Ngày trước tôi rất ghét, và có nhiều niềm tin tiêu cực về tiền, vì quá khứ thường được nghe mẹ nhắc quá nhiều về tiền đến mức ám ảnh. Tôi từng có sự bất an tài chính lớn, thường xuyên áp lực bởi việc kiếm tiền và tiêu tiền.
Thời điểm chưa tìm được việc làm yêu thích khi mới học xong đại học, chỉ một tháng thôi, nhưng mỗi ngày thức dậy và mỗi tối trước khi ngủ đều nghĩ đến tiền và vấn đề tài chính.
Những lúc như vậy tôi cực kỳ ghét chính mình, không phải vì chưa có khả năng làm ra (nhiều) tiền, mà là vì mình đang bị tiền tác động quá nhiều. Tiền ràng buộc tâm trí và khiến tôi mất đi sự tự do. Tôi không thể sống trong hiện tại. Khoảnh khắc đó tôi mới hiểu lý do vì sao mẹ luôn nhắc đến tiền, vì tiền đã luôn hiện diện và ràng buộc mẹ suốt một khoảng thời gian dài mẹ phải vất vả để mưu sinh và nuôi con cái lớn khôn.
Sau khi đi làm một thời gian, tôi phải tự chủ tài chính và bắt đầu gửi tiền về cho gia đình. Dù chỉ đang ở bước tiết kiệm, cũng có tháng dư tháng không, nhưng từ khi ý thức được tiền cũng là một dạng năng lượng, cảm giác bất an tài chính và áp lực khi phải kiếm tiền, tiêu tiền của tôi đã giảm dần và hiện tại không còn nữa. Bằng cách nào?
Xác định mục đích của việc kiếm tiền
Không ai có thể phủ nhận tầm quan trọng của tiền, nhất là ở thời đại cái gì cũng cần dùng đến tiền như hiện nay. Nhưng tiền chỉ thật sự có giá trị, khi chúng ta hiểu rõ mục đích của việc kiếm tiền. Để không tiêu tiền một cách vô tội vạ, không có mục đích, ý nghĩa gì. Và không bất chấp mọi thứ, bỏ quên sức khỏe, niềm vui, mối quan hệ,... chạy theo tiếng gọi của tiền mà quên đi những giá trị thật trong cuộc sống.
>> Bốn năm trả hết nợ mua nhà nhờ đa dạng nguồn thu nhập
Với tôi, tiền không và chưa bao giờ là tất cả. Nhưng tiền là công cụ giúp cuộc sống của mình tốt hơn, giúp mình có thêm thời gian, sức khỏe, kiến thức, trải nghiệm, sự tự do, hạnh phúc và là điều kiện cần để mình có thể giúp đỡ người khác. Vì vậy, tiền là một trong những động lực để cố gắng hơn.
Tùy thời điểm chúng ta sẽ có những mục đích sử dụng tiền khác nhau, và mục đích cũng cần phù hợp với năng lực kiếm tiền của mỗi người nữa. Vì còn trẻ, còn nhiều thời gian và sức khỏe nên hiện tại, sẽ ưu tiên việc kiếm tiền để tiết kiệm quỹ khẩn cấp, đầu tư cho những trải nghiệm và kiến thức và hỗ trợ gia đình một phần. Mọi người thử ngồi xuống xác định rõ ràng mục đích kiếm tiền của mình thời điểm này là gì nhé!
Như đã nói, tôi từng có áp lực kiếm tiền cực kỳ lớn, đó là khoảng thời gian thường xuyên được mẹ nhắc nhở về việc kiếm tiền và so sánh tôi với người khác. Tôi cũng tự so sánh bản thân với bạn bè, khi chứng kiến nhiều người đã làm ra rất nhiều tiền, người có cửa hàng thời trang riêng, người thường xuyên đi du lịch (ra nước ngoài), người mua được nhiều đồ có giá trị (điện thoại xịn, xe xịn...). Thỉnh thoảng áp lực kiếm tiền còn đến từ việc tiền hiện có quá ít để có thể "thỏa mãn" được nhu cầu, mục đích của mình.
Vậy thì làm sao để giảm áp lực kiếm tiền?
