Bác sĩ Nguyễn Thị Mỹ Linh - Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.Hồ Chí Minh, cho biết, trật khớp là một trong những chấn thương thường gặp ở mọi lứa tuổi do vận động không đúng cách trong sinh hoạt, lao động hoặc chơi thể thao. Nếu không được điều trị kịp thời, trật khớp có thể để lại những biến chứng nguy hiểm.
Mỗi đối tượng, mỗi độ tuổi có thể gặp một loại trật khớp phổ biến như trật khớp khuỷu hay gặp ở trẻ em, trật khớp vai khớp háng lại thấy nhiều ở người lớn. Với người già, do ảnh hưởng của quá trình thoái hóa, hạn chế vận động hoặc phản xạ tự bảo vệ khi ngã không cao nên dễ bị trật khớp và thường kèm theo gãy xương.
Khoảng 80 - 90% các trường hợp trật khớp đến từ nguyên nhân chấn thương do tai nạn giao thông, tai nạn lao động, tai nạn trong tập luyện thể thao như bóng chuyền, bóng đá, trượt ván... và cả các tai nạn trong học đường. Cơ chế chấn thương gây trật khớp thường là gián tiếp như lực chấn thương tác động lên cẳng chân, gối, đùi tạo nên lực đòn bẩy làm trật chỏm xương đùi ra khỏi ổ cối hoặc ngã chống tay có thể khiến bị trật khớp khuỷu hay khớp vai... Cơ chế trực tiếp tuy hiếm gặp nhưng thường dẫn tới bệnh cảnh nặng như trật khớp hở. Ngoài ra, trật khớp có thể do bẩm sinh, bệnh lý, liệt cơ delta...
Các loại trật khớp thường gặp
- Trật khớp vai
Đây là chấn thương vai phổ biến, chiếm 50-60% tổng số các loại trật khớp, thường gặp ở nhóm người trẻ tuổi, gây đau đớn và ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng vận động của khớp vai hoặc cả cánh tay. Khi bị trật khớp vai thường có dấu hiệu hõm khớp rỗng, cần nắn trật và cố định vai bằng áo Desault khoảng 3-4 tuần.
Nếu không được xử trí kịp thời và đúng cách sẽ dẫn đến nhiều biến chứng như tầm vận động của vai bị hạn chế, sai lệch khớp xương bả vai tái diễn, cứng khớp vai, ảnh hưởng đến sinh hoạt, lao động và chất lượng cuộc sống.
- Trật khớp cùng đòn
Đây là khớp bán động nối đầu ngoài xương đòn và mặt trong của mỏm cùng vai. Bao phủ toàn bộ diện khớp là sụn sợi. Bao khớp của khớp cùng đòn rất mỏng nhưng vẫn được giữ vững bởi ba hệ thống phức hợp dây chằng là dây chằng nón, dây chằng thang và dây chằng cùng đòn. Khi bị sai khớp cùng đòn sẽ xảy ra triệu chứng như đau và hạn chế vận động khớp vai, vai chấn thương xệ xuống, đầu ngoài của xương đòn nhô lên khỏi mỏm cùng vai, phần vai chấn thương bị đau, sưng, bầm tím...
- Trật khớp cổ tay
Có thể dựa vào một vài triệu chứng nổi bật sau đây để xác định trật khớp cổ tay: bàn tay bị lệch; không xoay cổ tay được; cầm nắm mọi vật rất gượng và cảm thấy khó chịu, thậm chí rất đau. Khi thấy cổ, bàn tay có hiện tượng trật khớp bạn nên đến gặp bác sĩ ngay để được chẩn đoán, can thiệp, nắn chỉnh và cố định kịp thời.
- Trật khớp vùng bàn, ngón tay
Nếu vận động sai cách, các khớp vùng bàn tay có thể bị trật. Tổn thương này làm biến dạng bàn tay rõ ràng kèm theo tình trạng đau, sưng. Tổn thương còn có thể làm đứt nhiều dây chằng hỗ trợ. Khi nghi ngờ trật khớp, bác sĩ thường chỉ định chụp X-quang bàn tay tư thế trước, sau, bên và nghiêng để chẩn đoán.
- Trật khớp háng
Trật khớp háng hầu hết là trật ra sau, làm ngắn chi, khép chân và xoay trong. Trật khớp háng thường được chẩn đoán bằng khám lâm sàng và X-quang thường quy. Bệnh nhân trật khớp háng cần được nắn trật càng sớm càng tốt, tối ưu là trước 6 giờ đồng hồ bởi nếu chậm trễ sẽ làm tăng nguy cơ hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi. Sau khi nắn trật, bệnh nhân cần được chụp lại cắt lớp vi tính để xem có gãy xương và các mảnh vỡ gãy có gây kẹt khớp không.
- Trật khớp gối
Hậu quả từ một lực đập hướng về phía sau vào đầu gần xương chày khi gối gập nhẹ có thể gây nên trật khớp gối. Đây được xem là một trong những chấn thương nặng dễ gây nhiều biến chứng mạch máu và thần kinh, đặc biệt là ở bệnh nhân béo phì.
Nếu không được chẩn đoán kịp thời và chính xác, bệnh nhân có nguy cơ cao bị biến chứng thiếu máu chi, thậm chí có thể phải cắt cụt. Vì vậy, bệnh nhân cần thường xuyên kiểm tra chỉ số huyết áp cổ chân - cánh tay và chụp cắt lớp vi tính mạch.
