Bản thân là một người đi làm, từng tham gia nhiều khóa học tiếng Anh nhưng vẫn không cải thiện được nhiều, học trước quên sau. Đến hiện tại, tôi cũng đã tự tin hơn nhiều khi giao tiếp dù từ vựng hay ngữ pháp vẫn còn hạn chế nếu so với nhiều người.
Nếu ai đã và đang gặp tình trạng mất tiền, tốn thời gian nhưng tiếng Anh vẫn là con số không, tôi hy vọng bài viết sau sẽ giúp đỡ được phần nào.
1. Mục tiêu không rõ ràng, cả thèm chóng chán
Đa số người đi làm khi tham gia khóa học tiếng Anh (kể cả bản thân tôi) đều chưa thực sự rõ ràng mục tiêu khi học tiếng Anh. Mọi người thường có suy nghĩ chỉ cần học giao tiếp được là được? Nhưng như thế nào là giao tiếp được? Hay bạn cần bao nhiêu từ vựng để có thể giao tiếp cơ bản.
Theo nghiên cứu của Outcast thì trình độ Tiếng Anh tương đương với số từ vựng bạn cần biết như sau:
- A1 = 500
- A2 = 1,000
- B1 = 2,000
- B2 = 4,000
- C1 = 8,000
- C2 = 16,000
Theo nhiều nghiên cứu thì tiếng Anh có khoảng 3600 từ thông dụng, nhiều bài test đưa ra cũng nhằm mục đích kiểm tra kho 3600 từ này của ứng viên.
Giả sử bạn bắt đầu học từ đầu và đặt mục tiêu đạt trình độ A2 trong 3 tháng. Mỗi ngày bạn cần phải nạp thêm ít nhất là 10 từ vựng - 3 tháng gần 900 từ. Lưu ý là không chỉ học thuộc từ vừng máy móc mà bạn nên nhóm các từ theo chủ đề, tình huống và đặt câu theo từ để ghi nhớ tốt hơn. Ví dụ khi học từ princess, hãy nghĩ ngay đến các nàng công chúa Disney! Hãy cố gắng đặt mục tiêu càng rõ ràng thì bạn càng dễ hình dung con đường đi như thế nào để hiệu quả .
Việc không có mục tiêu rõ ràng, muốn học cấp tốc thường cũng dẫn đến việc cả thèm chóng chán, nhanh nản của người đi làm: "Chị chỉ cần giao tiếp được càng sớm càng tốt, em có khóa nào cấp tốc không? Chị đang cần gấp để phỏng vấn vị trí mới em làm thế nào để học trong một tháng giao tiếp được không?".
Thực sự thì việc học để giao tiếp được bằng tiếng Anh không phải là điều đơn giản, nhất là nếu bạn không có nhiều thời gian để học. Nên mọi người phải xác định học tiếng Anh là một quá trình học và luyện tập thường xuyên trong một thời gian dài . (Thường là sáu tháng đến một năm đối với những người mới bắt đầu để giao tiếp được, trừ những bạn dành toàn bộ thời gian cho việc học, có người hướng dẫn và môi trường thực hành thường xuyên)
Bạn không thể giao tiếp thành thạo được chỉ sau vài buổi học nên nếu bạn có tư tưởng muốn học nhanh, học cấp tốc thì sẽ dễ dẫn đến việc bạn nhanh nản sau, hai tháng khi chưa giao tiếp được nhiều hoặc cảm thấy việc học tiếng Anh không dễ như bạn tưởng.
Vậy nếu bạn có ý định muốn tìm việc mới, thay đổi vị trí, nâng lương.... Mà cần tiếng Anh thì tôi khuyên bạn nên đi học sớm đừng để đến lúc cần mới cặm cụi đi học thì không kịp nữa. Công việc tốt sẽ không đợi bạn mà tiếng Anh thì không phải học vài buổi là giao tiếp được.
2. Hạn chế về thời gian
Việc vừa đi làm vừa đi học sẽ khiến bạn gặp khó khăn trong việc sắp xếp thời gian tham gia học cũng như làm bài tập đầy đủ.
