"Một tổng thống đương nhiệm lại đưa ra những lời cáo buộc gian lận bầu cử và tuyên bố sẽ 'không bao giờ nhượng bộ'", Bộ trưởng Akaba hôm 10/11 viết trên Twitter và được truyền thông nước này dẫn lại. Ông thậm chí còn đặt câu hỏi rằng đây là hình thức "độc tài" kiểu gì.
"Hình mẫu cho nền dân chủ của chúng ta đã đi đâu rồi", Bộ trưởng Akaba viết tiếp, trước khi xóa bài đăng. Động thái của ông phần nào thể hiện phản ứng của cộng đồng quốc tế trước kết quả bầu cử tổng thống Mỹ năm nay, bình luận viên Adam Taylor của Washington Post nhận xét.
Nhiều lãnh đạo thế giới nhanh chóng gửi lời chúc mừng Tổng thống đắc cử Joe Biden sau khi ông được dự đoán giành hơn 270 phiếu đại cử tri hôm 7/11. Tuy nhiên, một tuần sau khi kết quả được công bố, chỉ có vài quan chức trên thế giới lên tiếng về việc Tổng thống Donald Trump từ chối nhận thua và cáo buộc có gian lận bầu cử trên diện rộng nhưng không đưa ra bằng chứng xác thực.
Những người công khai chỉ trích cách phản ứng của Trump phần lớn là các quan chức đã rời nhiệm sở, hoặc không nắm giữ vị trí chủ chốt trong chính phủ. Trả lời CNN hôm 9/11, Thị trưởng London Sadiq Khan bày tỏ lòng ngưỡng mộ "đẳng cấp và sự lịch thiệp" mà các chính trị gia Mỹ từng thể hiện trong quá khứ khi họ thất cử, đồng thời cho biết ông không ngạc nhiên với việc Trump từ chối nhận thua.
Akaba, một trong những quan chức nước ngoài cấp cao hiếm hoi chỉ trích phản ứng của Trump trước kết quả bầu cử, sau đó giải thích với báo giới rằng ông xóa tweet bởi không muốn "bị hiểu lầm", bày tỏ nỗi buồn "vì sự chia rẽ mà cuộc bầu cử gây ra", trong khi ông luôn coi Mỹ là nước "tiên phong của nền dân chủ".
Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga hôm 7/11 chúc mừng Tổng thống đắc cử Biden sau khi truyền thông Mỹ công bố kết quả. Hầu hết đồng minh của Mỹ cũng đã gửi thông điệp tương tự, bao gồm cả những lãnh đạo thân thiết với Trump tại Israel và Arab Saudi.
Tuy nhiên, phát ngôn viên chính phủ Nhật Katsunobu Kato cho biết "chưa có gì được quyết định" về thời gian điện đàm giữa Suga và Biden, nói thêm rằng họ đang sắp xếp "thời điểm thích hợp". Nhiều lãnh đạo thế giới chưa gửi lời chúc tới Biden, như Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin, và phần lớn vẫn giữ im lặng về Trump.
"Tôi không có vai trò gì trong việc đánh giá quá trình bầu cử Mỹ dưới bất kỳ hình thức nào", Thủ tướng Canada Justin Trudeau phát biểu hôm 10/11, một ngày sau cuộc điện đàm giữa ông với Biden. Nhiều lãnh đạo các nước đồng minh châu Âu cũng đã điện đàm với Tổng thống đắc cử Mỹ, nhưng họ chỉ đưa ra những lời ẩn ý về Trump, thay vì chỉ trích công khai việc Tổng thống không nhận thua theo truyền thống.
Phát biểu sau cuộc điện đàm với Biden, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết Tổng thống đắc cử có "góc nhìn mới mẻ" về quyền lực Mỹ. Phát biểu này của Johnson bị một website cánh hữu diễn giải là "lời mỉa mai kém khôn khéo" đối với Tổng thống thất cử. Tại một cuộc họp ở Hạ viện hôm 11/11, Johnson cũng đã gọi Trump là "tổng thống tiền nhiệm".
Dù Biden đã hội đủ phiếu đại cử tri với cách biệt lớn trước Trump (290 so với 217 phiếu), Tổng thống Mỹ và nhiều người ủng hộ ông vẫn tuyên bố cuộc bầu cử "còn lâu mới chấm dứt". Trump từ chối thừa nhận thất bại, tiến hành một loạt vụ kiện thách thức kết quả bầu cử, cáo buộc có tình trạng gian lận trên diện rộng và khẳng định ông "có rất nhiều chứng cứ".
Tuy nhiên, các luật sư của Trump đến nay chưa đưa ra được những chứng cứ thuyết phục về tình trạng gian lận bầu cử diện rộng, khiến nhiều đơn kiện của họ bị tòa án liên bang bác bỏ. Dù vậy, trong bài đăng trên Twitter hôm 10/11, Trump vẫn tuyên bố: "Chúng ta sẽ chiến thắng".
Giới quan sát nhận định do thời gian từ nay đến lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Mỹ khá dài, các đồng minh của Mỹ có lẽ ngần ngại "làm phật ý" chính quyền Trump trong những tuần cuối cùng của ông tại Nhà Trắng.
"Trump vẫn là Tổng thống trong hai tháng nữa, nên ông ấy có thể hành động nếu bị chỉ trích", Erik Brattberg, giám đốc chương trình châu Âu tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, nhận định. "Đối với các lãnh đạo châu Âu, việc công khai chỉ trích Trump bây giờ đơn giản là không mang lại lợi ích gì. Thay vào đó, họ sẽ nói ẩn ý và bày tỏ hy vọng cải thiện quan hệ dưới thời Biden".
Andrea van Vugt, cố vấn chính sách đối ngoại cho cựu thủ tướng Canada Stephen Harper, cho biết quyết định chúc mừng Biden trong bối cảnh Trump không có dấu hiệu nhượng bộ là một tình huống "vô tiền khoáng hậu".
"Các lãnh đạo có thể đưa ra rất nhiều phát ngôn mang tính chất ngoại giao về vấn đề này, nhưng tôi chắc rằng chẳng ai muốn cân nhắc hành động quyết liệt hơn khi Trump vẫn chưa bỏ cuộc", cựu cố vấn đánh giá.
Ánh Ngọc (Theo Washington Post)