- Trật bánh chè
Đây là chấn thương thường gặp nhưng ít nghiêm trọng hơn so với trật khớp gối. Trật bánh chè thường gặp ở bệnh nhân nữ lứa tuổi dậy thì do có bất thường khớp đùi chè mạn tính trước đó hoặc sau một chấn thương vùng gối. Bệnh nhân cần được nắn trật và cố định khớp gối, nếu bị tổn thương xương sụn hoặc mất vững bánh chè cần tới khám và điều trị bởi bác sĩ chấn thương chỉnh hình.
- Trật khớp cổ chân
Bệnh thường gọi là trật mắt cá, thường xảy ra ở những vận động viên, có tiền sử bong gân mắt cá chân, béo phì hoặc những chấn thương cấp tính có lực đạp mạnh vào cổ chân. Triệu chứng thường gặp là đau nhiều, sưng bầm tím cổ chân, không có khả năng tì đè, khó cử động cổ chân, biến dạng khớp cổ chân. Khám và chẩn đoán tình trạng bằng lâm sàng và cận lâm sàng để có hướng điều trị tích cực như nắn trật nẹp, bó bột, di chuyển xương trở lại vị trí cũ và giảm đau...
- Trật khớp bàn chân giữa
Do chấn thương trực tiếp hoặc do lực xoắn vặn trên bàn chân gấp gan chân. Đây là chấn thương rất khó phát hiện trên X-quang nên cần đến phim cắt lớp vi tính. Các biến chứng có thể gặp trong dạng trật khớp này là hội chứng khoang bàn chân, đau mạn tính, tàn phế...
- Trật khớp thái dương hàm
Những người có nguy cơ bị trật khớp thái dương hàm thường có dây chằng vùng khớp thái dương hàm (TMJ) lỏng lẻo tự nhiên. Triệu chứng của loại chấn thương này là bệnh nhân há rộng miệng và không thể ngậm lại được, có đau thứ phát xảy ra khi cố gắng ngậm miệng. Nếu đường giữa hàm dưới bị lệch sang một bên thì là trật khớp ở một bên. Thời gian trật khớp càng kéo dài thì nắn khớp càng khó khăn và khả năng trật khớp trở lại càng cao.
- Trật khớp khuỷu
Bệnh nhân trật khớp khuỷu nên đến gặp bác sĩ trong thời gian sớm nhất để kịp thời nắn chỉnh khớp về vị trí giải phẫu và đeo nẹp hoặc bột cố định khoảng 3-4 tuần cho hồi phục dây chằng bao khớp xung quanh, tránh xảy ra biến chứng.
Xử trí chấn thương đúng cách
Bác sĩ Nguyễn Thị Mỹ Linh cho biết, nếu không xử lý kịp thời và đúng cách, trật khớp sẽ gây tổn thương mạch máu và thần kinh, gây biến chứng như chảy máu, nhiễm trùng, gãy xương (ít gặp)... Một số biến chứng xa bao gồm mất vững, cứng khớp và hạn chế vận động, thoái hóa khớp...
Hơn nữa, mỗi trường hợp trật khớp đều cần có thời gian phục hồi khác nhau. Điều này phụ thuộc vào vị trí khớp trật, các tổn thương phối hợp, thời gian phát hiện và điều trị, thể trạng nền của người bệnh, chế độ tuân thủ điều trị và tập luyện.
Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Hệ thống BVĐK Tâm Anh, là nơi quy tụ đội ngũ chuyên gia đầu ngành, bác sĩ ngoại khoa giàu kinh nghiệm, tận tâm, nhiệt tình như: TTND.GS.TS.BS Nguyễn Việt Tiến; PGS.TS.BS Đặng Hồng Hoa; TS.BS Tăng Hà Nam Anh; ThS.BS Trần Anh Vũ; TS.BS Đỗ Tiến Dũng; TS.BS.CKII Vũ Hữu Dũng... Đây cũng là một trong những đơn vị tiên phong trong việc chẩn đoán và điều trị các bệnh về cơ xương khớp với kỹ thuật hiện đại theo phác đồ tiên tiến hàng đầu thế giới.
Bệnh viện còn được trang bị hệ thống máy móc, trang thiết bị chẩn đoán hình ảnh hiện đại như: máy chụp CT 768 lát cắt Somatom Drive, máy cộng hưởng từ thế hệ mới Magnetom Amira BioMatrix, máy đo mật độ xương, máy siêu âm...; hệ thống kính vi phẫu thuật Opmi Vario 700 Zeiss, bàn mổ Meera-Maquet... để có thể phát hiện sớm các tổn thương và phẫu thuật điều trị thành công các bệnh lý về cơ xương khớp...
BVĐK Tâm Anh còn sở hữu hệ thống phòng khám khang trang, khu nội trú cao cấp; khu vực phục hồi chức năng hiện đại; quy trình chăm sóc hậu phẫu toàn diện giúp bệnh nhân nhanh chóng hồi phục và ổn định sức khỏe sau phẫu thuật.
Để đặt lịch khám và điều trị với các chuyên gia đầu ngành tại Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Quý khách vui lòng liên hệ:
Hệ thống BVĐK Tâm Anh
Hà Nội:
108 Hoàng Như Tiếp, P.Bồ Đề, Q.Long Biên, TP.Hà Nội
Hotline: 1800 6858
TP.HCM:
2B Phổ Quang, P.2, Q.Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh
Hotline: 0287 102 6789
Fanpage: https://www.facebook.com/benhvientamanh
(Nguồn: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh)