Chia sẻ với câu chuyện "Mất hết số tiền tích góp 15 năm vì ước mơ làm ông chủ", nhiều độc giả VnExpress nêu quan điểm không nên mù quáng khởi nghiệp bằng mọi giá:
Ý chí vươn lên là tốt, nhưng bạn phải biết rõ bản thân mình đang ở đâu? Giờ sách nào cũng cổ vũ tinh thần tự lập, khởi nghiệp, mở nhà máy xí nghiệp ào ào. Nhưng họ có nhìn thấy thống kê số lượng doanh nghiệp phá sản, rồi số khác tồn tại một cách ngắc ngoải không? Vậy những doanh nhân thất bại sẽ làm gì, tại sao phải làm ông chủ khi cuộc đời đã định sẵn bạn là một người thợ có chuyên môn cao? Đừng bắt cá phải leo cây như khỉ, và cũng đừng tự hào khi thấy cá bơi nhanh hơn khỉ. Hãy tìm ra điểm mạnh của bạn thân và tận dụng nó thay vì chạy theo phong trào của người khác. Chẳng có nghề nghiệp nào cao quý hơn nghề nào, đừng phân biệt chuyện làm thợ, làm chủ nữa. Làm một người thợ tay nghề cao thì thu nhập, cuộc sống chắc chắn tốt hơn một ông chủ sống lay lắt qua ngày.
Năm 2011, tôi cũng bỏ 300 triệu để khởi nghiệp vời ước mơ có nhà cao cửa rộng, xe hơi, nhưng rồi sau ba, bốn lần vấp ngã, tôi đành đi làm thuê và giờ túc tắc làm ăn nhỏ lẻ. Tôi chấp nhận một sự thật rằng không phải ai cũng đủ giỏi giang và may mắn để làm ông chủ. Tất nhiên, bạn nên một vài lần nắm bắt lấy cơ hội để khởi nghiệp, biết đâu thành công, nhưng sau vài lần thất bại cũng nên cân nhắc lại. Như tôi bây giờ nói thành công cũng không hẳn, nhưng thấy hạnh phúc, vui vẻ, đủ ăn, đủ tiêu và có một gia đình để về.
Tôi từng khởi nghiệp cách đây gần 10 năm và thất bại lúc 30 tuổi. Sau đó, tôi can đảm cắt lỗ, không thế chấp căn nhà đang ở để đổ tiền vào công ty mà không thấy khả quan. Do đó, tôi chỉ mất đi số tiền tích góp chứ không nợ nần, và tuổi đó tôi xin đi làm thuê lại được. Nhân đây, tôi cũng mong muốn gửi đến các bạn trẻ háo hức muốn làm đại gia, làm ông chủ: các bạn hãy tỉnh táo với những khóa học khởi nghiệp, làm giàu, tự do tài chính. Chuyện này không hề đơn giản, thực tế xã hội rất khắc nghiệt, khác xa với lý thuyết sách vở, các buổi hội thảo, các gameshow. Ra làm ăn mà không hội tụ đủ các yếu tố cần thiết thì còn rủi ro hơn đánh bạc.
Muốn trở thành ông chủ thì ngoài tố chất ra nó còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố khác như thiên thời, địa lợi, nhân hòa, các mối quan hệ ngoài xã hội, có giỏi về lĩnh vực mình kinh doanh hay không... Tuổi trẻ ai cũng phải có ước mơ, hoài bão sau này thành ông này, bà kia, nhưng tôi thấy nhiều bạn sai lầm ở chỗ bạn đặt mục tiêu quá cao so với nguồn lực của mình dẫn đến thất bại.
Có nhiều người hỏi tôi, với kinh nghiệm dày dạn của mình, sao không tự thành lập một công ty nhỏ, một mô hình nhỏ để kinh doanh rồi dần phát triển lên hệ thống? Tôi xin trả lời rằng, làm chủ thực sự không khó, cái khó ở đây khi làm chủ cần có số vốn backup, hoặc là có người chống lưng rồi mới dám kinh doanh, nếu không may thì rất khổ. Tôi cũng U45 rồi, nên có suy nghĩ hơi khác biệt chút. Tôi không còn trẻ để làm lại được nếu thất bại. Đôi khi bạn thành công trong công cuộc đi làm thuê cho doanh nghiệp, nhưng lại chưa chắc đã có duyên thành công khi làm chủ.
>> Bạn có ý định làm chủ hay hài lòng với việc làm thuê? Chia sẻ tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.