Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và chính sách với Trung Quốc của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden hiện nay có đặc điểm chung là tập hợp những đồng minh lâu năm của Washington.
Các hội nghị thượng đỉnh từ đầu nhiệm kỳ của Biden với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và thủ tướng Nhật Yoshihide Suga đã bắt đầu đem lại thành quả. Hàn Quốc dần can dự nhiều hơn vào tình hình khu vực, trong khi Nhật ngày càng lên tiếng mạnh mẽ trong vấn đề Đài Loan.
Đối thoại An ninh Tứ giác (Bộ Tứ), gồm Mỹ, Ấn Độ, Australia và Nhật Bản, cũng dần có những động thái hợp tác chặt chẽ hơn, trái ngược với dự đoán trước đây của Trung Quốc rằng nhóm này sẽ "tan biến như bọt biển". Dù khía cạnh hợp tác quân sự còn hạn chế, những cuộc diễn tập của các thành viên Bộ Tứ cũng khiến quân đội Trung Quốc đau đầu tìm cách ứng phó.
Thêm vào đó, Mỹ, Anh và Australia tháng trước thông báo thành lập liên minh AUKUS, trong đó Washington và London sẽ cung cấp công nghệ và kỹ thuật để Canberra chế tạo 8 tàu ngầm hạt nhân. Đây được coi là dấu hiệu hiện thực hóa muộn màng chiến lược xoay trục sang châu Á của cựu tổng thống Mỹ Barack Obama.
Ngoài ra, các hội nghị thượng đỉnh của nhóm các nước phát triển (G7) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong năm nay cũng dồn tập trung vào khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Henry Storey, bình luận viên của Interpreter, cho rằng với những động thái này, chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương ứng phó với Trung Quốc của Tổng thống Biden này càng trở nên rõ nét. Tuy nhiên, Storey lại ví chiến lược này với một chiếc bánh vòng, khi có viền ngoài rất dày, nhưng lại tồn tại một lỗ hổng lớn ngay trung tâm giữa trung tâm, đó là quan hệ thiếu chặt chẽ với các nước Đông Nam Á.
Sau khi xem xét các tuyên bố và thông cáo của Nhà Trắng, Storey nhận thấy gần 9 tháng kể từ khi bắt đầu nhiệm kỳ, Biden vẫn chưa trao đổi trực tiếp với bất kỳ lãnh đạo Đông Nam Á nào. Đến tận tháng 7, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng mới liên hệ chính thức với ASEAN.
Các vị trí đại sứ Mỹ tại ASEAN, Brunei (nước chủ tịch hiện nay của ASEAN), Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam vẫn bị bỏ trống, thậm chí chưa có danh sách đề cử đại sứ Mỹ tại ASEAN, Philippines và Singapore.
Hồi tháng 8, Ngoại trưởng Blinken tổ chức hội đàm trực tuyến với những người đồng cấp tại ASEAN trong 5 ngày, dường như thể hiện mong muốn vun đắp quan hệ của Washington.
Tuy nhiên, Đông Nam Á được cho là luôn đánh giá cao những cuộc gặp trực tiếp. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin hồi tháng 7 đến thăm Việt Nam, Singapore và Philippines. Một tháng sau, Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris cũng công du Singapore và Việt Nam. Dù được hoan nghênh, các chuyến thăm này được cho là chưa đủ toàn diện so với kỳ vọng của các nước Đông Nam Á, theo Storey.
Thiếu sót trong chiến lược của chính quyền Biden còn thể hiện qua lĩnh vực an ninh. Storey chỉ ra rằng Bản hướng dẫn Chiến lược An ninh Quốc gia Tạm thời của Mỹ đề cập đến Singapore và Việt Nam, nhưng lại không nhắc tới hai quốc gia có hiệp ước đồng minh với họ là Philippines và Thái Lan.
Mỹ dường như còn thiếu khả năng tăng cường kết nối thương mại với Đông Nam Á. Chính quyền Biden muốn xây dựng một hiệp định thương mại điện tử với các nước châu Á, nhưng những tranh cãi giữa các quan chức Hội đồng An ninh Quốc gia và Bộ Ngoại giao đã khiến đề xuất này bị trì hoãn, dù thỏa thuận này lẽ ra dễ dàng đạt được hơn so với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Trung Quốc hôm 16/9 thông báo nộp đơn xin gia nhập CPTPP, tạo nên tình huống khá trớ trêu. Một hiệp định ban đầu được thiết kế dưới thời Obama với tên gọi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhằm nâng cao vai trò lãnh đạo của Mỹ trong lĩnh vực thương mại và đối đầu Trung Quốc, giờ đây lại được chính Bắc Kinh xin gia nhập, trong khi Washington đứng ngoài lề.
Bình luận viên Storey nhận định thực tế đáng thất vọng ở đây là các số liệu quan trọng của Mỹ tại Đông Nam Á không tụt lại quá xa so với Trung Quốc. Năm 2019, đối với các nước Đông Nam Á, Trung Quốc chỉ là thị trường xuất khẩu lớn hơn một chút so với Mỹ. Thậm chí trong hầu hết các năm kể từ 2015, khoản đầu tư của Mỹ vào ASEAN vượt xa Trung Quốc.
Theo Storey, vấn đề nằm ở chỗ Mỹ thiếu chính sách ngoại giao kinh tế và nên học hỏi Trung Quốc ở điểm này. Mặc dù kế hoạch "Tái Xây dựng Thế giới Tốt hơn" (B3W) được G7 công bố hồi tháng 6 chưa đạt tiến bộ đáng kể, đây có thể là nỗ lực để giải quyết vấn đề.
Được đánh giá đang theo đuổi chiến lược hợp lý hơn Washington, Bắc Kinh vẫn không ngừng hành động. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị liên tục có các cuộc gặp trực tiếp với những người đồng cấp ở Đông Nam Á trong năm nay.
Ngoài nộp đơn xin gia nhập CPTPP, Trung Quốc và 10 nước ASEAN, cùng Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand, cũng đã ký Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), hiện là hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới.
"Bộ Tứ, NATO, G7 và AUKUS đều có thể đóng góp lớn cho chiến lược tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ, nhưng không thể thay thế sự tham gia trực tiếp của các nước trong khu vực, bao gồm Đông Nam Á", Storey kết luận.
Ánh Ngọc (Theo Interpreter)