Việc công ty điện lực khu vực đột ngột cắt điện hồi cuối tháng trước đã khiến Wang, một ngư dân ở thành phố Đan Đông, tỉnh Liêu Ninh, phía đông bắc Trung Quốc, hoảng hốt. Anh phân vân không biết có nên bán chỗ hải sản trong kho của mình trước khi chúng hỏng hết hay không.
Điện bị cắt chỉ trong vài giờ, nhưng cũng khiến Wang phải chịu thiệt hại. Đối với những chủ cơ sở kinh doanh hoạt động phụ thuộc vào máy làm lạnh, mất điện có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng và tức thì.
"Tôi phải bán tất cả hải sản với giá thấp hơn rất nhiều vào ngày hôm sau", Wang than thở.
Tình hình thậm chí còn tồi tệ hơn với bác của Wang, một nông dân sống ở ngoại ô thành phố. Trong kỳ nghỉ lễ Quốc khánh kéo dài 7 ngày hồi đầu tháng, ngôi làng ông sống bị cắt điện hai ngày, mỗi ngày từ 6h đến 22h.
Trong khi một nửa khu vực cấp tỉnh của Trung Quốc đã áp dụng biện pháp cắt điện luân phiên nghiêm ngặt nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt năng lượng nghiêm trọng đang bao trùm khắp đất nước, cuộc khủng hoảng ở ba tỉnh vùng đông bắc gồm Hắc Long Giang, Cát Lâm và Liêu Ninh, nơi được gọi là "vành đai rỉ sét" bởi là nơi tập trung nhiều cơ sở công nghiệp của Trung Quốc, đang ngày càng trở nên trầm trọng hơn.
Các khu vực khác hầu hết đều đã lên kế hoạch cắt điện và thông báo trước với người sử dụng là hộ kinh doanh, sản xuất.
Nhưng với hàng triệu hộ gia đình ở đông bắc Trung Quốc, bao gồm cả gia đình Wang, tình trạng cắt điện đột ngột, không báo trước đã gây cho họ không ít khó khăn trong việc thích nghi, điều chỉnh cuộc sống nhằm giảm thiểu tác động.
Một số người đi làm tại Thẩm Dương, thủ phủ tỉnh Liêu Ninh, đã mắc kẹt hàng tiếng trên đường khi đèn giao thông không hoạt động chỉ hơn hai tuần trước. Ở Liêu Dương, 23 công nhân luyện kim phải nhập viện sau khi nhà máy của họ bị mất điện đột ngột khiến họ bị ngộ độc khí CO.
Chi nhánh phía đông bắc của Tập đoàn Điện lực Trung Quốc cho biết họ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc áp dụng chế độ cắt điện luân phiên tại các tỉnh thuộc "vành đai rỉ sét" nhằm ngăn lưới điện bị sập toàn bộ.
Theo những người trong ngành, tình trạng thiếu than trầm trọng là nguyên nhân chính dẫn đến cuộc khủng hoảng điện tại Trung Quốc, bên cạnh năng lực quy hoạch và quản lý yếu kém của chính quyền địa phương cũng như các nhà vận hành lưới điện.
Dù thiếu than là vấn đề xảy ra trên toàn quốc, nó đặc biệt nghiêm trọng ở khu vực đông bắc Trung Quốc, một trong những vùng lạnh nhất đất nước và phụ thuộc nhiều vào than đá để cung cấp điện và sưởi ấm vào mùa đông.
Trước cuộc khủng hoảng năng lượng khẩn cấp của quốc gia, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cuối tuần trước cảnh báo các tỉnh không nên vội vàng cắt điện đối với các hộ gia đình.
Theo một nhân viên của Tập đoàn Điện lực Trung Quốc, ở khu vực phía đông bắc, tình trạng hỗn loạn có thể trở nên phức tạp hơn do lịch cắt điện luân phiên theo vùng lỗi thời mà các nhà điều hành lưới điện sử dụng. Vì chúng không được cập nhật thường xuyên nên việc mất điện có thể ảnh hưởng đồng thời đến cả những người sử dụng điện thiết yếu và không thiết yếu cùng lúc.
"Sau đó, chính quyền địa phương đã cập nhật hệ thống này nhằm tránh cắt điện tại những đường dây quan trọng, như điện tại nhà máy luyện kim, bệnh viện, nơi mà sự cố mất điện có thể gây ra thiệt hại lớn về cả vật chất lẫn tính mạng con người", nhân viên Tập đoàn Điện lực Quốc gia Trung Quốc nói.
Trong khi đó, phong điện, nguồn năng lượng ngày càng quan trọng của khu vực đông bắc, đang bị ảnh hưởng đáng kể do thiếu gió, theo giới chức địa phương.
Phần lớn điện năng của khu vực vẫn được sản xuất từ nhiệt điện than, khiến giá than đá tăng vọt lên mức cao kỷ lục trong những tuần gần đây do nhu cầu tăng mạnh.
Nhân viên từ Tập đoàn Điện lực Quốc gia Trung Quốc cho hay các nhà máy điện đã lỗ hơn 0,1 nhân dân tệ (0,016 USD) cho mỗi kW điện được tạo ra.
Song tuần qua, Bắc Kinh cho biết giá điện sản xuất từ than đá sẽ được thả nổi hoàn toàn và những người sử dụng điện cho sản xuất kinh doanh lẫn thương mại có thể mua theo giá thị trường.
Tình hình nguồn cung than của Liêu Ninh đang được cải thiện, theo Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC). Lượng than dự trữ của tỉnh đã tăng từ 1,89 triệu tấn hồi giữa tháng 9 lên 2,36 triệu tấn.
Ngoài tình trạng khan hiếm than, việc nhà chức trách không có biện pháp hạn chế điện dùng cho công nghiệp cũng góp phần khiến tình trạng khan hiếm điện lan sang các hộ gia đình, dẫn đến hàng loạt sự cố mất điện tồi tệ nhất mà khu vực từng chứng kiến trong ít nhất hai thập kỷ trở lại đây.
Sau khi nhiều người dân hoang mang và tức giận lên tiếng phàn nàn trên mạng xã hội hồi cuối tháng trước, chính quyền địa phương đã phải thắt chặt hạn chế đối với một số ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng.
Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực của chính quyền địa phương nhằm tăng dự trữ than và kiểm soát nhu cầu sử dụng điện công nghiệp, tỉnh Liêu Ninh hôm 11/10 đã phải đưa ra cảnh báo về tình trạng thiếu điện, lần thứ 5 trong vòng hai tuần, cho thấy nhu cầu đang vượt quá sản lượng điện từ 10 đến 20%.
Các bài đăng với dòng hashtag "cắt điện ở vùng đông bắc" vẫn tiếp tục xuất hiện trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc trong tuần qua.
"Chẳng phải họ nói rằng sẽ hạn chế cắt điện với hộ gia đình nhiều nhất có thể ư? Tại sao điện vẫn bị cắt?", một người dùng Weibo ở Hắc Long Giang đặt câu hỏi.
Một người khác ở Cát Lâm viết: "Ít nhất họ có thể đưa ra thông báo trước về việc cắt điện cơ mà? Xin đừng tấn công bất ngờ như vậy nữa".
Vũ Hoàng (Theo SCMP)