Việc so sánh bản thân với người khác không chỉ xảy ra trong vấn đề thu nhập, mà còn ở nhiều khía cạnh khác trong cuộc sống. Thói quen đó đã hình thành từ khi chúng ta còn bé, vì thường xuyên được nghe người lớn so sánh bạn với người khác. Ta nên ngừng so sánh bản thân với người khác bằng cách học yêu mình và hiểu mình. Để hiểu giá trị, tiến trình, mục đích của mỗi người khác nhau.
Thay vì cố gắng để hơn thua với người khác, chúng ta chỉ cần tập trung hoàn thành tốt hành trình của riêng mình thôi. Và để làm tốt đều này, bạn cần quay lại bước một, xác định lại mục đích kiếm tiền của mình và lên kế hoạch cho việc kiếm tiền. Bạn cần tiền để làm gì?
Đó có phải vấn đề thật sự quan trọng không? Số tiền cần để thực hiện việc đó là bao nhiêu? Bạn cần làm những gì để có thể đạt được? Cần bao nhiêu thời gian? Nếu không có đủ thì sao?
>> Tôi 33 tuổi nhưng chỉ có 300 triệu đồng tiết kiệm
Thêm một cách để giảm áp lực kiếm tiền là xài tiền ít lại. Trước khi mua bất cứ thứ gì, hãy hỏi lại bản thân rằng bạn cần hay muốn thứ đó? Hoặc từ từ hãy mua, để đó ba ngày sau quay lại, chưa chắc bạn còn thích nó như lúc đầu đâu. Về lâu dài, hãy cố gắng đa dạng hóa nguồn thu nhập và thực hành lối sống tối giản để có thể hiểu rõ nhu cầu của mình. Khi áp lực kiếm tiền giảm, cũng là lúc chúng ta có nhiều thời gian dành cho bản thân, gia đình, người thương, những mối quan hệ... và có cuộc sống chất lượng hơn.
Tiền cũng là một dạng năng lượng
Nếu mọi người tìm hiểu về luật hấp dẫn (hiểu đơn giản là chúng ta thế nào thì sẽ thu hút những điều tương tự) thì có một khái niệm chắc hẳn rất quen thuộc là tần số và năng lượng. Tiền cũng là một loại năng lượng như thế. Nếu bạn có những niềm tin, cảm xúc tiêu cực về tiền thì bằng cách nào đó, tiền cũng sẽ không ở lại với bạn lâu. Ngược lại, khi bạn có niềm tin, cảm xúc tốt về tiền. Thì bạn sẽ dễ dàng hơn trong việc thu hút tiền về với mình.
Thời điểm bất an tài chính, tôi luôn bị áp lực kiếm tiền và không thoải mái với việc chi tiêu hàng ngày. Lúc nào cũng sợ hãi, áp lực, lo lắng, tạo ra một năng lượng tiêu cực với tiền. Và nỗi sợ về tiền chỉ khiến tập trung vào những điều mình chưa làm được (chưa tìm được việc) thay vì điều mình có thể làm (nâng cao kỹ năng). Số tiền kiếm được khi đó chỉ đủ để trang trải sinh hoạt phí và trả nợ.
Tôi học quan sát cảm xúc của bản thân với tiền và thay đổi từ từ. Bắt đầu từ việc chấp nhận bản thân đang có cảm xúc không tốt với tiền, thay đổi tư duy về việc tiêu tiền – thay vì lo lắng và áp lực, khi tiêu tiền xong mình sẽ cảm ơn, giữ niềm vui khi chi tiền và biết ơn những gì nhận được khi chi số tiền đó.
>> Đưa 20 triệu mỗi tháng, vợ tôi không tiết kiệm đồng nào
Nhờ đó mà tôi thoải mái và tự do hơn trong những buổi đi chơi, đi ăn, đi mua sắm (tất nhiên là phải cân nhắc trước khi chi tiền). Tôi còn học cách giữ niềm vui khi làm việc, biết ơn vì vẫn có công việc và vẫn được nhận lương đầy đủ.
Nhờ đó mà mối quan hệ với tiền cũng tốt đẹp hơn, thu nhập của mình cao hơn, đủ tiền để thực hiện được mục đích của bản thân ở thời điểm hiện tại và cũng không còn áp lực nhiều khi kiếm tiền hay tiêu tiền như trước nữa.
Đặc biệt là dù không có nhiều tiền lắm, tôi vẫn thấy bản thân biết đủ.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bàitại đây.
Tâm Thương