Sếp bắt tăng ca, công ty liên hoan hay hôm nay nhiều việc chị mệt quá không đi học được... là vấn đề hầu như ai cũng sẽ gặp phải khi vừa đi học vừa đi làm. Chưa kể đến việc nghỉ nhiều buổi sẽ dẫn đến tâm lý sợ theo không kịp lớp, lười đi học, không làm bài tập đầy đủ vì hổng kiến thức.
3. Lười và ngại nói
Tâm lý chung của người đi làm (nhất là những anh chị U40-50) thường ngại khi nói vì sợ mất mặt, sợ sai. Đâu có ai chưa học mà nói đúng được đâu nên việc đầu tiên là phải sẵn sàng "nói", sai cũng mạnh dạn nói. Lâu dần bạn sẽ rèn được thói quen tự tin khi nói.
Ngoài việc ngại nói ra thì người đi làm còn rất lười. Lười chuẩn bị bài, làm bài tập về nhà. Tôi hiểu lý do là công việc nhiều, đi học về chỉ muốn ngủ giấc để có sức mai đi làm tiếp lấy đâu thời gian để làm bài tập. Hiện việc học và làm bài tập trở nên rất dễ dàng qua internet (ứng dụng học). Mọi người có thể tranh thủ học và làm bài tập trong lúc rảnh. Mỗi ngày dành 30 phút đến 1h cho việc học tôi nghĩ sẽ không phải là quá khó khăn đối với bất cứ ai. Chủ yếu là bạn đã sẵn sàng dành thời gian cho nó hay chưa?
4. Thiếu môi trường thực hành
Bên cạnh việc học trên lớp, tự học ở nhà thì một yếu tố quan trọng không kém là môi trường thực hành giao tiếp. Tôi vẫn còn nhớ cảm giác lần đầu nói chuyện với người nước ngoài khi tham gia một khóa học hoàn toàn khác hẳn khi bạn học trên lớp hay học cùng giáo viên người Việt.
Cảm giác lo sợ, ngại vì từ vựng không biết nhiều, sợ bị cười vì sai ngữ pháp..... Nhưng nếu bạn vượt qua nỗi sợ, mạnh dạn nói, cái gì không biết thì tra từ điển hoặc dùng body language để diễn tả. Lần một, lần hai rồi những lần sau đó bạn sẽ càng ngày càng tự tin hơn, việc áp dụng từ vựng vào tình huống thực tế cũng làm cho bạn nhớ lâu hơn.
Làm thế nào để có môi trường thì bạn có thể tham gia các câu lạc bộ tiếng Anh; chủ động bắt chuyện với người nước ngoài ở các địa điểm du lịch hoặc bất cứ khi nào bạn có cơ hội gặp; tham gia các nhóm chat, làm quen với người nước ngoài khắp nơi trên thế giới qua các group học tiếng Anh... hoặc đăng ký học ở trung tâm có giáo viên nước ngoài dạy.
Có một điều dễ thấy, tại đa số trung tâm, giáo viên nước ngoài chỉ đến dạy rồi về. Rất ít thầy cô dành thời gian để nói chuyện với học viên (trừ khi bạn chủ động làm quen), dẫn đến việc học bị gò bó chỉ trên lớp. Học viên học xong một khóa nếu không có môi trường thì sẽ nhanh bị quên vì lâu không sử dụng (rất nhiều anh chị gặp trường hợp này).
Tóm lại theo cá nhân tôi, việc học tiếng Anh sẽ trở nên dễ dàng hơn nếu có ba yếu tố: một người thầy giỏi để chỉ cho bạn phương pháp học như thế nào đúng và tiết kiệm thời gian; một người bạn tốt sẽ giúp cho bạn có động lực học, chia sẻ cách học, hướng dẫn và động viên bạn trong quá trình học và cuối cùng là một môi trường hay, nơi mà bạn có thể thực hành, luyện tập sử dụng tiếng Anh thường xuyên để tiến bộ mỗi ngày.
Tiệp Ngọc
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.