Các nỗ lực hòa giải sau bầu cử tổng thống Mỹ, trong đó người thua liên lạc với người đắc cử để bày tỏ thiện chí, có truyền thống từ năm 1896, khi William Jennings Bryan gửi cho William McKinley một bức điện với những lời chúc tốt lành.
Năm 2016, ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton cũng gọi điện cho đối thủ Donald Trump để chúc mừng ông đắc cử và bày tỏ sự ủng hộ, sự việc mà bà Clinton kể lại rằng Tổng thống Mỹ "đã vô cùng ngỡ ngàng".
Tuy nhiên, sau khi truyền thông xướng tên Joe Biden là Tổng thống đắc cử thứ 46 của Mỹ hôm 7/11, tài khoản Twitter vốn ồn ào của Trump không có động thái nào cho thấy ông sẽ đi theo truyền thống đã tồn tại hơn một thế kỷ. Thay vào đó, Tổng thống Mỹ từ chối nhận thua và không coi chiến thắng của Biden là hợp pháp.
"Nếu đếm những phiếu bầu hợp lệ, tôi dễ dàng giành chiến thắng. Nhưng nếu đếm cả những phiếu gian lận, họ có thể cố gắng đánh cắp cuộc bầu cử từ chúng tôi", Trump phát biểu trong cuộc họp báo sau khi kết quả chung cuộc được công bố. Rudy Giuliani, luật sư riêng của Trump, cho biết ông sẽ nộp 10 đơn kiện về vấn đề gian lận bầu cử và cho rằng Tổng thống không nên nhận thua vào thời điểm này.
Tu chính án thứ 20 của Hiến pháp Mỹ quy định "nhiệm kỳ của tổng thống và phó tổng thống sẽ kết thúc vào trưa ngày 20/1, sau đó nhiệm kỳ của những người kế nhiệm họ sẽ bắt đầu". Theo đúng quy trình này, Biden sẽ tuyên thệ nhậm chức vào thời điểm được nêu trong Hiến pháp, trong khi Trump đứng ở bục phía sau Biden để thể hiện sự chuyển giao quyền lực trong hòa bình.
Nếu Trump kiên quyết ở lại trong Nhà Trắng sau khi Biden tuyên thệ nhậm chức, với tư cách tân tổng thống, Biden "có quyền chỉ đạo Cơ quan Mật vụ đưa Trump rời Nhà Trắng giống như đối với những người xâm phạm", Barbara McQuade, cựu công tố viên Michigan, cho hay.
Chiến dịch của Biden từng ám chỉ đến khả năng này vào sáng 6/11, khi phát ngôn viên Andrew Bates cho biết "chính phủ Mỹ hoàn toàn có thể tống những kẻ xâm phạm ra khỏi Nhà Trắng".
Một điều đáng lưu ý là quân đội Mỹ, thực thể riêng biệt với Cơ quan Mật vụ, không có ý định can dự vào quá trình bầu cử. "Trong trường hợp xảy ra mâu thuẫn về một số khía cạnh của cuộc bầu cử, theo quy định của pháp luật, các tòa án và quốc hội có trách nhiệm giải quyết tranh chấp, không phải quân đội Mỹ", Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley phát biểu hồi tháng 8.
Tuy nhiên, có lẽ không ai đủ thẩm quyền đưa Trump ra khỏi Nhà Trắng nếu kết quả bầu cử vẫn bị thách thức trong một cuộc chiến pháp lý kéo dài để xác định người thắng cuộc. Khi đó, Mỹ sẽ rơi vào tình huống bấp bênh không thể lường trước.
Trump đã nộp vài đơn kiện ở các bang chiến trường, nhắm vào điểm đặc trưng nhất của cuộc bầu cử năm nay. đó là số lượng kỷ lục hơn 65 triệu phiếu bầu qua thư của đông đảo người dân lo ngại tình hình Covid-19 tại Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới.
Theo lời kêu gọi của Biden, các đảng viên Dân chủ có xu hướng bỏ phiếu qua thư, nên những lá phiếu theo hình thức này hầu hết đều bầu cho ông. Trong khi đó, người ủng hộ Trump thường không tin vào hình thức bỏ phiếu qua thư và thích đi bầu cử trực tiếp.
Do đó, kết quả kiểm phiếu đã được dự đoán trước là ban đầu nghiêng về phía Trump, khi những lá phiếu trực tiếp được kiểm trước, nhưng xu hướng này sẽ thay đổi khi các lá phiếu vắng mặt được đếm. Hiện tượng này được gọi là "sóng đỏ ảo".
Trump đã dựa vào chi tiết này để đưa ra cáo buộc gian lận trên diện rộng và rằng "cuộc bầu cử bị đánh cắp". Tới nay, các tòa án liên bang hầu như không đứng về phía Trump, nhưng giới chuyên gia nhận định chỉ cần một phán quyết có lợi cho Tổng thống đến từ tòa án tối cao cấp bang cũng có thể dẫn đến cuộc chiến pháp lý và đưa vụ kiện lên Tòa án Tối cao Mỹ, nơi có tới 6/9 thẩm phán do tổng thống đảng Cộng hòa đề cử, riêng Trump đã đề cử 3 người.
