các ngân hàng. Những khoản nợ này có thể gây áp lực kinh tế với đất nước, cũng như tầng lớp trung lưu đông đảo.
Bắc Kinh được cho là còn cần giải quyết vấn đề cơ cấu kinh tế. Dù đề ra chiến lược "lưu thông kép", xuất khẩu của Trung Quốc vẫn đóng vai trò lớn, trong khi tiêu dùng nội địa không tăng như kỳ vọng. Tình trạng này được cho là không bền vững, bởi nó tăng phụ thuộc vào thị trường nước ngoài.
Trong bối cảnh cuộc cạnh tranh siêu cường ngày càng khốc liệt và Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, đây được coi là thách thức không nhỏ với ông Tập trong quá trình lãnh đạo đất nước.
Nền kinh tế Mỹ lại đối mặt vấn đề khác. Các công ty nước này gặt hái nhiều thành công và có sức sáng tạo mạnh mẽ, nhưng thành công của họ lại bị coi là bóp nghẹt cơ hội dành cho các doanh nghiệp nhỏ hơn, khiến niềm hy vọng của người Mỹ bình thường ngày càng giảm sút, theo Sisci.
Thiếu hy vọng về tương lai, giới trẻ Mỹ ngày càng lười học hỏi và không chịu nỗ lực. Do đó, một trong những thách thức với Biden trong kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng và tái khởi động nền giáo dục đầy tham vọng là phải tạo thêm cơ hội việc làm, khởi nghiệp cho người Mỹ.
Nhìn bề ngoài, người trẻ Trung Quốc dường như có thái độ khác biệt, với tinh thần ham học, làm việc chăm chỉ và rất có động lực. Tuy nhiên, xã hội Trung Quốc gần đây cũng chứng kiến một số dấu hiệu đáng lo ngại, trong đó có tình trạng nhiều thanh niên thích "nằm thẳng", không muốn tiếp tục cống hiến trong văn hóa làm việc không ngừng.
Cụm từ "nằm thẳng" phản ánh nỗi chán chường của thanh niên Trung Quốc khi phải vất vả tìm việc, cạnh tranh với hàng nghìn ứng viên, sống vất vưởng và trả giá thuê nhà cắt cổ tại những thành phố đất chật người đông. Cùng với vấn đề bất bình đẳng ngày càng trầm trọng khiến ước mơ thành đạt trở nên xa vời, một bộ phận thanh niên Trung Quốc chọn cách làm ít việc nhất có thể, ngược với tinh thần cống hiến cật lực mà cha mẹ họ từng dạy dỗ.
Nỗi lo ngại về cạnh tranh xã hội khốc liệt dường như còn được thể hiện qua tỷ lệ sinh liên tục giảm, dù Trung Quốc đã bỏ chính sách một con, trong khi dân số đang già hóa. Thực tế này đồng nghĩa với nguy cơ xảy ra khủng hoảng nhân khẩu học, có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Nguy cơ dân số già đi trước khi giàu lên thúc đẩy giới chức Trung Quốc điều chỉnh xu hướng. Tuy nhiên, mục tiêu này vô cùng khó khăn bởi chi phí nuôi dạy trẻ em ở Trung Quốc hiện nay rất tốn kém. Viện phí và học phí đều đắt đỏ, nên nhiều gia đình không muốn và không đủ khả năng sinh thêm con.
Trong lĩnh vực đối ngoại, cả Mỹ và Trung Quốc đều đang đối mặt với những thách thức nhất định.
Ông Tập năm 2013 khởi xướng Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) nhằm khai thác thế mạnh tài chính của Trung Quốc để tiến hành các dự án cơ sở hạ tầng mà Bắc Kinh mô tả là "xây dựng cộng đồng rộng lớn có chung lợi ích" khắp châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh, từ đó gia tăng ảnh hưởng và vị thế của Trung Quốc.
Tuy nhiên, "dự án thế kỷ" của ông Tập đang phải đối mặt những thách thức lớn và phản ứng dữ dội ở nước ngoài, theo nghiên cứu của AidData. Các dự án trị giá 11,58 tỷ USD ở Malaysia bị hủy trong giai đoạn 2013-2021, trong khi con số này tại Kazakhstan là gần 1,5 tỷ USD và Bolivia là hơn một tỷ USD.
"Ngày càng nhiều nhà hoạch định chính sách ở các nước thu nhập thấp và trung bình hoài nghi các dự án lớn trong BRI vì tình trạng đội giá, tham nhũng và lo ngại về nợ công", Brad Parks, đồng tác giả nghiên cứu được công bố tháng trước của AidData, phòng nghiên cứu thuộc Đại học William và Mary ở Mỹ, cho hay.
Để cạnh tranh với BRI, Mỹ và các đồng minh trong nhóm G7 đề ra sáng kiến "Xây lại Thế giới Tốt hơn" (B3W), lấy cảm hứng từ khẩu hiệu tranh cử "Xây lại Tốt hơn" của Tổng thống Mỹ. Dự án cơ sở hạ tầng B3W được G7 thông qua hồi tháng 6, nhưng lập tức gặp phải vấn đề nghiêm trọng là kinh phí.
G7 chưa nêu bất cứ chi tiết nào về B3W, nhưng những thông tin được tiết lộ dường như cho thấy kế hoạch này sẽ có rất ít, hoặc thậm chí không có chút ngân sách nào để thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng vốn rất tốn kém.
Thực tế này có thể ảnh hưởng tới nỗ lực của Tổng thống Biden trong khôi phục tầm ảnh hưởng toàn cầu của Mỹ, vốn đã bị suy yếu đáng kể dưới thời người tiền nhiệm Donald Trump. Theo chuyên gia Sisci, tính quốc gia và quốc tế của Mỹ là một thể thống nhất, nên nếu Washington không lấy lại được uy tín toàn cầu, các chính sách đối nội cũng có khả năng cũng bị suy yếu.
"Khó có thể đánh giá được thách thức với Mỹ hay Trung Quốc nan giải hơn. Tuy nhiên, trong năm 2022, chúng ta có thể sẽ thấy bên nào vượt lên trước", Sisci nhận định.
Ánh Ngọc (Theo Asia Times)