"Tôi không nghĩ Trung Quốc có thể duy trì điều này về dài hạn, vì đây là dịch bệnh toàn cầu và chúng ta phải phối hợp với thế giới để vượt qua nó", Zhong Nanshan, chuyên gia dịch bệnh hàng đầu Trung Quốc, nói trên một tạp chí hồi tháng trước.
Ông cho rằng những biện pháp phong tỏa dài hạn và kiểm soát chặt chẽ không thể kéo dài quá lâu, bởi những phương án chặt chẽ nhất cũng sẽ mất tác dụng vì gánh nặng đặt ra với chính quyền và người dân. "Các quốc gia, đặc biệt là nước lớn, cần đạt tỷ lệ lây nhiễm tương đối thấp, tỷ lệ tiêm chủng cao từ 80-85% và tỷ lệ tử vong thấp trước khi có thể mở cửa hoàn toàn", bác sĩ Zhong nói thêm.
Trong một cuộc phỏng vấn khác, giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Trung Quốc George Gao cho rằng nước này có khả năng mở cửa khi 85% dân số được tiêm chủng vào đầu năm 2022.
"Đây là vấn đề rất nhạy cảm. Vào thời điểm này, chiến lược không Covid-19 giúp chúng ta có thời gian phát triển và triển khai lượng lớn vaccine. Sẽ cần những chiến lược dài hạn trong bối cảnh cuộc chiến với virus chưa thể sớm kết thúc. Liệu chúng ta có cách nào ngoài tìm cách sống chung với virus hay không", ông Gao cho hay.
Các phát biểu gần như không gặp sự phản đối từ chính quyền, dường như là phép thử về khả năng Bắc Kinh từ bỏ chiến lược "không Covid-19", dù nước này vẫn khẳng định các biện pháp đóng cửa và kiểm soát chặt chẽ là cách duy nhất để đối phó dịch bệnh.
Điều này trái ngược với phản ứng của giới chức Trung Quốc hồi tháng 8, khi chuyên gia bệnh truyền nhiễm Zhang Wenhong bị chỉ trích mạnh mẽ vì đề xuất sống chung với Covid-19. Ông sau đó bị điều tra về nghi án đạo văn khi thực hiện luận văn nhưng được xác định vô tội.
Trung Quốc vẫn đóng cửa biên giới với khách du lịch và chỉ cấp visa cho một số trường hợp cụ thể. Những người nhập cảnh phải cách ly 14-21 ngày và trải qua nhiều đợt xét nghiệm Covid-19. Giới chức cấm người dân tự xét nghiệm tại nhà và phải đến các cơ sở được chỉ định để tránh để lọt những ca dương tính nCoV.
Tuy nhiên, sự mệt mỏi và tự mãn đã xuất hiện ở nhiều nơi sau hai năm áp đặt những biện pháp kiểm soát chặt chẽ, trong khi biến chủng Delta đã gây ra hai đợt bùng phát lớn ở nhiều tỉnh của Trung Quốc những tháng qua.
Tính đến ngày 15/10, Trung Quốc đã triển khai hơn 2,2 tỷ USD liều vaccine. Nước này hiện ghi nhận hơn 96.500 ca nhiễm nCoV, trong đó 4.636 người đã chết.
Vũ Anh (Theo Straits Times)