Trường hợp này từng xảy ra vào năm 2000. Khi đó, cuộc đua vào Nhà Trắng giữa George W. Bush thuộc đảng Cộng hòa và Al Gore của đảng Dân chủ được định đoạt bằng một bang duy nhất là Florida. Sau khi Florida tuyên bố Bush chiến thắng với cách biệt 537 phiếu, Gore nghi ngờ con số đó và Tòa án Tối cao bang Florida đồng ý kiểm lại phiếu.
Tuy nhiên, Tòa án Tối cao Mỹ ngày 12/12/2000 đã lần đầu tiên can thiệp vào một cuộc bầu cử tổng thống, khi ra lệnh cho Florida dừng kiểm lại phiếu với lý do hiến pháp bị vi phạm, bởi các hạt áp dụng tiêu chuẩn kiểm phiếu khác nhau.
Phán quyết có phần không rõ ràng này đã khép lại cánh cửa chiến thắng dành cho Gore, nhưng ông quyết định nhận thua, nói rằng không muốn đất nước tiếp tục lâm vào cảnh chia rẽ, đấu đá đảng phái.
Để những vụ kiện này thành công ở tòa án cấp bang và lên được tới Tòa án Tối cao, Trump được cho là cần cung cấp bằng chứng thuyết phục về các lá phiếu gian lận trong những khu vực bầu cử cụ thể.
Một lựa chọn khác để Trump xoay chuyển tình thế là dựa vào đại cử tri đoàn. Với hầu hết các bang, ứng viên thắng phiếu phổ thông sẽ giành được toàn bộ phiếu đại cử tri của bang đó. Theo quy định, nghị viện bang là nơi lập danh sách đại cử tri đã được ứng viên thắng cử đưa ra từ trước. Danh sách này sẽ được thống đốc bang ký tên, đóng dấu để gửi lên Thượng viện Mỹ chứng nhận.
Tuy nhiên, tại những bang Biden thắng phiếu phổ thông, Trump có thể dựa vào nghị viện và thống đốc ủng hộ ông để lập một danh sách đại cử tri hoàn toàn khác. Tại những bang đảng Cộng hòa kiểm soát nghị viện, còn thống đốc là đảng viên Dân chủ, họ có thể nộp hai danh sách đại cử tri song song.
Khi đại cử tri đoàn họp vào ngày 14/12, các bang có hai danh sách đại cử tri sẽ bỏ gấp đôi số phiếu được quy định, buộc Phó tổng thống Mike Pence, người giữ chức Chủ tịch Thượng viện Mỹ, phải quyết định sẽ làm gì với số phiếu dôi ra này.
Nếu Pence quyết định loại bỏ các phiếu đại cử tri dôi ra, khiến không ứng viên nào đạt 270 phiếu đại cử tri cần thiết, quyết định ai đắc cử tổng thống Mỹ lại thuộc về Hạ viện, nơi tổ chức một phiên bỏ phiếu bất thường. Trong cuộc bỏ phiếu, đoàn nghị sĩ của mỗi bang nhận chỉ được bầu một phiếu.
Với quy định này, phe Cộng hòa sẽ có số phiếu nhiều hơn so với phe Dân chủ, và Trump có thể sẽ được bầu làm tổng thống. Phe Dân chủ đang kiểm soát Hạ viện, nhưng chỉ có 23 đoàn nghị sĩ đại diện cho 23 bang, trong khi phe Cộng hòa có 27 đoàn nghị sĩ.
Theo Atlantic, về mặt lý thuyết, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi có thể chặn đứng kịch bản này bằng cách ngăn các thành viên Hạ viện vào nghị trường để chứng kiến quá trình kiểm phiếu đại cử tri do Pence chủ trì. Hiến pháp Mỹ quy định quá trình kiểm phiếu đại cử tri chỉ có hiệu lực khi có sự hiện diện của các thành viên Hạ viện.
Với chiến thuật này, Pelosi có thể khiến quá trình xác nhận tổng thống mới bị đình trệ vô thời hạn, thậm chí vượt quá cả hạn chót 20/1 quy định trong Hiến pháp. Trong trường hợp đó, bà có thể tuyên bố mình là quyền Tổng thống Mỹ.
Trong tất cả các tình huống, cơ hội của Trump phụ thuộc vào cách giới chức đảng Cộng hòa phản ứng với chiến lược của ông. Một số kịch bản đáng báo động hơn được vạch ra bao gồm nỗ lực triển khai lực lượng Vệ binh Quốc gia của Trump, điều có lẽ sẽ không được phe Cộng hòa ủng hộ. Nhiều đảng viên Cộng hòa dường như cũng đang tránh liên quan đến việc Trump thách thức kết quả bầu cử.
Theo bình luận viên Alex Ward của tạp chí Vox, trước viễn cảnh về những cuộc khủng hoảng hiến pháp mà không ai mong muốn, Trump có lẽ cuối cùng sẽ nhận thua, bất chấp những lời tuyên chiến pháp lý. Tuy nhiên, các động thái của ông cho tới nay báo hiệu những diễn biến không thể lường trước.
Ánh Ngọc (Theo QZ, Vox)