Từ khi Tổng thống Donald Trump đắc cử năm 2016, mối quan hệ giữa ông với các nghị sĩ Cộng hòa tại Đồi Capitol chủ yếu được phân làm hai loại: một bên là những người nhiệt thành nhất, luôn ủng hộ ông bằng mọi giá, bên còn lại là những người chia sẻ chương trình nghị sự với ông, song hoài nghi kín đáo về phong cách cũng như chiến lược mà Trump đưa ra.
Không ai trong cả hai nhóm này hiện cảm thấy họ phải có trách nhiệm thuyết phục Trump, người từ chối nhận thua trong cuộc đua vào Nhà Trắng trước đối thủ đảng Dân chủ Joe Biden, rằng ông cần chấp nhận kết cục, hay ít nhất là ngừng truyền đi những thông điệp nghi ngờ tính toàn vẹn của cuộc bầu cử. Mặt khác, cũng có rất ít cơ hội Tổng thống Trump sẽ lắng nghe nếu họ làm vậy.
Thực tế này giúp giải thích vì sao nhiều ngày sau khi truyền thông xướng tên Joe Biden là Tổng thống đắc cử, ngay cả thượng nghị sĩ Cộng hòa Mitch McConnell, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện, vẫn không sẵn sàng công nhận kết quả.
Thay vào đó, họ dường như đang cố "nhắm mắt" trước thực tế rằng Trump đã thua và chiến dịch của ông không có đủ bằng chứng đáng tin cậy về tình trạng gian lận bầu cử quy mô lớn để có thể đảo ngược kết quả.
Chiến dịch pháp lý của Trump đang đệ đơn kiện tại 5 bang chiến trường gồm Pennsylvania, Nevada, Michigan, Georgia và Arizona. Tại Arizona, Biden đang dẫn trước Trump với hơn 20.000 phiếu. Tại Georgia, Trump kém đối thủ hơn 14.000 phiếu, trong khi cách biệt ở Pennsyvania là hơn 47.000 phiếu nghiêng về Biden.
Các luật sư của Trump đã đệ trình lên tòa án các bang vài trăm trường hợp phiếu bầu có dấu hiệu bất thường. Ngay cả khi thắng trong các vụ kiện này, họ cũng gần như không thể thay đổi được kết quả bầu cử, do cách biệt giữa hai ứng viên quá lớn.
Hôm 10/11, một nhóm thượng nghị sĩ Cộng hòa công khai bất đồng với Trump, gồm Mitt Romney của Utah, Ben Sasse của Nebraska, Susan Collins của Maine và Lisa Murkowski của Alaska, đã thừa nhận chiến thắng dành cho Biden.
Trong quá khứ, các nghị sĩ có thể đến Nhà Trắng để trực tiếp trao đổi với tổng thống về tình hình chính trị thực tế. Nhưng thay vào đó, Phó tổng thống Mike Pence hôm 10/11 tới Đồi Capitol, nơi ông tiếp tục truyền đi các cáo buộc về gian lận bầu cử của Tổng thống Trump. Trong bữa trưa với các thượng nghị sĩ Cộng hòa, Pence tuyên bố rằng ông và Tổng thống sẽ tiếp tục đấu tranh phản đối kết quả bầu cử đến cùng, đồng thời nêu chi tiết những hành động pháp lý mà họ sẽ thực hiện.
McConnell sau đó tiếp tục từ chối công nhận chiến thắng của Biden. "Chúng tôi sẽ vượt qua giai đoạn này và chúng tôi sẽ là người chiến thắng vào tháng một, giống như 4 năm trước", ông nói trước các phóng viên.
Thay vì cố gắng tác động đến suy nghĩ của Tổng thống, hầu hết các đảng viên Cộng hòa đều cố gắng tránh đưa ra lời khuyên về những gì Trump nên làm.
Trong một tuyên bố hôm 10/11, thượng nghị sĩ Cộng hòa bang Ohio Rob Portman đã từ chối công nhận chiến thắng của Biden và khẳng định rằng Tổng thống Trump có đầy đủ quyền yêu cầu "mọi lá phiếu hợp pháp đều được kiểm".
Tuy nhiên, ông cũng thêm rằng "chiến dịch tranh cử của Trump cần đưa ra bằng chứng cho bất kỳ cáo buộc gian lận bầu cử nào". Đây là một dấu hiệu cho thấy các đảng viên Cộng hòa đang thận trong như thế nào trước những cáo buộc của Tổng thống.
Nhưng mặt khác, một số đảng viên trung thành với Trump lại đang vội vàng ủng hộ những tuyên bố về gian lận bầu cử của ông, dù không có bằng chứng. Thượng nghị sĩ Kelly Loeffler và David Perdue của Georgia đã yêu cầu quan chức bầu cử hàng đầu tại bang họ, một thành viên Cộng hòa, từ chức, sau khi người này nói không có bằng chứng về gian lận trong bầu cử ở Georgia.
Khi được phóng viên hỏi ông đã chúc mừng chiến thắng Biden chưa, thượng nghị sĩ Cộng hòa bang Wisconsin Ron Johnson trả lời rằng "không có gì đáng để chúc mừng".
Năm 1974, khi tổng thống Nixon đối diện bê bối Watergate và có khả năng cao bị luận tội, một nhóm nghị sĩ quyền lực của đảng Cộng hòa đã tới Nhà Trắng, lần lượt nêu tên những nghị sĩ trong đảng của họ sẽ bỏ phiếu kết tội ông, nói với Nixon rằng đã đến lúc ra đi. Thông điệp của họ rất rõ ràng và tổng thống Nixon thông báo từ chức ngay ngày hôm sau.
Tuy nhiên, kịch bản này khó có thể xảy ra với Trump, Timothy Naftali, giám đốc sáng lập Thư viện và Bảo tàng Tổng thống Richard Nixon, giáo sư Đại học New York, nhận định.
"Rất khó để các đảng viên Cộng hòa quay lưng với lãnh đạo của họ, người nhận được 71 triệu phiếu phổ thông, con số cao nhất từ trước tới nay", Naftali cho hay. "Nếu bạn là đảng viên Cộng hòa và bạn chọn sai ở thời điểm hiện nay, bạn sẽ bị loại".
Dù vậy, một số đảng viên Cộng hòa những ngày gần đây bắt đầu cho rằng các thành viên trong đảng cần có trách nhiệm chống lại những tuyên bố không có cơ sở của Tổng thống về gian lận bầu cử.
Hôm 9/11, 31 cựu nghị sĩ là đảng viên Cộng hòa, nhiều người trong số đó là những tiếng nói chỉ trích mạnh mẽ Trump, đã bác bỏ những cáo buộc của Tổng thống trong một bức thư ngỏ kêu gọi ông chấp nhận kết quả bầu cử.
"Chúng tôi tin rằng những phát ngôn từ Tổng thống Trump cáo buộc gian lận phiếu bầu là một nỗ lực nhằm làm suy yếu tính hợp pháp của cuộc bầu cử và không thể chấp nhận được", bức thư có đoạn. "Mọi lá phiếu đều cần được kiểm và kết quả cuối cùng cần được các bên tham gia chấp nhận bởi niềm tin của công chúng đặt vào kết quả bầu cử là nền tảng cho nền dân chủ của chúng ta".
Barbara Comstock, cựu nghị sĩ Cộng hòa bang Virginia, người ký tên trong thư, cho biết bà làm vậy vì những cử tri hoài nghi "cần hiểu và thấy rằng đó không phải sự thật".
Theo Comstock, những đồng nghiệp cũ của bà đều âm thầm đi đến kết luận rằng những thách thức pháp lý Trump đang theo đuổi "sẽ không đi đến đâu".
Vũ Hoàng (Theo NYTimes)